Băn khoăn đề xuất xe ôm phải có thẻ ngành nghề
Đề xuất của TP Hà Nội về việc người chạy xe ôm phải làm thẻ hành nghề khiến nhiều người băn khoăn liệu quy định này có cần thiết, hay lại gây khó khăn cho cá nhân và doanh nghiệp?
Tài xế xe ôm phải đăng ký và được cấp thẻ
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.
Theo dự thảo, đối với người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.
Dự thảo quy định người hành nghề xe ôm hay chở hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Căn cước công dân còn hiệu lực; Thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.
Đối với UBND xã, phường, ngoài việc đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện thì cơ quan này còn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.
UBND TP Hà Nội khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.
Quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký.
Trước đó vào cuối 2019, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cũng đã đề xuất người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.
Những người này phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển)... Nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người vận chuyển phải gửi lại thẻ cho đơn vị quản lý và nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, những quy định trên (dự kiến áp dụng từ 1/1/2021) sẽ giúp tạo nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho người Thủ đô, nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải bằng xe thô sơ, mô tô theo hướng an toàn, giảm tai nạn, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, sau đó quy định đã không được thực hiện.
Lo ngại tạo phiền hà
Là người hành nghề xe ôm hơn 10 năm ở địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tuấn thắc mắc: "Tôi thường trú ở Từ Sơn, Bắc Ninh nhưng hay hành nghề xe ôm ở huyện Gia Lâm. Nếu áp dụng quy định như dự thảo thì chúng tôi thì phải đăng ký ở đâu?".
Anh Nguyễn Văn Lộc (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng, việc cấp thẻ này là không cần thiết, bởi đối với tài xế xe công nghệ thì thông tin của lái xe đã được hiển thị trên ứng dụng.
"Bây giờ lại yêu cầu thêm một chiếc thẻ đeo ở người, không những vậy còn phải đến nơi cư trú xin xác minh, thêm thủ tục liệu có cần thiết?", anh Lộc băn khoăn.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, các giấy tờ lái xe máy cầm theo là bằng lái, giấy đăng ký xe, bảo hiểm.
"Nghề lái xe ôm hay chở hàng cũng giống như người tham gia giao thông thông thường. Như vậy, việc yêu cầu cấp thêm thẻ hành nghề xe ôm không nằm trong quy định của pháp luật.
Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, người hành nghề xe ôm không cần phải làm thêm thẻ và đăng ký như quy định trong dự thảo", ông Bình phân tích, đồng thời bày tỏ lo ngại, nếu thủ tục cấp thẻ gây mất thời gian, phiền hà còn dễ phát sinh tiêu cực.