Ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ Chỉ số nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 383/QĐ-BTNMT.
Bộ Chỉ số nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
3 nhóm chỉ số chính
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương (sau đây gọi tắt là Bộ chỉ số) phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hệ thống chỉ tiêu thống kê các cấp; ưu tiên đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường hiện hành; Bảo đảm tính khoa học, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đánh giá thực chất, khách quan kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương; Bảo đảm sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong quá trình đánh giá; Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất về kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Bộ chỉ số được cấu trúc thành 3 nhóm gồm:
Nhóm 1, đánh giá mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, gồm: Nguồn lực cho bảo vệ môi trường; Năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; và Mức độ hoàn thành chế độ báo cáo của các địa phương.
Nhóm 2, đánh giá công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu gồm: Bảo vệ chất lượng môi trường sống; Bảo vệ sức sống hệ sinh thái; Hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường
Nhóm 3: Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống: Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống
Trong đó, các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường bao gồm: Nguồn lực cho bảo vệ môi trường và mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu gồm: Bảo vệ chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức sống hệ sinh thái và bảo vệ, phát triển rừng. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống gồm: Chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường đất, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đánh giá kết quả bằng hình thức tính điểm
Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số. Điểm đánh giá của các chỉ số thành phần được sử dụng để tính Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của địa phương, viết tắt là PEPI (Provincial Environmental Protection Index). Điểm chỉ số PEPI được sử dụng để đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
Quy trình đánh giá sẽ được thực hiện theo nhiều giai đoạn, bao gồm tự đánh giá của địa phương, thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và khảo sát xã hội học để thu thập ý kiến người dân. Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ đảm nhiệm vai trò thẩm tra, đánh giá kết quả trước khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố bảng xếp hạng.
Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện theo định kỳ hàng năm.
Vụ Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng, đồng thời hướng dẫn, tổ chức triển khai tập huấn, theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Bộ chỉ số. Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường xây dựng phần mềm khai báo, cập nhật, xử lý số liệu, tài liệu và cơ sở dữ liệu trên hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, bảo mật để phục vụ công tác đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
Quy trình đánh giá
Tự đánh giá của các địa phương
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II của Bộ chỉ số; Sở Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của địa phương để tổ chức thực hiện.
Cơ quan thường trực của địa phương có trách nhiệm tổng hợp, bảo đảm tính chính xác của số liệu, tính pháp lý, phù hợp của tài liệu kiểm chứng; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả tự đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả đánh giá.
- Kỳ hạn số liệu phục vụ đánh giá là 01 năm, tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đánh giá, trừ trường hợp chỉ số được quy định kỳ hạn số liệu riêng theo tình hình thực tế tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ kết quả tự đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II của địa phương mình về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 3 năm sau để tổng hợp, xác minh, thẩm định.
Đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát, đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các địa phương.
Đánh giá thông qua điều tra xã hội học
Việc xác định chỉ số nhóm III về đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống được thực hiện thông qua điều tra xã hội học.
Thẩm định kết quả đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương
- Việc thẩm định kết quả đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
Thành phần Hội đồng thẩm định liên ngành gồm: Chủ tịch Hội đồng (đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường); 01 Phó Chủ tịch Hội đồng; mời đại diện các Bộ, cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học liên quan làm thành viên Hội đồng.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng; các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
- Hội đồng thẩm định liên ngành có trách nhiệm tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá kết quả tổng hợp điều tra xã hội học. Hội đồng thẩm định liên ngành chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện.
Tính điểm Chỉ số PEPI và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành và phương pháp tính điểm Bộ chỉ số quy định tại Mục III của Quyết định này, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành tiến hành tổng hợp, tính điểm của các chỉ số thành phần, điểm Chỉ số PEPI đối với từng địa phương và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương theo nguyên tắc sắp xếp từ cao đến thấp theo điểm Chỉ số PEPI; điểm Chỉ số PEPI bằng nhau thì xếp cùng thứ hạng.
Phê duyệt, công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương
- Căn cứ điểm Chỉ số PEPI của từng địa phương, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương vào dịp Ngày môi trường thế giới (05 tháng 6) hoặc chậm nhất trước quý IV năm sau.
- Kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương.