Bản tin Năng lượng xanh: Các nhà đầu tư cần theo dõi các chủ đề chính về năng lượng mặt trời sau năm 2024 đầy biến động
Sản lượng điện mặt trời đã ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu vào năm 2024, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mặt trời đang phải gánh chịu những khoản lỗ lớn sau khi giá cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời lớn và các quỹ giao dịch trên sàn chứng khoán sụp đổ.
Các nhà đầu tư cần theo dõi các chủ đề chính về năng lượng mặt trời sau năm 2024 đầy biến động
Khoảng cách giữa sản lượng và lợi nhuận làm nổi bật thách thức mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt, khi họ cố tìm cách hưởng lợi từ việc đầu tư vào nguồn điện phát triển nhanh nhất thế giới.
Việc các công ty tham gia sản xuất các thành phần năng lượng mặt trời hoặc lắp đặt hệ thống tấm pin tại các địa điểm phát điện nắm trong tay vốn chủ sở hữu, được coi là một biện pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng liên tục sản xuất và nhu cầu năng lượng tái tạo.
Nhưng sau vụ phá sản vào tháng 8/2024 của công ty Sunpower của Mỹ - công ty đã hoạt động được 40 năm, vừa sản xuất tấm pin vừa lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, thì một số cổ phiếu năng lượng mặt trời lớn đã chịu lỗ lớn năm 2024, buộc các nhà đầu tư phải xem xét lại mức độ đầu tư của mình.
Nhiều cổ phiếu năng lượng mặt trời niêm yết lớn đã giảm mạnh giá trị trong năm 2024. Trong tương lai, năng lượng tái tạo vẫn là trọng tâm của kế hoạch mở rộng sản lượng điện trên toàn thế giới và hệ thống năng lượng mặt trời vẫn là cách nhanh nhất và rẻ nhất để các công ty tiện ích, doanh nghiệp và hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất năng lượng sạch.
Nhưng các nhà sản xuất và lắp đặt tấm pin mặt trời vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên nhiều mặt trận, từ các đối thủ cạnh tranh giá rẻ, tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí linh kiện và tài chính cao, điều này có nghĩa là ngành năng lượng mặt trời vẫn có thể phải đối mặt với những trở ngại trong năm 2025 và sau đó.
Một số chủ đề chính trong lĩnh vực năng lượng mặt trời có thể giúp các nhà đầu tư hiểu được những diễn biến quan trọng, giúp định hình tiềm năng lợi nhuận đầu tư năng lượng sạch trong tương lai:
Trung Quốc vẫn là động lực chính thúc đẩy sản xuất điện mặt trời trên toàn cầu. Theo nhóm nghiên cứu năng lượng Ember, trong 11 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện mặt trời đã tăng mạnh tới 44% so với cùng kỳ năm 2023. Khoảng 779 terawatt giờ (TWh) điện do các trang trại điện mặt trời của Trung Quốc sản xuất từ tháng 1 đến tháng 11/2024 là mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong cùng kỳ và giúp Trung Quốc chiếm tới 41% thị phần sản xuất điện mặt trời toàn cầu.
Các nhà sản xuất điện mặt trời chính kể từ năm 2019: Châu Âu là thị trường lớn thứ hai về sản xuất điện mặt trời vào năm 2024, sản xuất khoảng 338 TWh điện mặt trời trong cả năm (chiếm 17,6% sản lượng điện mặt trời toàn cầu), trong khi Mỹ tạo ra khoảng 283 TWh (chiếm 14,7%).
Châu Âu và Mỹ đều tạo ra khối lượng điện mặt trời kỷ lục trong năm 2024, nhưng cả hai thị trường đều ghi nhận mức giảm về thị phần sản xuất điện mặt trời toàn cầu vì tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vượt xa tất cả các quốc gia khác.
Mức sản xuất điện mặt trời dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 và sau đó, nhưng với tốc độ chậm hơn. Tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra hạn ngạch đối với sản xuất linh kiện điện mặt trời mới và đối với các dự án sản xuất điện để hạn chế tình trạng dư thừa công suất, điều này sẽ làm chậm quá trình bổ sung điện mặt trời trong nước. Tuy nhiên, vì Trung Quốc là nhà sản xuất linh kiện và hệ thống điện mặt trời lớn nhất thế giới, nên khả năng xuất khẩu sản phẩm điện mặt trời của Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn nữa.
