Bản sắc An ninh Thủ đô giữa nghị trường
Bên lề Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an trao đổi và kỳ vọng: 'Báo chí ngành Công an đừng nghĩ chỉ đưa tin cho cán bộ, chiến sĩ Công an đọc, mà phải làm sao để thông tin từ nghị trường lan tỏa được đến đông đảo cử tri, nhân dân cả nước'… Rõ ràng, đối với mỗi phóng viên được phân công theo dõi đưa tin về kỳ họp Quốc hội, đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm hết sức lớn lao, bởi đây luôn là một trong những sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của quốc gia.
Chính xác nhưng phải rất sinh động
Thông thường một năm Quốc hội họp 2 kỳ, mỗi kỳ kéo dài khoảng trên dưới một tháng. Mỗi kỳ họp Quốc hội có khoảng trên 200 phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và phóng viên báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam được cấp thẻ tham dự để đưa tin.
Trong mỗi phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội, mỗi đại biểu được phát biểu không quá 7 phút, tranh luận không quá 3 phút, nên bình quân một phiên thảo luận có tới trên dưới 20 đại biểu phát biểu; ở các phiên thảo luận tổ con số này còn cao hơn rất nhiều. Nội dung được bàn thảo tại Quốc hội là những vấn đề hệ trọng quốc gia và cũng rất đa dạng, phong phú, từ các Luật, Nghị quyết chuyên ngành cho đến các vấn đề kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, công tác nhân sự...
Tóm lược sơ qua để thấy, với mỗi một phóng viên được Tòa soạn phân công đi đưa tin về kỳ họp Quốc hội, áp lực để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tòa soạn giao, áp lực để tìm được bản sắc riêng trong hàng trăm nhà báo đồng nghiệp, áp lực để lựa chọn vấn đề đưa tin giữa ngồn ngộn thông tin thời sự “nóng hổi” mỗi ngày trên nghị trường… là rất lớn. Trò chuyện ngắn với phóng viên An ninh Thủ đô bên lề một phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân tại Kỳ họp thứ 5 ở đầu tháng 6-2023, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an động viên: “Trách nhiệm của anh em báo chí ngành nặng nề lắm đấy!”.
Tại mỗi kỳ họp Quốc hội luôn có rất nhiều nội dung nghị sự liên quan đến lĩnh vực quản lý, trách nhiệm của ngành Công an, đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5 có tới 3 dự thảo Luật do Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo (gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam).
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tập trung truyền tải những thông điệp đến toàn thể cử tri và nhân dân một cách nhanh nhất, chính xác và khách quan. Trung tướng Tô Ân Xô dặn dò: “Mình là báo của ngành Công an thì mình càng phải bám sát tôn chỉ mục đích của tờ báo, bám sát chức năng nhiệm vụ của ngành Công an, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của ngành khi đưa tin, nhất là đưa tin về các dự án Luật do ngành mình chủ trì soạn thảo”.
Dẫn ví dụ tại phiên thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân ngày 25-5, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, qua tổng hợp có 97 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu thì có trên 90 ý kiến đồng thuận cao với các nội dung của dự thảo Luật. Cũng có một số đại biểu Quốc hội ủng hộ nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn, bổ sung thêm… một số vấn đề và một số ít ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn.
“Vậy thì, anh là phóng viên báo ngành, trước hết anh phải tìm hiểu đầy đủ về nội dung đó, từ đó phản ánh khách quan tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cung cấp thông tin để bạn đọc hiểu một cách toàn diện nhất” - Trung tướng Tô Ân Xô nói và phân tích thêm: “Đừng nghĩ một tờ báo ngành Công an thì chỉ tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ Công an đọc mà phải xác định đối tượng bạn đọc của mình là đông đảo tầng lớp cử tri, nhân dân. Vì thế, đưa tin về Quốc hội, đưa tin về hoạt động của ngành Công an tại Quốc hội phải làm sao cho sinh động, cho hay, để cử tri và nhân dân cùng đọc. Có vậy thì các thông tin từ nghị trường Quốc hội mới được lan tỏa và đông đảo nhân dân biết đến”.
Vai trò phản biện của báo chí rất quan trọng
Những năm gần đây, hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch. Bằng chứng là rất nhiều phiên họp quan trọng của Quốc hội được tường thuật trực tiếp trên truyền hình, đài tiếng nói để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Những phiên họp không tường thuật trực tiếp như đã nói, có hàng trăm nhà báo được cấp thẻ tác nghiệp tại tòa nhà Quốc hội, nên mọi thông tin đều được báo chí phản ánh nhanh nhất, đầy đủ nhất đến bạn đọc của mình. Vì thế, hành lang Quốc hội trong khoảng 20 phút giải lao của các đại biểu Quốc hội giữa mỗi phiên họp chính là thời điểm rất quan trọng để các báo tạo ra bản sắc riêng của mình bằng những thông tin “độc quyền”, phỏng vấn các đại biểu Quốc hội về những vấn đề, những đề tài riêng mà tòa soạn định hướng.
