Bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn-TPHCM: Tư duy thực tiễn của người lãnh đạo
Theo PGS-TS Phan Xuân Biên, tư duy 'sát với thực tiễn' đã giúp Bí thư Võ Văn Kiệt đưa ra những quyết sách đúng đắn trong giai đoạn khó khăn sau năm 1975.
Lịch sử 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã minh chứng: TPHCM là nơi khơi nguồn của đổi mới, nơi tiên phong xây dựng thành công những mô hình phát triển mới. Thành phố dám nghĩ, dám làm được là nhờ phía sau có sự dẫn dắt của những vị lãnh đạo quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về những quyết định mạnh mẽ của mình.
Những nhà lãnh đạo "sát" thực tiễn
Từng có thời gian làm việc bên cạnh Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt, PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, vẫn ấn tượng mãi về một vị Bí thư thành phố rất gần gũi, biết lắng nghe cả ý kiến xuôi và ý kiến ngược.

“Bí thư xé rào” Võ Văn Kiệt đi thực tế nông trường năm 1979
"Tôi ở gần chú Sáu (Sáu Dân), tôi biết, chú Sáu là người không thích nói lý luận suông, nhưng chú rất tôn trọng khoa học, rất tôn trọng trí thức, nghe ngược nghe xuôi. Nói lý luận, thì lý luận đó phải từ thực tiễn, lý luận đó phải phục vụ cho người dân, phải phục vụ cho xã hội, phục vụ cho đất nước", ông Phan Xuân Biên cho biết.
Theo PGS-TS Phan Xuân Biên, tư duy "sát với thực tiễn" đã giúp Bí thư Võ Văn Kiệt đưa ra những quyết sách đúng đắn trong giai đoạn khó khăn sau năm 1975. Thời điểm đó, khi TPHCM đang rơi vào bế tắc bởi cơ chế quản lý bao cấp, Bí thư Thành ủy đã về cơ sở, tìm hiểu thực tế từ người dân và nhà máy sản xuất.
Trong bối cảnh gần 3,5 triệu dân TPHCM đối mặt với nạn đói, nhà máy đình trệ sản xuất, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã đề ra chủ trương mua gạo cứu đói từ ĐBSCL với giá cao hơn giá Nhà nước quy định.
Ông cũng lăn lộn ở các nhà máy, xí nghiệp, từ thực tế sản xuất để "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp của TPHCM thực hiện kế hoạch A, kế hoạch B, và tiếp theo đó là kế hoạch C, từ đó giải phóng sức sản xuất, đưa ngành công nghiệp thành phố thoát khỏi sự trì trệ.
Nhờ đó, TPHCM đã có những nhà máy dệt Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi, Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá... với sức sản xuất vượt trội, đời sống người lao động được cải thiện, trở thành hình mẫu cho sản xuất công nghiệp trong giai đoạn đổi mới.

PGS - TS Phan Xuân Biên
Năm 1983, khi ông Võ Văn Kiệt ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Văn Linh về TPHCM làm Bí thư Thành ủy.
Sự kế thừa trong cách nghĩ, cách làm đã giúp TP.HCM tiếp tục "vượt rào, xé rào". Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã thuyết phục lãnh đạo Trung ương đi thăm các nhà máy của thành phố đang "vượt rào, xé rào", tạo nên sức thuyết phục rất lớn về sự đổi mới của TP với lãnh đạo Trung ương.
"Hội nghị tháng 7/1983, tranh thủ lãnh đạo Trung ương gồm có đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Phạm Văn Đồng…, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã mời giám đốc, cơ quan, xí nghiệp có cách làm mới, báo cáo với lãnh đạo Trung ương. Lãnh đạo Trung ương nghe lạ lắm, có lãnh đạo còn nói: Nếu đấy là sự thật thì lâu nay chúng tôi nghe không đúng sự thật. Ông Nguyễn Văn Linh có tư duy: “thực tiễn là ông thầy kiểm nghiệm thực tế nhất”, thế là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã mời lãnh đạo Trung ương về khảo sát tại các nhà máy. Sau đó, lãnh đạo Trung ương quay về họp và đã có những quyết định quan trọng mở ra rất nhiều thứ. Đó thực sự là hội nghị lịch sử", PGS-TS Phan Xuân Biên nhớ lại.