Tăng trưởng kinh tế yếu kém kéo dài và chi phí sinh hoạt cao đang gieo rắc sự cay đắng chính trị lan rộng khắp châu Âu, thúc đẩy mạnh hơn sự ủng hộ các chính sách bảo hộ hướng tới tăng trưởng kinh tế trong nước và bảo vệ các doanh nghiệp địa phương. Sự suy yếu kinh tế hơn nữa trong đầu năm 2025 cũng có thể buộc phải cắt giảm chi tiêu của Chính phủ trên khắp châu Âu, làm chậm tốc độ phát triển các dự án năng lượng tái tạo của các công ty tiện ích do Chính phủ điều hành.
Trong khi tốc độ mở rộng năng lượng mặt trời có thể chậm lại ở Châu Âu và Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng ở Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump là người hoài nghi về khí hậu, gọi một số hình thức sản xuất năng lượng xanh là trò lừa đảo và ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên trong nước. Tuy nhiên, chính quyền của ông cũng dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt để nâng tổng sản lượng điện. Trong khi các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch có thể được bật đèn xanh để nâng sản lượng, các nhà cung cấp năng lượng tái tạo cũng có thể hưởng lợi từ việc thời gian kết nối lưới điện ngắn hơn và sự ủng hộ rộng rãi cho các dự án có thể nhanh chóng tăng sản lượng điện.
Các dự án năng lượng mặt trời vẫn là cách nhanh nhất và rẻ nhất để tăng sản lượng điện gia tăng trên khắp nước Mỹ, do vậy, các nhà phát triển năng lượng mặt trời có thể vẫn có nhu cầu cao ngay cả dưới một chính quyền thân thiện hơn với nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng mặt trời vẫn sẽ là một phần quan trọng trong cơ cấu sản xuất điện tại Mỹ và các doanh nghiệp năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục thấy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ.
Những người lựa chọn cổ phiếu có thể tin rằng các công ty năng lượng mặt trời có nhiều khả năng giành được hợp đồng từ các công ty tham gia vào việc thúc đẩy nguồn cung cấp điện của Mỹ, vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2025, đặc biệt là khi xét đến mức định giá thấp kỷ lục hiện nay.
Trina Solar lập kỷ lục thế giới về công nghệ năng lượng mặt trời
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (6/1), công ty Trina Solar của Trung Quốc cho biết hộ đã lập kỷ lục thế giới mới về hiệu suất chuyển đổi của một loại mô-đun năng lượng mặt trời.
Theo kết quả được Fraunhofer CalLab tại Đức, một cơ quan nghiên cứu năng lượng mặt trời chứng nhận, trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các mô-đun HJT diện tích bề mặt lớn của Trina, áp dụng hoàn toàn công nghệ thụ động hóa, đã chứng minh hiệu suất là 25,44%. Thụ động hóa là công nghệ che phủ các khuyết tật trên bề mặt của tế bào quang điện, trong khi hiệu suất tế bào là tỷ lệ năng lượng mặt trời chiếu vào thiết bị được chuyển đổi thành điện năng có thể sử dụng. Tăng hiệu suất tế bào có thể giúp giảm kích thước cần thiết cho các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời cũng như cắt giảm chi phí.
Giáo sư Martin Green tại Đại học New South Wales ở Sydney cho biết kết quả này đã chứng minh tiềm năng của công nghệ năng lượng mặt trời HJT, một trong số nhiều công nghệ đang cạnh tranh để trở thành công nghệ thế hệ tiếp theo chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. "Về lâu dài, tất cả đều liên quan đến hiệu quả, xu hướng chung là khi ngành công nghiệp áp dụng công nghệ mới thì chi phí sẽ giảm xuống khá nhanh".
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Trina Gao Jifan cho biết công ty sẽ tiếp tục tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng mặt trời thụ động để duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ. HJT vẫn chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trên thị trường, theo ước tính của công ty tư vấn năng lượng mặt trời InfoLink, HJT sẽ chiếm 7% công suất pin mặt trời hiệu suất cao năm 2024, 8% vào năm 2025 và 9% vào năm 2026. Pin TopCON hay pin tiếp xúc thụ động kích hoạt bằng đường hầm dự kiến sẽ chiếm phần lớn thị trường trong năm năm tới.
Ngoài việc lập kỷ lục về công nghệ HJT, kết quả này còn là cột mốc mới về hiệu suất chuyển đổi quang điện của các mô-đun pin mặt trời silicon đơn tinh thể./.