Bàn tay mẹ
Ngoài trời rỉ rả những cơn mưa, tôi lục lọi tháng ngày bé dại ra ngắm nghía. Kí ức cứ mon men lại gần, rồi trả tôi về những quá vãng xa xăm.
Cái chau mày một thời đạp xe chở đầy nắng gắt, trên những con đường rải đầy rơm rạ được xoa dịu bởi tiếng an ủi mẹ tôi. Cái lạnh se sắt bò quanh vườn cải, trườn vào ngôi nhà bé nhỏ lại tần ngần ngay cửa bếp, bếp lửa chờn vờn mời tôi sà vào sưởi ấm. Tuổi thơ tôi, cứ như thế sống trong sự rượt đuổi những thương yêu. Bên này mùa hè, mẹ lấy chiếc mo cau xua đi cái nóng, bên kia lạnh se sắt, mẹ nhốt ngày đông trong bập bùng ánh lửa. Bàn tay mẹ nâng tuổi thơ đi trong ngọt lành mát dịu.
Nhà tôi nép mình dưới chân đê, ba anh em đương độ tuổi ăn học. Trông chờ vào đồng bạc từ mùa màng nhưng chỉ lấy công làm lời, mẹ phải thêm nghề bán củi. Thức dậy khi đất trời còn ướp sương đêm, chiếc xe đạp nhỏ tròng trành qua những con dốc chở bốn bó củi được xếp gọn ghẽ, mẹ mang xuống thị trấn. Lắm khi xe thủng xăm, mẹ dắt bộ cả quãng đường dài. Có những ngày mẹ về với đôi bàn tay vương đầy dầu nhớt vì phải quàng lại sợi xích. Tôi thường đứng đợi mẹ đầu con mương nhỏ, không cần dõi theo, chỉ cần nghe tiếng cót két của chiếc xe cũ kĩ, tôi biết mẹ đã về.
Mẹ mang theo mấy chiếc bánh cam, có khi là vắt xôi bắp phủ đậu xanh thơm lừng. Mẹ không quên mang cả nụ cười cùng giọt mồ hôi đẫm áo. Bàn tay không chút nghỉ ngơi, lục lọi thức quà vặt cho cô con gái nhỏ. Nhanh chóng, tay phải mẹ kéo đòn ghế ngồi sà xuống, tay trái gỡ chiếc nón khỏi đầu làm quạt. Chiếc nón gom no gió phả lên tôi mát rượi. Nhiều lần tôi ước xích xe luôn ngoan ngoãn trên lằn răng cưa, để mẹ tôi nhịp nhàng trên quãng đường dài. Tôi ước mình hóa thành mặt trời thức dậy sớm hơn để tỏ đường mẹ đi. Tôi ước cầm trong tay cây bút thần Mã Lương vẽ thật nhiều tiền cho mẹ. Ước mong bé dại theo tôi cả ngày thơ. Sau này lớn chút đỉnh, tôi hiểu mẹ, hiểu đời hơn.
Ngày tôi đậu đại học, vai mẹ gánh thêm sự nhọc nhằn. Đã bao lâu rồi mẹ không mua quần áo mới. Đôi dép lê sờn cũ bất lực theo mẹ cả ngày dài. Cả bàn tay nữa. Bàn tay tham công tiếc việc, bàn tay nuôi sống cả gia đình cứ lam cứ làm quanh năm suốt tháng. Buổi sáng, bập bõm trong đám bùn nơi thửa ruộng, mẹ nhổ đám mạ dày, dặm lại đám thưa. Ruộng cứ thế mơn mởn xanh dưới bàn tay mẹ cấy. Và cũng bàn tay ấy, dọn sẵn mâm cơm có canh cua đồng, có cá rô kho khế, có ngọn rau lang thơm lừng mùi tỏi.
Khi tôi bồng bềnh trong giấc trưa, tay mẹ sảy sàng cho hạt lép bay ra, chắc mẩm ở lại. Đống thóc lép, mẹ sảy thêm lần nữa để bòn mót, dù ít ỏi. Chiều mẹ dắt trâu về, cùng bó củi trên vai. Tối đến, tôi chong đèn học bài, hắt lên tường chiếc bóng người đàn bà lần gỡ những bông cỏ may găm đầy ống quần. Bàn tay suốt ngày khua khoắng nơi ruộng đồng, nó cứng đơ, chai sần, nhăn nheo, loang lổ gân xanh. Có cả những vết sẹo, vết xước trong lúc cắt cỏ, móc cua, đốn củi. Có cả những vết ố vàng bám vào kẽ móng...
Những ngày trái gió, tôi đau bụng, mẹ hái đọt ổi đực, ngắt ngọn ngải cứu, nhổ củ hành tăm, mẹ như bác sĩ đông y sắng sốt chuẩn bị cho con đủ thứ thuốc. Khói từ nồi nước lá sả, tía tô, lá bòng cứ nấn ná nơi góc bếp và vấn vít mãi trong tôi khi mẹ xông cho thằng út. Cả cục đất sét mẹ móc ở mé ao, vo tròn rồi lăn vào đống lửa. Mẹ nung cho đến khi đỏ rực như cầu lửa, thả vào chậu, tưới thêm nước lá... Mẹ đỡ út đi vòng quanh và không quên đọc câu: độc bay hết ra, cho con ta khỏe mạnh. Tay mẹ cứ thế chạm vào tuổi thơ tôi hóa thành miền cổ tích.
Giờ đây trên nẻo đường vạn lối, khó khăn bày sẵn chỉ biết vịn vào bàn tay mẹ trong kí ức chập chờn. Trời đừng hanh quá để tay mẹ khô, đừng thả những cơn giông xối xả để tay mẹ rát. Nhớ để tay được ngơi nghỉ... mẹ nha!