Băn khoăn quy định không lái xe liên tục quá 4 giờ

Các doanh nghiệp vận tải đều ủng hộ quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ nhưng cũng còn một số băn khoăn về cách tính thời gian bắt đầu làm việc của tài xế.

Nâng cao an toàn giao thông

Theo quy định mới tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong 1 tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong 1 ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần. Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần. Ảnh minh họa.

Điểm b Khoản 5 Điều 21 Nghị định 168/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định xử phạt hành chính đối với tài xế lái xe ô tô liên tục quá 4 giờ sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung: Trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, theo khoản 9, khoản 21 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, trường hợp chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá 4 giờ cũng sẽ bị xử phạt: Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe; Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe; Hình phạt bổ sung: cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

Những thay đổi trong quy định thời gian lái xe được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm nâng cao an toàn giao thông đường bộ. Việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định này sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe người lái xe và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vận tải.

Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, quy định tài xế không lái xe liên tục quá 4 giờ là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý vì các lái xe thông thường chỉ lái 2 - 3 giờ, sau đó dừng nghỉ lấy sức khỏe ổn định để lái tiếp.

Ông Tạo cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần tăng cường trách nhiệm giám sát thời gian lái xe để đảm bảo an toàn, nếu để xảy ra tai nạn, doanh nghiệp sẽ bị thất thu, lợi nhuận giảm và bị truy cứu trách nhiệm để xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, giám sát giao thông do Bộ Công an quản lý qua hệ thống công nghệ và hoàn toàn có thể trích xuất dữ liệu để xử lý các sai phạm với những tài xế lái quá thời gian quy định.

Tài xế Phạm Văn Học chuyên chạy xe khách cố định tuyến Hà Nội - Lào Cai, chia sẻ với báo chí, hành trình giữa 2 điểm rơi vào khoảng 5 - 5 giờ 30 phút/lượt. Trên cung chặng này, doanh nghiệp vẫn chọn điểm dừng nghỉ ngơi cho cả tài xế và hành khách 30 phút để đỡ mệt mỏi với quãng đường dài tới 300km.

“Thời gian nghỉ ngơi 15 phút giúp tài xế đỡ mệt mỏi, tỉnh táo làm việc, đồng thời ăn uống nhẹ nhàng nhằm nạp thêm năng lượng để có sức lái tiếp. Ngoài ra, hệ thống máy móc, động cơ, phanh xe, lốp, đèn xe,... cần ở trạng thái tốt và hoạt động ổn định sau một quãng đường dài” - anh Học chia sẻ.

Vẫn còn băn khoăn

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng quy định lái xe liên tục quá 4 tiếng chỉ áp dụng cung đường dài, không xảy ra ùn tắc. Trong khi hạ tầng giao thông liên tục chịu tác động của ùn tắc, có thời điểm cung đường ngắn nhưng qua nội đô, ùn tắc 2 - 3 tiếng mà chiếu theo quy định này thì tài xế sẽ vi phạm.

Trong khi đó theo phân tích của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), hiện nay các hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên đường kéo dài cả về chiều dài đoạn đường bị ùn tắc và thời gian ùn tắc, đặc biệt là 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, các trục quốc lộ chính có lưu lượng xe cao đi qua đô thị.

Ngoài ra, trên một số đường bộ cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, đặc biệt là trục cao tốc Bắc - Nam, xe phải chạy liên tục đến khi ra khỏi đường cao tốc mới có thể tìm được điểm dừng nghỉ (hầu hết các đoạn đường dẫn ra, vào đường cao tốc cũng không có trạm dừng nghỉ).

Với những khó khăn khách quan này, người điều hành vận tải và người lái xe không hoàn toàn làm chủ được thời gian lái xe trên đường; thời gian lái xe trên đường bị kéo dài, vượt quá thời gian quy định. Đây là nguyên nhân chính làm cho lái xe vi phạm 1 hoặc 2 hoặc cả 3 hành vi (quá 10 giờ trong một ngày, quá 48 giờ trong một tuần và lái xe liên tục quá 4 giờ), mặc dù những hành vi này không cố ý, biết trước nhưng không thể tránh, hậu quả là lái xe và cả doanh nghiệp đều bị xử phạt nặng.

Do vậy VATA kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giãn, nâng thời gian lái xe quy định.

Cụ thể: Nâng mức thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 giờ đến 60 giờ, quy định thời gian lái xe liên tục và trong ngày vượt quá 10% của thời gian lái xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ban-khoan-quy-dinh-khong-lai-xe-lien-tuc-qua-4-gio-10298678.html
Zalo