Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ: Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động

Thời gian qua Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Sông Bồ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

BQL RPH Sông Bồ (trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế) được thành lập năm 2008, là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái tạo rừng, trồng và chăm sóc rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ bảo đảm chức năng phòng hộ đầu nguồn Sông Bồ và các hồ thủy điện;...

BQL RPH Sông Bồ được giao quản lý 12.050,62 ha diện tích rừng và đất rừng thuộc 24 tiểu khu, tập trung chủ yếu đầu nguồn Sông Bồ. Trước những khó khăn chung của các đơn vị sự nghiệp công lập, những năm qua BQL RPH Sông Bồ đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ, các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Ông Phạm Ngọc Dũng Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên

Ông Phạm Ngọc Dũng Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên

Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả phát triển rừng

Theo đó, BQL RPH Sông Bồ không ngừng đổi mới phương thức quản lý để nâng cao năng lực quản trị; nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của từng viên chức; chú trọng áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số để đổi mới phương thức quản lý, nhờ đó đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2017-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, hàng năm BQL RPH Sông Bồ giao khoán lý bảo vệ 1.174,71 ha rừng, trong đó 699,47 ha từ nguồn DVMTR cho các hộ gia đình sống gần rừng và 475,24 ha từ nguồn ERPA (thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ) cho 04 cộng đồng dân cư. Kết quả diện tích rừng giao khoán trong những năm qua được quản lý bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng săn bắt động vật, chặt phá và lấn chiếm.

BQL RPH Sông Bồ đã ký quy chế phối hợp với Công an xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà và mở rộng ký kết quy chế phối hợp với Công an xã Phong Sơn, huyện Phong Điền để bảo vệ rừng tự nhiên.

BQL RPH Sông Bồ đã ký quy chế phối hợp với Công an xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà và mở rộng ký kết quy chế phối hợp với Công an xã Phong Sơn, huyện Phong Điền để bảo vệ rừng tự nhiên.

Nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ rừng, công tác tuyên truyền luôn được đặc biệt chú trọng, thông qua các hình thức như: họp mặt trực tiếp với người dân, cắm bảng Pano trên tuyến đường vào rừng, tuyến đường lâm sinh, phát tờ rơi cho người dân sống gần rừng và lao động thi công trồng, chăm sóc rừng, tổ chức Hội thi văn nghệ quần chúng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về lâm nghiệp… từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi của người dân trong việc tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Cắm bảng Pano trên tuyến đường vào rừng, tuyến đường lâm sinh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ rừng.

Cắm bảng Pano trên tuyến đường vào rừng, tuyến đường lâm sinh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ rừng.

Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), BQL RPH Sông Bồ thực hiện phương châm “4 tại chỗ" và "5 sẵn sàng” trên cơ sở phòng là chính. Ngay từ đầu hàng năm, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy BVR-PCCCR, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và mua sắm, sửa chữa nhiều công cụ máy móc bố trí cho các Tổ BVR chuyên trách để đưa vào phục vụ PCCCR. Điểm mới trong công tác PCCCR năm 2023 và 2024 là chỉ đạo các Tổ BVR xây dựng phương án PCCCR theo từng Tổ, xác định được các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; nguyên nhân, giải pháp trọng tâm để phòng, chữa cháy rừng; kịp thời xử lý, chỉ huy, tổ chức chữa cháy với mục tiêu không để xảy ra cháy rừng, nếu xảy ra cháy, Tổ tự triển khai lực lượng dập tắt tại chỗ không để xảy ra cháy lớn.

BQL RPH Sông Bồ tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về lâm nghiệp.

BQL RPH Sông Bồ tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về lâm nghiệp.

Thực hiện công tác chống chặt phá rừng, BQL RPH Sông Bồ đảm bảo bố trí lực lượng bảo vệ rừng chốt chặn ở các tuyến đường vào rừng để ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng vào rừng trái phép và thường xuyên tổ chức đợt truy quét tại rừng. Từ năm 2022, BQL RPH Sông Bồ đã ký quy chế phối hợp với Công an xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà và mở rộng ký kết quy chế phối hợp với Công an xã Phong Sơn, huyện Phong Điền để bảo vệ rừng tự nhiên của đơn vị; đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin với Công an các xã qua nhóm Zalo; tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng đã từng thực hiện hành vi phá rừng trái phép, phối hợp với Công an mời làm việc để tuyên truyền, giáo dục, răn đe và ký cam kết không xâm phạm rừng.

