Bàn giải pháp 'xanh hóa' trong hoạt động xây dựng công trình

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, khoảng 90% khói bụi ở đô thị là do hoạt động xây dựng. Trong đó, nhiều công trình sử dụng các vật liệu xi măng thông thường có độ phát thải 850kg CO2/tấn bê tông, gây ô nhiễm môi trường không khí…

Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Xanh trong xây dựng”. Ảnh: BGT

Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Xanh trong xây dựng”. Ảnh: BGT

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Xanh trong xây dựng” do Báo Giao thông tổ chức chiều 7-10 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đề cập về các hoạt động đổ bê tông tại nơi công cộng ảnh hưởng đến môi trường, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc - thành viên HĐQT Tổng công ty Xây dựng số 1; Phụ trách khoa học công nghệ phía Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết: Tại nước ngoài, các doanh nghiệp rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không dám lơ là. Nếu vi phạm thì không ai dùng sản phẩm của công ty đó nữa. “Ngành xây dựng đang ở các “nốt trầm” nên tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao ý thức tự giác về bảo vệ môi trường hơn nữa”, ông Quốc nói.

PGS.TS Trần Văn Miền - Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: BGT

PGS.TS Trần Văn Miền - Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: BGT

Theo PGS.TS Trần Văn Miền - ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), ở đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh thì hiện tượng khói bụi thi công là tất yếu. Do đó, rất cần rà soát các chế tài chặt chẽ để buộc nhà thi công thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các chuyên gia trong ngành Xây dựng cũng cảnh báo, đối với các ngành sản xuất, nguy cơ Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh nếu các doanh nghiệp không chú trọng giảm phát thải carbon mạnh mẽ.

Về phía đơn vị thi công, ông Phạm Thanh Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Bê tông đường thủy cho rằng, đa số công trình kiến trúc, giao thông hiện nay đều sử dụng vật liệu ít tác động đến môi trường. Đây có thể nói là xu hướng xanh trong xây dựng đang được chú trọng hiện nay.

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc - Thành viên HĐQT Tổng công ty Xây dựng số 1 nêu các ý kiến đóng góp tại tọa đàm. Ảnh: BGT

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc - Thành viên HĐQT Tổng công ty Xây dựng số 1 nêu các ý kiến đóng góp tại tọa đàm. Ảnh: BGT

Ông Tú dẫn chứng, các dự án như cầu Mỹ Thuận 2 vừa làm xong, cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi 2 đang thi công và hiện là dự án cầu Nhơn Trạch (Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh)... đều được kiểm soát gắt gao nguyên liệu đầu vào và công nghệ để hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong quá trình thi công.

Về điều này, ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Tư vấn kỹ thuật và Phát triển kinh doanh Fico-YTL cho hay, theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về COP26, vào năm 2026, ngành Xi măng sắt thép sẽ được đưa vào danh sách bị áp trần phát thải CO2. Đây là thử thách, áp lực của toàn ngành.

"Do đó, chúng tôi cũng cần có đầu tư, nghiên cứu, làm việc với các đơn vị để có công nghệ mới nhằm giảm phát thải hơn; cố gắng tăng tỷ lệ thay thế nguyên liệu (than đá, dầu hóa thạch lên đến 30%); nghiên cứu công nghệ thu hồi CO2, thu hồi nhiệt thừa để phát điện, nguồn điện có thể sử dụng thắp sáng...", ông Hà chia sẻ.

Để giảm thiểu tác động đến môi trường trong xây dựng công trình hạ tầng, một số đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng nên nghiên cứu thi công cầu cạn vì chi phí bảo trì của cầu cạn thấp hơn đường giao thông truyền thống. Từ đó sẽ giảm sự phụ thuộc vào cát, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ban-giai-phap-xanh-hoa-trong-hoat-dong-xay-dung-cong-trinh-680597.html
Zalo