Bản tin Năng lượng xanh: Nhu cầu năng lượng xanh của Mỹ dự kiến sẽ tăng bất kể ai sẽ là Tổng thống tiếp theo
Hôm thứ Ba (5/11), các công ty lớn trong lĩnh vực năng lượng gió Vestas và Orsted cho biết nhu cầu về năng lượng xanh tại Mỹ sẽ tăng bất kể ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Nhu cầu năng lượng xanh của Mỹ dự kiến sẽ tăng bất kể ai sẽ là Tổng thống tiếp theo
Hôm thứ Ba (5/11), Mads Nipper, CEO của Orsted cho rằng nhiều công ty và bang có nhu cầu năng lượng tăng lên từ việc đưa các ngành công nghiệp và ngành công nghệ quay trở về nước Mỹ. Đây là một tình hình chung, trong đó tất cả các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn điện, đều cần thiết, bất kể ai sẽ vào Nhà Trắng.
CEO Nipper cho biết ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi là một ngành công nghiệp đang được xây dựng từ đầu và đang được hỗ trợ rất mạnh mẽ, đặc biệt là các bang đông bắc, nơi các giải pháp thay thế cho nguồn cung năng lượng và đặc biệt là nguồn cung năng lượng xanh là rất khó khăn.
Giám đốc điều hành của Vestas, Henrik Andersen, cũng hạ thấp mối lo ngại của các nhà đầu tư xung quanh kết quả bầu cử hôm thứ Ba. Trả lời các nhà phân tích, ông cho rằng không có bất kỳ đơn đặt hàng nào phụ thuộc vào cuộc bầu cử ngày hôm nay. Nhu cầu và cầu chung cao hơn nguồn cung hiện tại đối với các nguồn điện xanh mới cho các trung tâm dữ liệu.
Thời gian qua, các nhà phát triển điện gió ngoài khơi đã chứng kiến lợi nhuận giảm trong những năm gần đây do chi phí nguyên liệu thô tăng, lãi suất cao, kết nối lưới điện không đầy đủ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sự cạnh tranh của Trung Quốc, khiến các công ty như BP và Equinor phải thu hẹp tham vọng của mình.
Tại Mỹ, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mới ra đời đang chịu ảnh hưởng bởi các dự án bị hủy bỏ, hoãn bán hợp đồng thuê và một vụ tai nạn xây dựng tại dự án điện gió ngoài khơi lớn đầu tiên của nước Mỹ. Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đã ủng hộ các mục tiêu điện gió ngoài khơi đầy tham vọng khi còn là thành viên chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
Thụy Điển từ chối các trang trại gió ở Biển Baltic, viện dẫn lo ngại về quốc phòng
Hôm thứ Hai (4/11), Chính phủ Thụy Điển cho biết Thụy Điển đã từ chối đơn xin xây dựng 13 trang trại gió ngoài khơi ở Biển Baltic do lo ngại về quốc phòng, trong khi bật đèn xanh cho một trang trại ở bờ biển phía tây của mình.
Chính phủ Thụy Điển đã bật đèn xanh cho trang trại gió Poseidon ngoài khơi bờ biển phía tây, nơi dự kiến sẽ sản xuất khoảng 5,5 TWh điện mỗi năm, nếu được xây dựng.
Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson phát biểu rằng việc xây dựng các trang trại gió ở Biển Baltic sẽ gây ra rủi ro về quốc phòng, đặc biệt là khả năng làm cho việc phát hiện và bắn hạ tên lửa bằng các khẩu đội Patriot của Thụy Điển trở nên khó khăn hơn trong trường hợp xảy ra xung đột.
Quyết định này đặt ra câu hỏi về việc Thụy Điển làm thế nào có thể đáp ứng kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện hàng năm lên khoảng 300 terawatt-giờ (TWh) trong hai thập kỷ tới. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng vọt khi ngành công nghiệp và lĩnh vực vận tải dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Các kế hoạch sản xuất thép, pin và phân bón "xanh" ở Bắc Cực cũng phụ thuộc vào nguồn điện sạch, giá rẻ dồi dào.
Kế hoạch của Chính phủ Thụy Điển là xây dựng năng lượng hạt nhân. Chính phủ đặt mục tiêu có thêm 2.500 megawatt điện hạt nhân vào năm 2035 và 10 lò phản ứng mới sau một thập kỷ, nhưng những người chỉ trích cho rằng nhu cầu dự kiến sẽ tăng nhanh hơn khả năng xây dựng các lò phản ứng mới.
Các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc tiến xa hơn đến những nơi mà thuế quan của Mỹ không áp dụng được
Một số nhà máy điện mặt trời lớn nhất do Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam đang cắt giảm sản lượng và sa thải công nhân, do tác động từ việc mở rộng thuế quan thương mại của Mỹ nhắm vào Việt Nam và ba quốc gia Đông Nam Á khác.
Trong khi đó, tại Indonesia và Lào, một loạt các nhà máy điện mặt trời mới do Trung Quốc sở hữu đang mọc lên, nằm ngoài phạm vi bảo vệ thương mại của Washington. Theo báo cáo của Reuters, công suất dự kiến của họ đủ để cung cấp khoảng một nửa số tấm pin được lắp đặt tại Mỹ vào năm ngoái. Trong 18 tháng qua, ít nhất bốn dự án của Trung Quốc hoặc liên kết với Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tại Indonesia và Lào, và hai dự án khác đã được công bố. Tổng cộng, các dự án có công suất 22,9 gigawatt (GW) về pin mặt trời hoặc tấm pin.
Phần lớn sản lượng đó sẽ được bán tại Mỹ, thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và là một trong những thị trường sinh lợi nhất. Theo dữ liệu từ PVinsights, giá tại Mỹ trung bình cao hơn 40% so với giá tại Trung Quốc trong bốn năm qua.
Các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã nhiều lần thu hẹp sản lượng tại các trung tâm hiện có trong khi xây dựng các nhà máy mới ở các quốc gia khác, cho phép họ tránh được thuế quan và thống trị thị trường Mỹ và toàn cầu bất chấp các đợt thuế quan liên tiếp của Mỹ trong hơn một thập kỷ được thiết kế để kiềm chế họ.
Mặc dù các công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời của mình trong nhiều năm, nhưng phạm vi chuyển dịch sang Indonesia và Lào trong giai đoạn mới nhất này trước đây chưa được báo cáo.
William A. Reinsch, cựu quan chức thương mại trong chính quyền Clinton và cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng "Đây là một trò chơi mèo vờn chuột khổng lồ", và "Mỹ thường chậm hơn một bước".
Theo SPV Market Research, Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng hàng hóa năng lượng mặt trời trên thế giới, trong khi các trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc ở những nơi khác tại Châu Á chiếm phần lớn lượng còn lại. Thực tế này là trái ngược hẳn với bức tranh của hai thập kỷ trước khi Mỹ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu vật tư năng lượng mặt trời của Mỹ đã tăng gấp ba lần kể từ khi Washington bắt đầu áp thuế vào năm 2012, đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu của liên bang. Mặc dù hầu như không có lô hàng nào đến trực tiếp từ Trung Quốc vào năm 2023, nhưng khoảng 80% đến từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia - nơi có các nhà máy do các công ty Trung Quốc sở hữu.
Washington đã áp thuế đối với hàng xuất khẩu năng lượng mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á này vào năm ngoái và mở rộng chúng vào tháng 10/ 2024 sau khi có khiếu nại từ các nhà sản xuất tại Mỹ./.