Bản tin 20/8: Mỗi môn 9,5 điểm vẫn rớt đại học, vì sao?

Mỗi môn 9,5 điểm vẫn rớt đại học, vì sao?; Thông tin mới nhất vụ tai nạn trên cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, 10 người nhập viện...

Mỗi môn 9,5 điểm vẫn rớt đại học, vì sao?

Theo Vietnamnet, tính đến ngày 19/8, hơn 150 trường đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2024. Năm nay, điểm chuẩn vào nhiều ngành học ở mức rất cao. Ở một số ngành, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn cũng không có cơ hội trúng tuyển.

Bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, lý giải nguyên nhân điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường tăng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, các thông tin về ngành, trường ngày càng minh bạch, rõ ràng. Do đó, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm.

"Một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung cũng có thể đẩy điểm chuẩn lên cao. Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào việc đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về điều này Bộ cần phải có sự phân tích kỹ", Thứ trưởng Sơn nói.

Về điểm chuẩn khối C00 cao, thí sinh đạt 9,5 điểm nhưng không trúng tuyển vào nhiều ngành, ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đã có đánh giá và dự báo từ đầu khi so sánh phổ điểm 2 năm qua và thấy có sự nhích lên. Với các trường uy tín, chất lượng, sự cạnh tranh càng thấy rõ.

Đặc biệt, theo ông Sơn, điểm chuẩn vào các trường Sư phạm tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Lịch sử, Địa lý.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho hay trong những năm vừa qua, với việc tự chủ đại học, các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh và có trách nhiệm làm rõ việc sử dụng các phương thức xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng.

"Tuy nhiên những năm vừa qua, việc xét tuyển sớm được dành số lượng chỉ tiêu tương đối lớn, do đó cũng ảnh hưởng đến số lượng chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho điểm chuẩn tăng cao trong một số năm qua", bà Thủy cho hay.

Với xu hướng như vậy, theo bà Thủy, cần có sự điều chỉnh để các trường tạo sự công bằng cho thí sinh khi tham gia vào các phương thức xét tuyển khác nhau. Đây cũng là điểm quan trọng trong việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới.

Thông tin mới nhất vụ tai nạn trên cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, 10 người nhập viện

Các nạn nhân được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An.

Các nạn nhân được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An.

Theo VTC News ngày 19/8, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Bệnh Viện Đa khoa Long An cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 10 bệnh nhân bị tai nạn giao thông trên cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.

Các bệnh nhân được xác định gồm: Nguyễn Trọng T. (SN 1991) bị gãy tay, Ngô Trần Hậu N. (SN 1970) bị chấn thương đầu, Dương Thị Huyền T. (SN 1991), Nguyễn Ngọc N. (SN 2016), Nguyễn Thị Cẩm T. (SN 2001), Huỳnh Thị Kiều K. (SN 2000) bị chấn thương nhẹ, Nguyễn Thị Y. (SN 1965), Phan Thị Thu H. (SN 1996), Phan Văn L. (SN 1994) và Phan Khả H. (SN 2014) đều bị thương nhẹ.

Thông tin ban đầu, rạng sáng cùng ngày, ô tô khách và xe đầu kéo container xảy ra va chạm trên cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, đoạn qua khu vực TP Tân An, Long An gây ùn ứ.

Cùng lúc đó, cách hiện trường khoảng 2 km, một ô tô 16 chỗ bị hai xe khách tông từ phía sau khiến nhiều người bị thương.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, các nạn nhân được cơ quan chức năng chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tránh được tổn thương nặng.

Trước đó, hôm 21/6, tại hướng trái tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xảy ra vụ va chạm liên hoàn giữa 3 xe gồm ô tô tải, xe 7 chỗ và xe khách 16 chỗ. Vụ va chạm liên hoàn làm 11 người bị thương, được đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.

Thông tin từ bệnh viện, trong số những người bị thương có bé trai bị gãy xương đùi, các nạn nhân khác chấn thương đai cổ cứng, đa chấn thương. Các bác sĩ bệnh viện đã cầm máu, cố định các chi chấn thương và cấp cứu cho các nạn nhân. Sức khỏe các nạn nhân hiện đã ổn định.

Hà Nội tiếp tục gia tăng dịch ho gà, sốt xuất huyết

Theo Tin Tức, trong tuần qua, Hà Nội có thêm 274 ca sốt xuất huyết, 7 ca mắc ho gà; các dịch bệnh vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 9-16/8, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 274 ca sốt xuất huyết; tăng 86 trường hợp so với tuần trước đó; thêm 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 quận, huyện.

Các ca mắc tập trung nhiều tại một số quận, huyện như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng...

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo kết quả giám sát tại một số ổ dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận chỉ số muỗi, bọ gây cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 7 ca mắc ho gà, tăng 2 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố đã ghi nhận 222 ca mắc ho gà, tại 29 quận, huyện, thị xã. Năm nay bệnh ho gà gia tăng đột biến, trong khi cùng kỳ năm 2023 Hà Nội không có ca bệnh ho gà nào. Bệnh nhân ho gà chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Trước tình hình các dịch bệnh vẫn gia tăng, CDC Hà Nội đã đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.

Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch bệnh, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch.

Với các bệnh có vắc-xin, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn để có miễn dịch phòng bệnh.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-20-8-moi-mon-95-diem-van-rot-dai-hoc-vi-sao-204240819172555006.htm
Zalo