'Dân thụ hưởng' ở xứ Thanh (bài 2): Bàn làm, không bàn lùi
Ban hành được các quyết sách giải quyết vấn đề an sinh xã hội đã khó, việc triển khai, thực hiện như thế nào để đảm bảo giá trị bền vững, lan tỏa thông điệp 'vì cộng đồng', 'để không ai bị bỏ lại phía sau' là điều không hề dễ. Với tinh thần 'bàn làm, không bàn lùi', quyết tâm trong ý chí, vừa quyết liệt vừa linh hoạt, sáng tạo trong hành động, đoàn kết - thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở, nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện hiệu quả các quyết sách an cư cho người dân.
Đồng thuận xã hội - “Chìa khóa” để những quyết sách đi vào cuộc sống
Một trong những điều quan trọng nhất để các quyết sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, đó chính là phải hiệu triệu được sức mạnh tổng hợp, tạo được sự đồng thuận xã hội. Đối với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đối tượng thụ hưởng trực tiếp là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương thì đồng thuận xã hội càng có ý nghĩa, giá trị lớn lao cả về vật chất và tinh thần.
Sự đồng thuận ấy, trước nhất thể hiện ở việc các ban chỉ đạo thực hiện các đề án, cuộc vận động được thành lập từ rất sớm, không chỉ ở cấp tỉnh mà cả cấp huyện, cấp xã. Thành viên ban chỉ đạo tập trung “đầu não” của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, được giao nhiệm vụ cụ thể, quyền hạn đi liền với trách nhiệm. Chính điều này đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, kịp thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.
Đồng thuận xã hội chính là “sức hút”, mức độ lan tỏa của các quyết sách tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Khi nguồn lực ngân sách dành cho các hoạt động an sinh xã hội còn hạn chế với mức độ bao phủ và hỗ trợ thấp, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân thì tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”,... và nhận thức về trách nhiệm xã hội cần nêu cao hơn bao giờ hết. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” - lời căn dặn của Bác mộc mạc, dễ nhớ dễ hiểu và luôn vẹn nguyên giá trị thời đại.
Lang Chánh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện thường xuyên quan tâm, chú trọng đến công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Sau khi rà soát các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng từ Chỉ thị số 22-CT/TU, tổng số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024-2025 trên địa bàn huyện Lang Chánh là 2.125 hộ, đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau Bá Thước).
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tác động của Chỉ thị số 22-CT/TU đối với cuộc sống người dân, huyện Lang Chánh đã nhanh chóng “nhập cuộc”, là một trong những huyện triển khai sáng tạo, linh hoạt và đồng bộ các giải pháp, thực hiện cuộc vận động sớm nhất trong toàn tỉnh. “Ban đầu, triển khai Chỉ thị số 22, huyện cũng thấy băn khoăn, khó khăn huy động nguồn lực kinh phí” - ông Lê Văn Luyến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lang Chánh bộc bạch.
Xác định bàn làm, không bàn lùi, nguồn lực huy động từ đồng bào các dân tộc có hạn do đời sống còn nhiều khó khăn, huyện Lang Chánh tập trung tuyên truyền, kêu gọi, nêu cao nhận thức về trách nhiệm xã hội từ phía cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp từ địa phương khác đến làm việc, hoạt động trên địa bàn huyện.
Đến nay, huyện Lang Chánh huy động được khoảng gần 2,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban MTTQ huyện và các doanh nghiệp đăng ký xây dựng theo địa chỉ. Tổng số tiền tiếp nhận quyên góp, ủng hộ của huyện Lang Chánh đã vượt gần 1 tỷ đồng so với chỉ tiêu tỉnh giao. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ: “Kết quả ấy thể hiện sự đồng thuận xã hội, nỗ lực, quyết tâm cao độ của huyện Lang Chánh trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo hướng đổi mới cơ chế, huy động, phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp Nhân dân, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhưng hơn hết, đó là thành quả sau hành trình dài thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư; xóa đói giảmnghèo, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của bộ phận người dân; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên...”.
