Bàn giải pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy

Sáng 12/2, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức cuộc họp các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy tại Việt Nam, chia sẻ nhiều thách thức và bài học kinh nghiệm góp phần nâng cao an toàn cho người dân sử dụng loại phương tiện này.

Mô tô, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay mô tô, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam với khoảng 77 triệu xe được đăng tính đến hết năm 2024.

Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy tại Việt Nam.

Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy tại Việt Nam.

"Một số nghiên cứu độc lập đã chỉ ra rằng: Xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân tại Việt Nam. Trong tương lai (tới năm 2030 và những năm tiếp theo), khi thu nhập tiếp tục tăng, khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng", ông Thành nói.

Phân tích nguyên nhân, ông Thành cho biết, trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường sá còn bất cập, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông (GTCC) ở các tỉnh, thành chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, thì xe máy vẫn là lựa chọn ưu tiên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh kế của người dân.

Lấy ví dụ tại Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố lớn có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhất nước nhưng hệ thống GTCC cũng mới đáp ứng khoảng 10% - 15% nhu cầu đi lại. Mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân cho đến nay vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố Châu Á khác.

"Nếu công tác xây dựng mở rộng các mạng lưới đường, phương tiện vận tải công công (tàu điện và xe buýt) vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới, GTCC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại ưu tiên của nhiều người dân", ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo thống kê, xe máy có liên quan tới khoảng 65% - 70% số vụ TNGT, dù không phải trong tất cả các vụ TNGT này, xe máy đều là nguyên nhân, thậm chí, nhiều vụ tai nạn, người đi xe máy lại là nạn nhân.

Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: Chính vì sự phổ biến của xe máy và xu hướng sử dụng xe máy, cùng những đặc thù về giao thông vận tải tại Việt Nam, việc triển khai các giải pháp nâng cao ATGT cho xe máy là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân đang sử dụng phương tiện này hàng ngày và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao ATGT tại Việt Nam.

Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết tại Việt Nam còn nhiều thách thức trong đảm bảo ATGT cho người đi xe máy.

Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết tại Việt Nam còn nhiều thách thức trong đảm bảo ATGT cho người đi xe máy.

Nhiều thách thức trong đảm bảo ATGT cho xe máy

Tại cuộc họp, TS. Dương Khánh Vân, đại diện WHO Việt Nam cho biết, thống kê trên thế giới, ước tính có 1,19 triệu ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ vào năm 2021; tương ứng với tỷ lệ 15 ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ trên 100.000 dân.

Trong đó, 92% số ca tử vong xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nguy cơ tử vong cao gấp ba lần ở các quốc gia có thu nhập thấp so với các quốc gia có thu nhập cao.

Người đi xe máy và những người đi xe hai và ba bánh có động cơ (PTW) chiếm 30% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ trên toàn cầu.

"Các vụ va chạm liên quan đến xe hai và ba bánh thường có thể dự đoán, phòng ngừa được và không bao giờ được coi là không thể tránh khỏi", bà Vân nhấn mạnh.

Phân tích các yếu tố rủi ro chính gây ra thương tích do va chạm xe máy, bà Vân cho biết, gồm: không đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, sử dụng rượu bia, điều kiện giao thông hỗn hợp, xe không được bảo vệ trong trường hợp xảy ra va chạm và thiếu cơ sở hạ tầng an toàn cho xe hai và ba bánh (như mặt đường kém và nguy hiểm ven đường).

Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Thông điệp truyền thông của chiến dịch “Đã uống rượu bia – Không lái xe” gửi gắm một lời nhắc nhở pháp luật Việt Nam không cấm uống rượu bia, nhưng cấm lái xe khi đã uống rượu bia và gửi đi lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về cái giá phải trả cho một ly bia hay rượu nếu lái xe: “Chỉ một lượng nhỏ rượu bia cũng có thể làm suy giảm khả năng lái xe và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.”

Ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm, tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có kết quả bảo đảm ATGT với người đi xe máy.

Đặc biệt Việt Nam thường được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô xe máy, với tỷ lệ đội mũ lớn hơn 90% thậm chí 95% tại nhiều địa phương. Các vấn đề kiểm soát với người đi xe máy hiện Việt Nam cũng đang làm rất tốt như nồng độ cồn hay kiểm soát tốc độ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đơn cử như: Thực trạng nhóm tuổi 16-18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50cc nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, số vụ TNGT liên quan trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe hai bánh diễn biến phức tạp; Nhiều vụ TNGT do vi phạm quy tắc giao thông (đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát).

Mặt khác, tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy chưa được áp dụng một cách rộng rãi.