Cũng bên hành lang Quốc hội, biết tôi là phóng viên An ninh Thủ đô - cơ quan của CATP Hà Nội, đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chia sẻ, báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng và có hiệu ứng rất tốt nếu chúng ta tuyên truyền theo đúng định hướng. Trước hết, đòi hỏi các nhà báo muốn tuyên truyền một nội dung nào đó cần phải hiểu về vấn đề đó, cần được nghe những ý kiến đa chiều để khi lập luận, phân tích, lý giải cho người đọc hiểu được vấn đề mà mình định nêu cũng như đại biểu Quốc hội muốn diễn đạt.
Thậm chí, khi có những ý kiến hiểu chưa đúng thì chính nhà báo cũng phải bảo vệ và phản biện lại. Đại biểu Nguyễn Minh Đức dẫn ví dụ, khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân tại hội trường Quốc hội ở kỳ họp này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với việc bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, song cũng còn một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, hoặc so sánh với cấp Tướng trong Quân đội nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, cơ quan soạn thảo và thẩm tra sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu để giải trình, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Còn với công tác tuyên truyền, đưa tin về kỳ họp, trong những trường hợp này, vai trò của một tờ báo ngành Công an cần phải được thể hiện rõ nét hơn so với các cơ quan báo chí khác.
“Chẳng hạn, báo chí ngành Công an có thể phỏng vấn sâu thêm các đại biểu có ý kiến khác để nghe họ lập luận về quan điểm của mình nhằm có thông tin đầy đủ hơn. Đồng thời có thể phỏng vấn nhiều ý kiến các đại biểu khác, hoặc những chuyên gia… để có thông tin một cách đa chiều, khách quan. Thậm chí chính những thông tin này có thể trở thành một kênh thông tin để thông tin lại cho những đại biểu còn ý kiến băn khoăn” - Trung tướng Nguyễn Minh Đức trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô - “Đó cũng chính là điều để báo chí ngành Công an phát huy được tối đa vai trò của mình trong đưa tin về nghị trường, tạo ra được bản sắc riêng”.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai): Báo chí còn là kênh tương tác quan trọng của đại biểu với cử tri và nhân dân
“Khó hình dung ra được Quốc hội hoạt động mà không có báo chí. Việc đưa tin từ nghị trường đặt ra yêu cầu cho báo chí là phải đưa tin đúng, nhanh, kịp thời, khách quan, trung thực. Đặc biệt, phải nhấn được quyết sách của Quốc hội. Từ những quyết sách qua “bấm nút” của các đại biểu, qua báo chí trở thành một sức mạnh lớn hơn. Báo chí vừa là phương tiện truyền thông nhưng cũng vừa là động lực để Quốc hội trở nên công khai, minh bạch, gần gũi với người dân và cử tri. Thông qua báo chí còn là kênh tương tác của đại biểu với cử tri và nhân dân”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội): Báo chí tạo ra được xu thế và định hướng dư luận
“Vai trò của báo chí trong việc tham gia vào các hoạt động nghị trường là hết sức to lớn. Tất cả những vấn đề về Luật, quyết định quan trọng của đất nước, thậm chí những vấn đề thuộc về nhân sự, tổ chức… báo chí theo rất sát. Qua tuyên truyền của báo chí về hoạt động nghị trường tạo ra được xu thế và định hướng dư luận. Báo chí cũng góp phần cung cấp cho đại biểu những thông tin chính xác, cập nhật, để làm cơ sở thảo luận, đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, từ đó giúp Quốc hội đưa ra những quyết định cuối cùng”.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy: Vai trò của báo chí trong việc truyền thông chính sách hết sức quan trọng
“Tại Quốc hội, chúng tôi luôn luôn cởi mở với báo chí và luôn sẵn lòng tiếp thu các ý kiến của báo chí. Tôi thấy vai trò của báo chí trong việc truyền thông chính sách hết sức quan trọng. Thực sự rất hiệu quả, đây cũng là kênh giúp cơ quan chức năng có khả năng phản ứng chính sách một cách nhanh chóng và kịp thời”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường: Báo chí là cầu nối đưa hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, nhân dân
“Không có một quốc gia nào trên thế giới truyền hình trực tiếp hầu hết các phiên họp quan trọng của Quốc hội như nước ta, điều đó cho thấy sự công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội và cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí, truyền hình trong việc là cầu nối đưa hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, nhân dân. Nước ta có đa dạng các loại hình báo chí và có đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí. Số lượng phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại mỗi kỳ họp Quốc hội cũng rất đông đảo. Có thể nói, vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.