Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh

Mùa hè rực lửa tháng tư năm 1965 đã vạch vào trời xanh Hàm Rồng một ánh sao băng về sự đau thương và lòng dũng cảm, về máu và hoa, về cái có thể nằm trong cái không thể. Và từ đó, 'miền đất lửa' Hàm Rồng trở thành bản anh hùng ca bất tử trong thiên sử hào hùng chống giặc ngoại xâm thời đại Hồ Chí Minh của quân, dân Thanh Hóa và dân tộc Việt Nam.

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng.

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng.

Bị thất bại ở chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc. Giới quân sự Mỹ xác định, từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”. Phá sập cầu Hàm Rồng, Mỹ sẽ cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế Thanh Hóa, gây hoang mang về chính trị, gây đình đốn nhiều ngành sản xuất, làm suy yếu vai trò của hậu phương lớn nhất miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Bởi thế, không quân Mỹ coi cầu Hàm Rồng là mục tiêu “ưu tiên” và “ưu ái” cho Hàm Rồng bằng một kế hoạch đánh phá kỹ lưỡng với mọi thủ đoạn tàn bạo nhất có thể.

Mục tiêu chính của cuộc không kích cầu Hàm Rồng lần này được Mỹ giao cho Tập đoàn Không quân chiến thuật số 2 - “anh cả đỏ” trong lực lượng không quân chiến thuật Mỹ và được trang bị máy bay F105 - loại máy bay tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Loại máy bay này được mệnh danh là “thần sấm”, bởi dựa vào tiếng gầm rít của nó trên bầu trời để uy hiếp đối phương. Theo giới quân sự Mỹ, “khi một lực lượng máy bay thần sấm gầm rú trên đầu, đối phương không còn đủ bình tĩnh để ngắm bắn. Lúc ấy, những chiếc F105 cứ việc bổ nhào từng chiếc một mà ném bom”. Thế nhưng, bọn giặc lái không ngờ được rằng, chính chiến thuật bổ nhào từng chiếc một ấy đã tạo điều kiện cho lực lượng phòng không ở Hàm Rồng nã đạn vào từng chiếc một.

Nắm bắt được âm mưu, thủ đoạn của giặc Mỹ, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, quân và dân Thanh Hóa cùng với bộ đội đã bước vào cuộc chiến với tâm thế chủ động, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Lãnh đạo Quân khu 3 và Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định: “Trọng điểm đánh phá vào quân khu lúc này là Thanh Hóa, trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng, bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần bảo đảm giao thông thông suốt”. Từ nhận định đúng đắn đó, những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/1965, không khí chuẩn bị chiến đấu ở Hàm Rồng đã diễn ra vô cùng sục sôi. Các lực lượng tham gia chiến đấu tại khu vực Hàm Rồng được tổ chức thành 5 cụm hỏa lực. Mỗi cụm hỏa lực đều có khả năng chiến đấu độc lập trên từng hướng và có thể phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác. Hàm Rồng bước vào thử thách mà chưa thể hình dung ra được sự ác liệt và tầm vóc chiến tranh tới mức nào, nhưng trong tim khắc sâu lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Đúng như dự đoán, 8 giờ 45 phút ngày 3/4/1965, địch đánh phá cầu Đò Lèn ở phía Bắc và cho máy bay tấn công các mục tiêu ở phía Nam nhằm cô lập cầu Hàm Rồng để tấn công dứt điểm. Đến 13 giờ ngày 3/4/1965, đế quốc Mỹ huy động số lượng lớn máy bay phản lực và bom đạn thay nhau bổ nhào cắt bom vào mục tiêu nhỏ hẹp là cầu Hàm Rồng. Chỉ trong phút chốc, Hàm Rồng trở thành “chảo lửa” chiến tranh. Mỗi ngọn núi, dòng sông, công trường, nhà máy đều trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch.

Thực hiện mệnh lệnh “đánh chắc, đánh trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, bảo vệ mục tiêu, tiết kiệm đạn dược”, các lực lượng phòng không luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lệnh bắn phát ra từ sở chỉ huy, khi chiếc máy bay F105 bắt đầu bổ nhào. Tiếng hô “bắn” truyền lan khắp các trận địa từ bờ Bắc sang bờ Nam, mặc cho trên đầu rất nhiều máy bay gầm rú hòng gây sức ép hù dọa các pháo thủ. Chưa bao giờ có cuộc chạm trán khốc liệt với máy bay Mỹ nhiều đến thế. Các Đại đội 1 pháo 57 ly ở trận địa Đông Tác, Đại đội 4 trên đồi Không Tên, Đại đội 5 ở Đình Hương... chỉ chờ cho địch vào đúng cự ly là bắn. Tại Đại đội 17, pháo cao xạ 37 ly ở trận địa Yên Vực, bom bỏ làm bùn đất vùi lấp trận địa nhưng các pháo thủ vẫn không chịu rời vị trí. Khẩu đội trưởng Mai Đình Gần nhiều lần bị ngất đi, nhưng tỉnh lại vẫn tiếp tục chiến đấu.

