Bạn nghề tiễn biệt dịch giả Dương Tường trong không gian 'Tình khúc 24'
Trên nền ca khúc 'Tình khúc 24' do Phú Quang phổ nhạc từ thơ Dương Tường, gia đình, bạn hữu, nghệ sĩ bốn phương đến tiễn biệt dịch giả, nhà thơ.
Lễ viếng dịch giả, nhà thơ Dương Tường diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 1/3 (tức 10 tháng 2 năm Quý Mão).
Lễ truy điệu được cử hành vào 10h45 cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ.
Trong tiếng nhạc du dương của “Tình khúc 24”, “Dương cầm lạnh” - hai ca khúc nhạc sĩ Phú Quang phổ từ thơ Dương Tường, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp không giấu được niềm xúc động khi tiễn biệt dịch giả, nhà thơ về với đất mẹ. "Chờ em đường dương cầm trăng/ Anh về lối dương cầm lạnh". Những khuôn mặt xuất hiện ở nơi đâ đều chan chứa nuối tiếc nhưng cũng ấm áp bởi tình yêu thương dành cho người văn sĩ đáng kính này. Dương cầm không lạnh! Dịch giả đã sống trọn vẹn trong vòng tay bạn hữu, độc giả trong và ngoài nước.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cảm thấy hụt hẫng trước sự ra đi của Dương Tường. Đến nay, ông vẫn chưa tin đây là sự thật.
Là đàn em trong nghề, người em thân thiết trong cuộc sống, ông Nguyên vẫn chưa thôi day dứt khi không được gặp Dương Tường ở những phút cuối đời, vì quy định nghiêm ngặt của bệnh viện.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất về Dương Tường, ông Nguyên kể rằng: “Những ngày cuối đời, dịch giả hay gọi điện cho tôi, nói: "Nguyên à, em đến đưa anh đi chơi đi". Ông thèm ra ngoài, ngắm đường phố, nghe những cuộc trò chuyện của người trẻ. Khi sức khỏe sa sút, ông vẫn thích được người thân đưa xuống quán cà phê gần nhà ở đường Lê Thánh Tông chơi.
Ông là một người hiền, thể hiện ở tính cách, thái độ sống nhưng quyết liệt trong sáng tác, tìm tòi con chữ. Hơn 60 năm gắn bó nghề, ông giày vò cả thể xác lẫn tinh thần để chuyển ngữ các tác phẩm kinh điển".
Trong điếu văn, dịch giả Phạm Xuân Nguyên nói Dương Tường là người tình gắn bó gia đình, người tình đam mê những trang văn chương nhân loại, người tình gan ruột của tiếng Việt và người tình không tuổi của văn thơ, hội họa, sân khấu, âm nhạc.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Dương Tường là người gầy gò, thấp bé nhẹ cân theo đúng nghĩa đen. Ông nhẹ đến nỗi có thể nghĩ rằng khi nằm xuống đất không để lại một vết lõm, nói như ý của nhà thơ, nhà viết kịch Đức Bertolt Brecht.
Nhưng xét về khối lượng và phẩm lượng các sách dịch của ông, xét về sự cách tân thơ của ông, xét về tác động tinh thần của ông đến mọi người xung quanh và xét đến tình yêu mến vô tư chân thật của mọi người dành cho ông, có thể nói Dương Tường là người rất nặng.
Sức nặng của ông là từ “cây thập giá chữ” ông tự nguyện mang vác đến trọn đời. Mượn cách nói của Lê Đạt, có thể nói chữ đã bầu lên Dương Tường một dịch giả xuất sắc, một nhà thơ độc đáo. Chữ đã tạo nên giá trị con người ông.
Dịch giả Phạm Xuân Nguyên đọc những lời thống thiết: "Anh Tường ơi! Từ nay anh đã bỏ lại sau đời một thời khốn khó, khắc nghiệt nhưng cũng đầy hăm hở, say mê. Cái thời buộc anh “Hơn một phần tư thế kỷ/ Tôi ngoại tình với cái tên tôi”. Từ nay anh đã bỏ lại sau đời những cuộc chơi cuộc vui với bạn bè, đồng nghiệp, đàn em.
Từ nay ngõ phố Phan Huy Chú và ngôi nhà số 3B trong ngõ đã vắng bước chân anh đi về quen thuộc gần bảy mươi năm qua, vắng những cuộc gặp văn nghệ đầm ấm. Anh đã đi về phía kia trời gặp lại các bạn văn thân thiết “cùng một lứa bên trời lận đận”: Bùi Ngọc Tấn, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh.
Anh có biết chăng hôm nay mọi người ở đây đang rất nhớ anh, đang gửi lòng mình về anh theo tiếng nhạc Phú Quang phổ hai bài thơ “Tình khúc 24” và “Dương cầm lạnh” của anh”.
Tiếp đến, dịch giả đọc bài thơ “Một nhành sương” viết mừng sinh nhật Dương Tường 85 tuổi (2017) dựa trên những câu thơ, ý thơ của Dương Tường.
NSND Lê Khanh, NSND Lê Chức, họa sĩ Lương Xuân Đoàn và nhiều đồng nghiệp không giấu được xúc động.
“Bạn bè đồng nghiệp, những đứa em của anh nhớ anh mãi. Cầu mong hương linh anh sớm siêu thoát, an lành nơi cõi vĩnh hằng. Xin được chia sẻ tổn thất đau đớn này cùng gia đình thân yêu của anh”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam viết trong sổ tang.
Nhà văn Ngô Thảo xót xa: “Thế là từ nay vĩnh viễn mất một người lao động nghệ thuật nghiêm túc, cẩn trọng, chuyên cần, năng suất cao. Cầu chúc hương linh người sớm gặp gỡ bạn văn ở một thế giới không còn lận đận. Vĩnh biệt người hiền Dương Tường!”.
NSND Lê Chức, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cùng các văn nghệ sĩ viếng nhà thơ, dịch giả Dương Tường
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam và về hưu từ năm 1979.
Hơn nửa thế kỷ cặm cụi dịch thuật, gia tài của ông có đến hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như: Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản.
Đối với độc giả Việt, tác giả Dương Tường đã quá quen thuộc qua những tác phẩm chuyển ngữ kinh điển như: "Cuốn theo chiều gió", "24 giờ trong đời người đàn bà", "Kafka bên bờ biển", "Đồi gió hú", "Con đường xứ Flandres", "Lolita".
Thơ Dương Tường cũng rất lạ, ghi một nét riêng vào kho tàng thơ ca Việt. Không giống ai, ông công bố bài thơ ghi trên mộ chí duy nhất có một câu: "Tôi đứng về phe nước mắt".
Ông có ảnh hưởng đặc biệt trong giới bởi sự làm nghề chỉn chu, vắt kiệt tâm huyết và luôn hướng tới cái mới. Ông nói" "Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi".
"Có mọi con đường đi tới cái mới trong thi ca, miễn là mỗi con người sáng tạo phải phát quang con đường để đi tới cái mới" - Dương Tường cả đời là một người làm thơ, làm dịch giả như thế.