Bàn giao dự án nuôi trồng thủy sản, quản trị tài nguyên nước lưu vực sông A Sáp

Ngày 19/12, tại TP. Huế, Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ, bàn giao kết quả dự án (DA): 'Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định phát triển thủy sản - mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế'.

Hội thảo chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của DA vào ngày 19/12

Hội thảo chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của DA vào ngày 19/12

DA triển khai tại địa bàn huyện A Lưới, đặc biệt các xã nằm bên sông A Sáp, do CSRD chủ trì thực hiện, thông qua nguồn vốn tài trợ của Tổ chức Stiching Oxfam Novib (Hà Lan) 1,314 tỷ đồng. Mục tiêu của DA nhằm thúc đẩy vai trò phụ nữ và cộng đồng trong phát triển mô hình thủy sản bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước theo Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tài nguyên Môi trường nước năm 2023. Dịp này, các đại biểu đã chia sẻ mục đích, ý nghĩa về DA, nhất là việc thúc đẩy và tăng cường vai trò tham gia của phụ nữ và cộng đồng địa phương trong phát triển mô hình sinh kế thủy sản bền vững dựa vào quản lý sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực sông A Sáp…

Theo PGS. TS Trịnh Thị Định, Giám đốc CSRD, với DA này, các bên liên quan đã có thời gian tập trung khảo sát, nghiên cứu thực trạng, nắm bắt nhu cầu của người dân tham gia nuôi cá lồng ở hồ thủy điện để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước ở các lưu vực sông A Sáp. DA còn tổ chức các chuyến tham quan học tập nuôi trồng thủy sản và quản trị nước ở các tỉnh bạn để có kinh nghiệm trong quản lý nuôi trồng thủy sản phù hợp, đảm bảo môi trường… Qua các hoạt động trên, DA tạo ra các mô hình sinh kế và nhiều cơ hội cho người dân các xã bên sông A Sáp phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

 Lãnh đạo CSRD chia sẻ thông tin triển khai DA trong thời gian đến

Lãnh đạo CSRD chia sẻ thông tin triển khai DA trong thời gian đến

Tại hội thảo, lãnh đạo CSRD và huyện A Lưới tiến hành bàn giao 10 mô hình sinh kế cho 10 nhóm ở 5 xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Kim, Sơn Thủy và Quảng Nhâm để tiếp tục triển khai, phát triển trong thời gian đến. Mỗi mô hình có 100 thành viên, trong đó khoảng 2/3 thành viên là nữ, được DA hỗ trợ 30 triệu đồng. Theo đó để tập trung vào hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với quản trị tài nguyên nước. Quy chế hoạt động của mô hình được chia theo nhóm có quy định cụ thể cho từng thành viên với chức vụ, vị trí đảm nhận. Nguồn lợi thu được từ mô hình sẽ được sử dụng vào việc tái đầu tư, nhân rộng mô hình, hỗ trợ các hộ gia đình khác tại địa phương cùng phát triển sinh kế, 10%- 30% lợi nhuận thu được sẽ sử dụng cho hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại địa phương…

Tin, ảnh: Hoài Thương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ban-giao-du-an-nuoi-trong-thuy-san-quan-tri-tai-nguyen-nuoc-luu-vuc-song-a-sap-149154.html
Zalo