Với lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã đoàn kết một lòng, phối hợp cùng với lực lượng phòng không không quân, hải quân Nhân dân hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, đánh trả lưới lửa nhiều tầng của kẻ thù. Trước sức mạnh của không lực Hoa Kỳ chưa mấy ai hình dung nổi, quân dân ta đã đánh thắng ngay trận đầu và thắng một cách oanh liệt. Ngay trong ngày đầu tiên chiến đấu, quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã bắn rơi 17 máy bay phản lực của Mỹ, trong đó có cả “thần sấm” F105 lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời miền Bắc. Cả nước hướng về Hàm Rồng mừng vui, động viên Hàm Rồng chiến thắng.

Nhận định địch chưa đánh gẫy cầu Hàm Rồng, chắc chắn ngày mai chúng sẽ đánh ác liệt hơn. Ngay trong đêm đó, đông đảo tự vệ, dân quân các địa phương đã được điều đến các trận địa để tu bổ hầm hào, Bộ Tổng tư lệnh điều động tiếp 3 Đại đội pháo 57 của đoàn Tam Đảo hành quân cấp tốc từ phía Tây Nghệ An về Hàm Rồng để chuẩn bị cho một ngày chiến đấu dự báo là ác liệt hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra.

Không cam tâm chịu thất bại, 7 giờ 30 phút sáng 4/4/1965, Mỹ huy động hàng trăm chiếc máy bay hiện đại điên cuồng trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và những vùng phụ cận. Quân và dân Hàm Rồng chưa bao giờ tưởng tượng nổi địch lại dùng nhiều máy bay đến thế. Với quyết tâm “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”, lưới lửa phòng không của ta đã giáng trả bọn giặc trời những đòn thích đáng ở mọi tầng, mọi hướng, làm rối loạn địa hình địch từ xa khiến chúng không thể công kích mục tiêu như dự định. Những tên ngoan cố lọt đến gần cầu lập tức bị các trận địa cao xạ ở núi Ngọc, núi Rồng nổ súng chính xác, làm cho lũ giặc trời phải hoảng hốt ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Đến 17 giờ, trận chiến đấu vô cùng ác liệt kết thúc, quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ. Không ai tin được nhưng đó là sự thật.

Chỉ trong hai ngày 3 và 4/4/1965, Mỹ đã sử dụng 454 lần chiếc máy bay ồ ạt ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống địa bàn Thanh Hóa. Riêng Hàm Rồng, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc két..., nhưng cầu vẫn đứng vững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã, trong khi đó 47 máy bay Mỹ phải bỏ xác. “Đây thực sự là hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ” như báo chí phương Tây đã phải thừa nhận. Còn với quân và dân ta, đó là 2 ngày xác lập kỷ lục cho trận chiến chưa có trong tiền lệ - một kỷ lục bắn rơi nhiều máy bay nhất trong một trận đánh mà sau này không ở đâu đạt đến được.

“Quyết tử cho cầu Hàm Rồng đứng vững” là khẩu hiệu được viết bằng máu của nhiều lớp người đã chiến đấu và đã nằm lại bên chân cầu này. Trong chiến thắng giòn giã, vang dội ấy đã xuất hiện những hình ảnh tuyệt đẹp của thế trận chiến tranh Nhân dân khi cửa thiền thành bệnh xá dã chiến, nhà tu hành thành chiến sĩ, cả nhà ra trận, cả làng đánh giặc... Nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng như Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển, Ngô Thị Dung, Ngô Thọ Sáu và hàng trăm, hàng nghìn tên tuổi khác đã mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của con người Hàm Rồng, Nam Ngạn, của đất và người xứ Thanh. Để hôm nay, sau 60 năm “cuộc đụng đầu lịch sử” diễn ra, tinh thần “Quyết thắng” vẫn tạc sâu vào đá núi, như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Thu Vui

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ban-hung-ca-thoi-dai-ho-chi-minh-244314.htm
Zalo