TPHCM đang thay đổi từng ngày (ảnh V.Q)
Vai trò "đầu tàu" của lãnh đạo trong đổi mới
Thành công hay thất bại, đổi mới hay sáng tạo, vai trò của lãnh đạo hết sức quan trọng. Nhắc lại công cuộc biến vùng đất hoang hóa Nhà Bè thành khu chế xuất Tân Thuận, một biểu tượng của kinh tế đối ngoại trong giai đoạn đầu đổi mới, một mô hình đi đầu, dẫn dắt sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng khẳng định: Khi người lãnh đạo đặt người dân lên trên hết thì họ dám làm, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, từ đó sinh ra sự sáng tạo trong xã hội.
Theo ông Phan Chánh Dưỡng, TP.HCM đổi mới được, phát huy được tính sáng tạo, tiên phong là nhờ có những người lãnh đạo đi trước, dẫn đường.
"Người lãnh đạo không dám làm, thì cán bộ ở cấp trung gian không ai làm. Bây giờ, người ta nhắc đến những người đi làm, nhưng tôi thì tôi nói rằng, nếu không có những người lãnh đạo dám làm, thì không ai làm theo", ông Phan Chánh Dưỡng nhìn nhận.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng
PGS-TS Hà Minh Hồng- nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng , TPHCM được gọi là đầu tàu, không chỉ bởi thành phố đi trước trong đổi mới, mà còn mở đường cho sự phát triển, từ đó tạo ra đột phá trong nhiều thí điểm của Trung ương.
Sự vận hành của quá trình đổi mới, đó là trách nhiệm lịch sử giao cho tập thể, nhưng người truyền lửa cho đội ngũ, tập thể đó là người đứng đầu. Chúng ta đã có một thời kì trước đổi mới, là bài học cho sự phát triển ngày hôm nay, bài học về phát huy tính sáng tạo, đổi mới của cán bộ.
PGS-TS Hà Minh Hồng cho rằng: "Cần tạo môi trường khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm hiện nay tiếp tục phát huy tinh thần đó. Đồng thời, cần bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục cống hiến một cách có trách nhiệm. Điều này đòi hỏi sự chung tay của tập thể cán bộ, đảng viên, chi bộ và cấp ủy các cấp, những người hiểu được tầm quan trọng của việc này. Đây là bài học quý báu từ thời kỳ Đổi mới mà chúng ta vẫn có thể áp dụng đến ngày nay".

Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Trần Du Lịch
Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch khẳng định: TPHCM không chỉ có những vị lãnh đạo tiên quyết mà chính người dân thành phố cũng sớm hình thành tính cách mạnh mẽ, dám đương đầu với thử thách, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được mục tiêu.
Là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, TPHCM luôn tiếp xúc với những xu hướng mới, ý tưởng tiến bộ. Con người thành phố có tinh thần học hỏi, thích ứng nhanh nhạy với sự thay đổi, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ.
Sự cạnh tranh gay gắt trong môi trường kinh doanh, cuộc sống đã rèn giũa con người TPHCM tính tự lập, khả năng chịu áp lực cao. Họ luôn ý thức được rằng, để thành công, cần phải có năng lực, sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm.

TPHCM được định hướng là thành phố lớn nhất của đất nước.
Chính bởi mảnh đất này vốn như vậy, nên đã khiến những người đến nơi đây, cũng trở nên năng động, sáng tạo.
"Dù người nhập cư từ đâu đến, nhưng sống mảnh đất này đều có tính chất năng động, sáng tạo để vươn mình, để phát triển. Đấy là nhân tố giúp TPHCM có những đóng góp cho quá trình đổi mới của nước ta về mặt thể chế và quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam", Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.
Đất nước trải qua 50 năm kể từ ngày thống nhất, nhìn lại lịch sử của TPHCM để thấy được rằng, TPHCM không chỉ có "địa lợi", có “thiên thời” mà ở đó còn có "nhân hòa".
Sự kết hợp đó đã giúp cho người Sài Gòn-Gia Định-TPHCM dù gặp gian nan, vất vả, nghèo khó nhưng vẫn không bị khuất phục mà đột phá vươn lên từ nhiều ý tưởng sáng tạo mới mẻ, xây dựng nên những mô hình hay, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đất nước đang bước sang giai đoạn đổi mới tiếp theo, TPHCM với vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình tiếp tục được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt cho sự phát triển. Để phát huy được, cần phải khơi gợi, đánh thức tiềm năng sẵn có trong mỗi người dân của Thành phố cho hành trình chuyển mình tiếp theo. Đây cũng là nội dung trong bài cuối của loạt bài “Khơi dậy bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn-TPHCM”.