Bản người Dao Tiền xã Cao Sơn phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang sơ, cộng đồng người Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) còn lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: nhà ở, trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt… Từ sau khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), những nét văn hóa truyền thống của đồng bào càng được bảo tồn, phát huy.
Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang sơ, cộng đồng người Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) còn lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: nhà ở, trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt… Từ sau khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), những nét văn hóa truyền thống của đồng bào càng được bảo tồn, phát huy.
Định kỳ hàng tháng 2 buổi, vào mồng 1 và 15 âm lịch, lớp truyền dạy chữ Dao tổ chức học, 3 thầy người bản địa thông hiểu chữ Dao thay phiên nhau đứng lớp. Học sinh tham gia lớp học đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến bậc cao niên. Mục đích của việc học chữ để biết và lưu giữ chữ viết của dân tộc mình. Được mở từ năm 2017, lớp học đặc biệt này cũng là điểm được nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc cho biết: Trong chuỗi chương trình, hoạt động trải nghiệm thú vị ở bản Sưng, lớp học của người Dao là nội dung thu hút nhiều đoàn khách. Nhiều du khách bày tỏ sự trân trọng trước tâm huyết bảo tồn chữ viết của đồng bào dân tộc Dao Tiền.
Hiện nay, kiến trúc nhà ở truyền thống vẫn được cộng đồng ở bản giữ nguyên trạng. 78 hộ dân đều làm nhà trệt ghép bằng gỗ và lợp mái cọ. Cách đây 3 năm, một dự án thuộc tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ các hộ dân thực hiện mô hình nâng cao năng lực tự vững, trọng tâm là bảo tồn nghề truyền thống. Thông qua đó, tại bản thành lập các nhóm, tổ nghề thổ cẩm, thuốc nam, làm giấy dó, đồng thời hình thành không gian trải nghiệm làng nghề với đầy đủ quy trình từ sản xuất đến thành phẩm.
Anh Hoàng Đức, hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: Tôi đã dẫn khá nhiều đoàn khách nước ngoài đến với DLCĐ bản Sưng. Nhìn chung du khách có ấn tượng tốt về điểm đến, cũng như đánh giá cao ý thức bảo tồn văn hóa của người dân, như bà con vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống, ở nhà trệt… Đó cũng là điều thu hút du khách lưu trú dài ngày ở bản để có thời gian trải nghiệm lâu hơn.
Theo ông Lý Văn Nghĩa, Trưởng bản Sưng, từ khi làm du lịch, tư duy của người dân có chuyển biến tích cực theo hướng cởi mở, nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được nâng lên. Các hộ kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng ngày càng hoàn thiện chất lượng dịch vụ, mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa đa sắc về không gian lưu trú, hương vị ẩm thực, văn hóa văn nghệ dân tộc… Cùng với đó, nhiều hộ trong bản tham gia hoạt động DLCĐ thông qua cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch, góp phần cải thiện thu nhập và cuộc sống.
Các giá trị văn hóa truyền thống còn được đồng bào dân tộc Dao Tiền nơi đây khai thác thành chuỗi trải nghiệm như: vẽ sáp ong, nhuộm chàm, in hoa văn trên giấy dó, tắm lá thuốc người Dao, làm rượu, ủ thịt chua… Cộng đồng ở bản không ngừng làm mới sản phẩm, dịch vụ, giúp du khách có những trải nghiệm chân thực, phong phú. DLCĐ ở bản đang triển khai tour hành trình tìm hiểu văn hóa, lịch sử thu hút được nhiều du khách, nhất là khách quốc tế có chủ đề "Dấu chân rừng thiêng”. Theo đó, với lịch trình 2 ngày 1 đêm, du khách bước vào thử thách, giải mã những câu đố, mật mã và truy tìm những mảnh ghép bí ẩn về văn hóa, lịch sử vùng đất; tắm suối tại mó nước gần bản hoặc tắm lá thuốc người Dao; thưởng thức ẩm thực dân tộc; giao lưu văn nghệ và hòa nhịp cùng điệu múa chèo của người Dao Tiền. Sau khi nghỉ đêm tại homestay, du khách dạo chơi quanh bản, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương; tìm hiểu quy trình làm giấy dó và cùng sáng tạo những bức tranh trên nền giấy dó kết hợp cây, hoa trong vườn.