Nếu khu phố Oi là nơi khó khăn nhất trên địa bàn thị trấn Lang Chánh thì gia đình ông Lê Văn Lành (50 tuổi) thuộc diện nghèo nhất khu phố. Vừa qua, biến cố ập đến khi ngôi nhà xiêu vẹo, tuềnh toàng, “gió thổi từ đầu nhà đến cuối nhà không vướng” của gia đình ông bị lửa thiêu rụi. Đó là chốn nương thân duy nhất của ông với bà mẹ gần 80 tuổi quanh năm đau ốm. Trước hoàn cảnh thương tâm ấy, ngoài việc được chính quyền, đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, giúp đỡ dựng một căn lều ngay cạnh vị trí ngôi nhà cũ, gia đình ông Lành được phê duyệt hỗ trợ làm nhà mới theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chị Phạm Thị Vân (43 tuổi), Bí thư Chi bộ kiêm trưởng khu phố Oi cho biết: “Bản thân ông Lành không được bình thường, nhanh nhẹn như nhiều người, người mẹ ở cùng thì cao tuổi, ốm yếu nên tất cả mọi công việc xây dựng ngôi nhà mới đều do chi bộ, khu phố, bà con xung quanh lo giúp”. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khu phố đã thành lập ban quản lý chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tiền được hỗ trợ, có người nhà chứng kiến, đại diện các đoàn thể và chính quyền địa phương giám sát. Các thành viên của ban quản lý cũng là người tư vấn, hướng dẫn gia đình chọn phương án thiết kế nhà, giám sát trong suốt quá trình triển khai thi công, cải tạo, dọn dẹp cảnh quan xung quanh nhà... Bởi vậy mà chủ nhà rất yên tâm “giao phó”, thời điểm đang thi công xây dựng, các thành viên ban quản lý thường xuyên “tụ họp” ở nhà ông Lành lo toan, sắp xếp từ việc lớn đến việc bé trong khi chủ nhà - ông Lành thì “thảnh thơi” lang thang đâu đó; cán bộ cần việc gì cũng chỉ còn cách chạy khắp làng trên xóm dưới để tìm về. Chị Vân vui đùa: “Chúng tôi cảm tưởng như mình đang làm nhà cho chính mình. Bà con xung quanh ai cũng vui mừng, phấn khởi cho nhà anh Lành nên sẵn sàng giúp đỡ chẳng nề hà, tính toán việc gì”.
Giải bài toán “lạc nghiệp” sau khi “an cư”, hướng đến giá trị bền vững
Những ngày siêu bão Yagi đổ bộ, tỉnh Thanh Hóa có nhiều nơi bị ảnh hưởng, cảnh báo mưa lũ, sạt lở liên tục phát trên các bản tin, gọi điện cho Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Hà Văn Tựng để hỏi han tình hình bà con khu tái định cư Co Hương (bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn), nghe được câu trả lời: “Cuộc sống của bà con đã ổn định rất nhiều, không còn phải sống trong nơm nớp lo sợ sạt lở nữa” mà cảm thấy ấm lòng. Cùng với việc bắt tay vào tổ chức lại đời sống mới, gìn giữ những bản sắc tốt đẹp của dân tộc, đồng thời xóa bỏ những tập tục lạc hậu để xây dựng đời sống mới, khu tái định cư Co Hương được quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào cải tạo vườn hộ, trồng cây ăn quả, phát triển mô hình kinh tế... Địa phương cũng đã thực hiện lồng ghép các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh khu vực vùng cao biên giới.
Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho đồng bào sinh sống trên sông sớm ổn định cuộc sống sau khi lên bờ là “tầm nhìn xa, trông rộng” của tỉnh Thanh Hóa trong hoạt động an sinh xã hội. Ông Nguyễn Xuân Lai - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Có an cư mới có thể lạc nghiệp nhưng nếu không thể lạc nghiệp thì người dân rất dễ bị đẩy về “vạch xuất phát”. Bởi thế, song song với việc tổ chức, thực hiện tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông, huyện Thiệu Hóa đã rà soát, thống kê, phân loại các đối tượng lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề; phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng lao động, tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm và học nghề; giới thiệu lao động trong độ tuổi đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; kết nối cho số lao động cao tuổi nhận việc của các cơ sở sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp về làm tại nhà...
Đảm bảo cho đồng bào sinh sống trên sông sau khi an cư được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước - điều mà trước đây nhiều người trong số họ chưa bao giờ được hưởng, các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông được an cư đã tập trung rà soát, ra quyết định và cấp sổ cho 138 hộ nghèo và 5 sổ hộ cận nghèo. Các hộ nghèo và cận nghèo đều đã được thụ hưởng chính sách BHYT và được tạo điều kiện hưởng các phúc lợi sau khi lên bờ, ổn định đời sống. Các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với các trường rà soát các hộ đồng bào sinh sống trên sông, theo đó có 308 học sinh trong độ tuổi đến trường được thực hiện đầy đủ chính sách miễn giảm học phí, các khoản đóng góp khác theo quy định; mua thẻ BHYT cho học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác có liên quan để các em được thụ hưởng đầy đủ các điều kiện phúc lợi xã hội. Ban giám hiệu các nhà trường đều xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng đối với học sinh học lực yếu ít nhất 2 tiết/tuần để giúp các em vươn lên trong học tập; đồng thời hỗ trợ một phần chi phí học tập, hoạt động giáo dục tiếp sức cho các em có động lực tới trường...
Cuộc sống mới đã và đang dần hiện hữu trên những khu tái định cư, trong những ngôi nhà “Chỉ thị 22”. Năm học mới 2024-2025, 63 học sinh là con em của 28 hộ đồng bào sinh sống trên sông ở Thiệu Vũ được cùng các bạn cắp sách đến trường. Rồi đây, nhiều em trong số đó sẽ tìm được tương lai cho mình qua con chữ. Tiếng cười lanh lảnh, hồn nhiên của các em trong lớp học, giữa tình yêu thương, sẻ chia của thầy cô, bạn bè khiến mỗi người trong chúng ta càng thêm thấm thía giá trị, ý nghĩa nhân văn, tác động to lớn của những quyết sách vì dân mà có, vì dân mà quyết tâm thực hiện...