BQL RPH Sông Bồ tổ chức Hội thi văn nghệ quần chúng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

BQL RPH Sông Bồ tổ chức Hội thi văn nghệ quần chúng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao hiệu quả phát triển rừng, BQL RPH Sông Bồ đã trồng hơn 1.121 ha rừng từ nhiều nguồn vốn, đặc biệt từ năm 2021 đến nay đã nỗ lực thực hiện trồng hơn 750 ha rừng bản địa. Xác định phát triển, chế biến cây dược liệu sẽ là một hoạt động sản xuất quan trọng của đơn vị trong giai đoạn 2025-2030. Đơn vị đã thử nghiệm trồng một số loài cây dược liệu, đến nay, hơn 10 ha Tràm 5 gân phát triển tốt, đã cho thu hoạch; đối với cây Sâm bố chính và Cà gai leo đang theo dõi và đánh giá tình hình sinh trưởng. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành lập quy hoạch khoảng 30-50 ha đất trống và đất có rừng để phát triển cây dược liệu giai đoạn 2025-2030.

Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng nhất

Nhằm đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị, BQL RPH Sông Bồ xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng nhất. Ngày 07/3/2024, đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-BQLRPHSB về triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số hướng đến mục tiêu “4 không, 1 có” (04 không là: Làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt; 01 có là: có bộ cơ sở dữ liệu được số hóa).

Cuộc họp trực tuyến của BQL RPH Sông Bồ và các Trạm quản lý bảo vệ rừng.

Cuộc họp trực tuyến của BQL RPH Sông Bồ và các Trạm quản lý bảo vệ rừng.

BQL RPH Sông Bồ đã lắp đặt ổ cứng mạng (NAS) và xây dựng hệ thống lưu trữ, phân quyền và truy xuất dữ liệu thông qua hệ thống ổ cứng NAS; lắp đặt phòng họp trực tuyến; phần mềm báo cáo Google drive; hệ thống điện năng lượng mặt trời có lưu trữ điện ban đêm cho các Trạm QLBVR; trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết để kết nối, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin cho toàn bộ viên chức của Văn phòng Ban và các Trạm QLBVR.

Hiện nay, 100% các Trạm QLBVR ở giữa rừng sâu của đơn vị đều đã được “phủ kín” mạng internet dung lượng lớn và điện sáng 24/24h, đảm bảo điều kiện tối ưu để sử dụng công nghệ thông tin cho tất cả viên chức và người lao động.

BQL RPH Sông Bồ chăm lo, trang bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết như: Ti vi, máy lọc nước, hệ thống điện năng lượng mặt... cho các Trạm quản lý bảo vệ rừng

BQL RPH Sông Bồ chăm lo, trang bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết như: Ti vi, máy lọc nước, hệ thống điện năng lượng mặt... cho các Trạm quản lý bảo vệ rừng

Nhờ có sự đầu tư cơ bản, hoàn chỉnh về hạ tầng tại các Trạm QLBVR nên các cuộc họp giao ban, trực báo, hội thảo, hội nghị của BQL RPH Sông Bồ đều thực hiện theo hình thức trực tuyến. Với cơ sở dữ liệu đã được số hóa nên tất cả viên chức và người lao động của BQL RPH Sông Bồ đều có thể cập nhật, truy xuất, khai thác thông tin dữ liệu mọi lúc, mọi nơi bằng tất cả các loại thiết bị máy tính, điện thoại... để phục vụ công việc. Hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của các cấp quản lý trong BQL RPH Sông Bồ cũng rất thuận lợi, hiệu quả.

Trong thời gian tới, với truyền thống đoàn kết, phát huy trí tuệ, đổi mới tư duy, sáng tạo, BQL RPH Sông Bồ tiếp tục thực hiện tốt công tác QLBVR, PCCCR; sử dụng và phát triển hiệu quả vốn rừng hiện có. Quy hoạch và sử dụng đất lâm nghiệp đúng mục đích, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất để phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho cán bộ viên chức và người lao động. Áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng thông minh, hiệu quả cao. Nâng khả năng tự chủ của BQL RPH Sông Bồ từ 13% hiện nay lên 20% vào năm 2026 và 30% vào năm 2030.

Cảnh Hưng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ban-quan-ly-rung-phong-ho-song-bo--doi-moi-phuong-thuc-quan-ly--nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-129948.htm
Zalo