Bản tin 10/9: Xử lý nghiêm việc lan truyền thông tin 'vỡ đê' các địa phương
Xử lý nghiêm việc lan truyền thông tin 'vỡ đê' các địa phương; Xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2024: Ngành Văn học trắng ứng viên...
Mùng 1 ăn tiết canh lấy may không ngờ toàn thân tím đen phải lọc máu
Theo Sức khỏe & Đời sống bệnh nhân nam, 27 tuổi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trang an thần, thở máy, trên người nhiều ban xuất huyết hoại tử rải rác toàn thân, tập trung nhiều vùng mặt, đầu chi.
Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, cách vào viện 4 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài quán. Sau khi về nhà, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau mỏi người. Đến đêm bệnh nhân xuất hiện sốt rét run không rõ nhiệt độ. Sáng ngày vào viện, người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, tím tái toàn thân.
Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não theo dõi do liên cầu lợn. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tích cực bởi biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng, được lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm của máu.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, tại một số nơi vẫn còn quan niệm ăn tiết canh đầu tháng (có màu đỏ) để lấy may mắn. Điều này không đúng, bởi nó có thể gây hại cho sức khỏe con người. Trường hợp nam thanh niên 27 tuổi này cũng mắc sai lầm như vậy. Theo lời người nhà, ngày mồng 1 tháng 8 âm lịch vừa qua, 2 anh em rủ nhau đi ăn tiết canh lấy may.
"Thường ở ngoài hàng quán, tiết canh được lấy từ tiết động vật tươi sống. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun sán. Nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu lợn, bệnh đường tiêu hóa…", BS. Phúc nói.
BS. Phúc khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Khi ăn cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO khuyến cáo trên 70 độ C). Đặc biệt lưu ý là người dân không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Sẽ xử lý nghiêm việc lan truyền thông tin "vỡ đê" các địa phương
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT mới đây đã thông tin khẳng định không có việc vỡ đê tại Phú Thọ và Quảng Ninh.
Đơn vị này cho biết, trên địa bàn huyện Yên Lập, Phú Thọ không có đê. Còn công trình tại Tiên Yên, Quảng Ninh không phải là hồ chứa. Theo Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết đây chỉ là đập đất người dân tự dựng để chứa nước tưới cho khoảng 1ha sản xuất nông nghiệp. Hiện nay nước đang rút dần.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng nhấn mạnh hiện nay có rất nhiều thông tin về tình hình mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở sau bão. Đề nghị người dân theo dõi thông tin có chọn lọc từ các kênh thông tin chính thống.
Bộ Công An đã có chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão, mưa lũ.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng cho biết tính đến nay đã có 59 người thiệt mạng trong đợt thiên tai này.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương do thiên tai.
Xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2024: Ngành Văn học trắng ứng viên
Theo Tiền Phong năm nay, có 729 ứng viên được các Hội đồng cơ sở đề xuất xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ngành Văn học không có ứng viên nào được đề xuất cho cả 2 chức danh này.
Theo số liệu được Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) công khai trên website, năm nay, có 4 ngành/liên ngành "trắng" ứng viên GS là HĐGS ngành Khoa học An ninh, HĐGS ngành Văn học, HĐGS ngành Ngôn ngữ học, HĐGS liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục Thể thao. Trong đó, HĐGS ngành Văn học cũng "trắng" ứng viên PGS.
Năm nay, có 10 hội đồng ngành, liên ngành chỉ có 1 ứng viên GS.
Cũng theo số liệu của HĐGSNN, năm 2024, HĐGS ngành Kinh tế tiếp tục giữ ngôi vị quán quân về số lượng ứng viên, 108 người gồm 6 ứng viên GS, 102 ứng viên PGS, tăng 6 ứng viên so với năm 2023.
HĐGS ngành Y học tiếp tục giữ vị trí á quân với 82 ứng viên, tương đương năm trước với 6 ứng viên GS, 76 ứng viên PGS.
Một số HĐGS ngành/liên ngành có số lượng ứng viên rất thấp như HĐGS liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 5 ứng viên; HĐGS ngành Luyện kim có 6 ứng viên; HĐGS liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học có 7 ứng viên; HĐGS ngành Cơ học có 8 ứng viên…
Trúc Chi (t/h)