Băn khoăn cơ sở pháp lý mẫu kiểm nghiệm vụ 38 học sinh trường Tuệ Đức nghi ngộ độc

'Với mẫu thức ăn hệ thống trường Tuệ Đức tự lấy để đưa đi kiểm nghiệm, chúng tôi rất băn khoăn về cơ sở pháp lý', Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP)TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nói và đề nghị các đơn vị khác không làm như thế mà phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.

Những ngày qua, vụ 38 học sinh ở hai cơ sở thuộc hệ thống trường Pathway Tuệ Đức, gồm trường TH - THCS Tuệ Đức (1/5 Bis, đường Lương Định Của, phường An Khánh, TP Thủ Đức và trường TH - THCS Tâm Tuệ Đức (644 đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm đang thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, nhất là các gia đình có con đang theo học tại trường.

Sau vụ việc trên, nhiều phụ huynh tỏ ra khá hoang mạng, lo sợ khi các con sử dụng suất ăn tại trường, đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà trường, đơn vị cung cấp suất ăn khi để xảy ra sự việc này.

Trước khi có các triệu chứng đau đầu, ói, tiêu chảy... các em học sinh tại 2 trường trên đã ăn món miến xào và sữa chua, do Công ty Cổ phần quốc tế Haxeca Mekong cung cấp.

Đây là công ty mà trường Tuệ Đức đã ký kết hợp đồng. Công ty này do ông Nguyễn Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc có địa chỉ tại 6-8 Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM.

Biên lai kiểm nghiệm hóa lý vi sinh mà trường Tuệ Đức tự lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM.

Biên lai kiểm nghiệm hóa lý vi sinh mà trường Tuệ Đức tự lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM.

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất lại nằm ở khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7.

Báo cáo ngày 26/3/2025 của trường Tuệ Đức nêu rõ: Qua nắm thông tin có tổng cộng 38 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, có 2 học sinh nghỉ ở nhà và 2 học sinh ở trường có biểu hiện nghi ngờ, 34 trường hợp còn lại có biểu hiện đau đầu, ói, tiêu chảy sau khi ăn tại trường.

Món ăn nghi ngờ ngộ độc là buổi trưa/xế ngày 25/3/2025 và sáng 26/3/2025.

Sau khi sự việc xảy ra, trường Tuệ Đức đã lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ ngộ độc gửi Viện Pasteur TP.HCM để tìm nguyên nhân, đồng thời tự tiến hành kiểm tra các hồ sơ pháp lý liên quan, các quy trình sơ chế, chế biến, phân chia thực phẩm tại trường đối với đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong.

Qua việc tự kiểm tra, trường Tuệ Đức khẳng định Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong thực hiện vệ sinh đảm bảo, nhân viên thực hiện sơ chế, phân chia thực phẩm có bảo hộ lao động, thực hiện ghi chép sổ 3 bước và lưu mẫu đúng theo quy định.

Theo thông tin nhà trường cung cấp ngày 4/4/2025, trường đã gửi toàn bộ kết quả xét nghiệm lên Đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và đang chờ kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng.

Trước đó, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 27/3, bà Nguyễn Thị Lam Phương - Trưởng Phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông Sở ATTP TP.HCM cho biết, trường Tuệ Đức đang tự xử lý, chưa có báo cáo nên phía Sở ATTP chưa có thông tin để xác định học sinh bị ngộ độc thực phẩm hay không.

Gần 40 học sinh hệ thống trường Pathway Tuệ Đức nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại trường, các học sinh này trải đều từ khối lớp 1 đến khối lớp 5.

Gần 40 học sinh hệ thống trường Pathway Tuệ Đức nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại trường, các học sinh này trải đều từ khối lớp 1 đến khối lớp 5.

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, vì không nắm sự việc ngay khi xảy ra nên khi cơ quan chức năng đến trường điều tra đã không còn mẫu lưu thực phẩm học sinh đã ăn.

Sau đó, các Đội quản lý ATTP số 6 và số 7 của Sở ATTP TP.HCM đã đến trụ sở và cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong để tiến hành các bước kiểm tra, giám sát theo quy định.

“Với mẫu thức ăn hệ thống trường Tuệ Đức tự lấy để đưa đi kiểm nghiệm, chúng tôi rất băn khoăn về cơ sở pháp lý”, bà Lan nói và đề nghị các đơn vị khác không làm như thế mà phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.

Cũng theo bà Lan, Sở đang tiếp tục các bước điều tra, truy tìm nguyên nhân trong vụ việc này.

Các cơ quan chức năng cũng đang tăng cường kiểm tra liên ngành các cơ sở, hộ kinh doanh, cá nhân cung cấp thực phẩm có liên quan đến các ca nghi ngờ ngộ độc nêu trên.

Ngoài ra, thực hiện khẩn cấp cảnh báo cộng đồng về các trường hợp ngộ độc, nguy cơ ngộ độc cấp tính từ hàng hóa là thực phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác, hàng rong, không đảm bảo ATTP.

Riêng hệ thống trường Tuệ Đức được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trong điều tra theo quy trình, khi có trường hợp nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Trước đó, Cục ATTP - Bộ Y tế đã đề nghị Sở ATTP TP.HCM khẩn trương điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo Quy định về lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 5327/2003/QĐ-BYT ngày 13/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì cơ quan y tế lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm là cơ quan y tế dự phòng, bệnh viện hoặc các viện chức năng thuộc Bộ Y tế.

“Điều 14 của Quy định này cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Thị Út Pha nói.

Điều 5: Trách nhiệm của chủ cơ sở xảy ra ngộ độc thực phẩm theo Quyết định về việc ban hành “quy định về lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm” của Bộ Y tế ngày 13/10/2003 nêu rõ:

Chủ cơ sở xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm phải có trách nhiệm:

1. Khai báo trung thực ngay tình hình ngộ độc thực phẩm với cơ quan y tế và Ủy ban nhân dân địa phương gần nhất. Cung cấp thông tin cần thiết và tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, không được che giấu thông tin.

2. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế và các cơ quan có liên quan khác trong việc thực hiện các biện pháp cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm và lấy mẫu đối với các vụ ngộ độc.

3. Niêm phong và bảo quản toàn bộ thức ăn còn lại sau bữa ăn, thức ăn lưu, thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và các tài liệu liên quan.

4. Phối hợp với cơ quan y tế trong quá trình lấy mẫu, điều tra để xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và ngăn chặn hậu quả lan rộng của ngộ độc thực phẩm theo chỉ đạo của cơ quan y tế.

5. Chịu mọi chi phí cho việc điều tra tìm nguyên nhân gây ngộ độc, thu hồi thực phẩm gây ngộ độc, khám và điều trị cho người bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp xác định được thực phẩm gây ngộ độc là của cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh khác thì cơ sở đó phải chịu toàn bộ chi phí nêu trên.

Hoàng Da

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ban-khoan-co-so-phap-ly-mau-kiem-nghiem-vu-38-hoc-sinh-truong-tue-duc-nghi-ngo-doc-474312.html
Zalo