Đáng chú ý, vẫn chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên mô tô, xe máy còn thấp; chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên xe máy.

PGS.TS Vũ Hoài Nam (Trường Đại học Xây dựng) cho biết thêm, tại Việt Nam, việc thiếu khuyến cáo về sự phù hợp của thể trạng con người với phương tiện mô tô, xe máy; chưa có giới hạn gia tốc của xe máy cao trong bối cảnh mặt đường không tốt; thiết bị chiếu sáng và phản quang của xe máy còn bất cập hay chưa chú trọng trang thiết bị bảo hộ cho người đi xe máy; việc thiếu kiến thức về bảo dưỡng, phát hiện khiếm khuyết của phương tiện cũng những yếu tố khiến rủi ro mất ATGT cho người đi mô tô, xe máy.

Tại cuộc họp, nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, hiệp hội đã đề xuất, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và giải pháp về đảm bảo ATGT cho người đi mô tô, xe máy.

Tại cuộc họp, nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, hiệp hội đã đề xuất, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và giải pháp về đảm bảo ATGT cho người đi mô tô, xe máy.

Cách nào đảm bảo ATGT cho người đi mô tô, xe máy?

Về giải pháp đảm bảo ATGT cho người đi xe máy tại Việt Nam, theo ông Minh cần thay đổi chương trình đào tạo, sát hạch GPLX cho người đi xe máy sao cho chặt chẽ hơn, nâng cao nhận thức về các nguy cơ (tốc độ, rượu bia, mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại); chú trọng thực hành kỹ năng (tốc độ, phần đường làn đường, các quy tắc khi chuyển hướng, điểm mù, quan sát gương, ATGT khi đi vào ban đêm). Cùng đó, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cho người đi ô tô trong tham gia giao thông hỗn hợp với xe máy.

Tiếp đến, có quy định pháp luật về thiết kế kết cấu hạ tầng giao thông xe máy (như: tiêu chuẩn làn đường riêng cho xe máy); chú trọng giáo dục, đào tạo và sát hạch kiến thức lái xe dưới 50cc cho học sinh.

Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng, trang bị công nghệ để nâng cao tính an toàn cho mô tô, xe máy; ứng dụng công nghệ trong xử phạt nguội mô tô, xe máy.

Đồng quan điểm, bà Vân cho rằng, cần tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm của người đi xe máy về sử dụng rượu bia, mũ bảo hiểm, nghiên cứu đào tạo, sát hạch GPLX toàn diện cho tất cả các độ tuổi người đi xe máy, bao gồm cả xe dưới 50cc. Cùng đó, tiếp tục nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đúng cách; chú trọng ứng phó sau tai nạn, kích hoạt hệ thống chăm sóc khẩn cấp với người bị thương sau va chạm giao thông.

Chia sẻ ý kiến tại cuộc họp, đại diện Viện Chiến lược Phát triển GTVT (Bộ GTVT) đề xuất ứng dụng AI để phân tích dữ liệu giao thông, dự đoán rủi ro TNGT; từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và cảnh báo kịp thời cho người đi xe máy. Sử dụng ứng dụng di động để cảnh báo người lái xe theo thời gian thực về điều kiện giao thông, điều kiện đường xá, các mối nguy hiểm tiềm ẩn,…

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động chiến dịch truyền thông, đề nghị người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ quy định "Đã uống rượu bia không lái xe" và "Không giao xe cho người không đủ điều kiện". Chiến dịch nhằm tuyên truyền đến các bậc phụ huynh trong quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện của con em, bảo đảm chỉ giao xe khi con em đủ điều kiện theo quy định pháp luật, đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện một cách an toàn.

Ông Thành cho biết, trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, có thể thấy TNGT được kéo giảm sâu trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ tết Nguyên đán 2024, đặc biệt là số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng giảm rất sâu. Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn ở mức cao, vẫn xảy ra ở nhiều nơi với trên 17.000 trường hợp, chiếm tới 30% số lượng vi phạm được cơ quan chức năng xử lý.

Bên cạnh đó, hành vi giao xe cho người chưa có giấy phép lái xe hoặc không đủ điều kiện điều khiển phương tiện cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn, làm gia tăng rủi ro tai nạn, gây mất an toàn cho chính bản thân người điều khiển và những người xung quanh.

"Thực tế này đòi hỏi chúng ta vừa kiên quyết xử lý vi phạm nhưng cũng đồng thời phải kiên trì và đẩy mạnh tuyên truyền để kéo giảm những hành vi vi phạm này", ông Thành nói.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/ban-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-cho-nguoi-di-mo-to-xe-may-192250212120913848.htm
Zalo