Bàn giải pháp đảm bảo an toàn cho người đi xe máy

Ngày 12/2, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Tổ chức y tế thế giới (WHO) tổ chức cuộc hội thảo kỹ thuật bàn về các giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy tại Việt Nam-Những thách thức và bài học kinh nghiệm. Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn về hạ tầng, về ý thức … trong vấn đề đảm bảo ATGT với người đi xe máy, từ đó cũng đề cập đến một loạt giải pháp từ kinh nghiệm nghiên cứu.

30 năm tới mô tô, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc, ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, với khoảng 77 triệu xe được đăng ký theo số liệu thống kê hết năm 2024. Nếu công tác xây dựng mở rộng các mạng lưới đường, phương tiện vận tải công cộng (tàu điện và xe buýt…) vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới các mức cung cấp kết cấu hạ tầng và dịch vụ giao thông công cộng sẽ vẫn rất thấp so với các thành phố trong khu vực, đồng nghĩa với việc giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu và xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại ưu tiên của nhiều người dân. Mặc dù, là phương tiện đi lại chính và có nhiều ưu điểm nhưng xe máy cũng có những nhược điểm như độ tiện nghi, tính năng an toàn không cao như ôtô...

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65%-70% số vụ TNGT, tất nhiên, cần khẳng định không phải tất cả trong số đó xe máy đều là nguyên nhân, nhiều vụ việc trong số đó người đi xe máy là nạn nhân.

“Chính vì sự phổ biến của xe máy và xu hướng sử dụng xe máy, cùng những đặc thù về giao thông vận tải tại Việt Nam, việc triển khai các giải pháp nâng cao ATGT cho xe máy là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân đang sử dụng phương tiện này hàng ngày và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao ATGT tại Việt Nam”, ông Lê Kim Thành nhấn mạnh.

CSGT đảm bảo ATGT cho người dân lưu thông trên đường.

CSGT đảm bảo ATGT cho người dân lưu thông trên đường.

Cùng góc nhìn với ông Thành, đại diện Hiệp hội vận tải nêy ý kiến, vấn đề an toàn cho xe máy là thách thức và lâu dài. Trong khi đó, ước tính trong khoảng 30 năm nữa xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo của nước ta. Do đó, cần sớm đưa ra cách tiếp cận vấn đề an toàn cho người đi xe máy từ 3 khía cạnh: Phương tiện, hạ tầng và con người.

Đóng gớp thêm ý kiến, PGS.TS Vũ Hoài Nam (Trường Đại học Xây dựng) cho biết, tại Việt Nam còn thiếu khuyến cáo về sự phù hợp của thể trạng con người với phương tiện mô tô, xe máy (nhất là với xe nhập khẩu); chưa có giới hạn gia tốc của xe máy cao trong bối cảnh mặt đường không tốt; thiết bị chiếu sáng và phản quang của xe máy còn bất cập hay chưa chú trọng trang thiết bị bảo hộ cho người đi xe máy; việc thiếu kiến thức về bảo dưỡng, phát hiện khiếm khuyết của phương tiện cùng những yếu tố khiến rủi ro mất ATGT cho người đi mô tô, xe máy.

Nhìn thẳng vào thách thức để đưa ra các giải pháp mang tính lâu dài

“Trên thế giới, ước tính có 1,19 triệu ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ vào năm 2021; tương ứng với tỷ lệ 15 ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ trên 100.000 dân”, TS Dương Khánh Vân - Đại diện cho tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mở đầu phát biểu của mình bằng những con số đáng lo ngại. Rồi bà tiếp lời, trong đó, 92% số ca tử vong xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nguy cơ tử vong cao gấp ba lần ở các quốc gia có thu nhập thấp so với các quốc gia có thu nhập cao. Người đi xe máy và những người đi xe hai và ba bánh có động cơ (PTW) chiếm 30% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ trên toàn cầu. Các vụ va chạm liên quan đến xe hai và ba bánh thường có thể dự đoán, phòng ngừa được và không bao giờ được coi là không thể tránh khỏi.

Phân tích các yếu tố rủi ro chính gây ra thương tích do va chạm xe máy, bà Vân cho biết, gồm: Không đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, sử dụng rượu bia, điều kiện giao thông hỗn hợp, xe không được bảo vệ trong trường hợp xảy ra va chạm và thiếu cơ sở hạ tầng an toàn cho xe hai và ba bánh (như mặt đường kém và nguy hiểm ven đường).

“Các quốc gia trên thế giới đã chứng minh một số giải pháp can thiệp có hiệu quả là thiết kế làn đường riêng cho xe máy. Các phương tiện xe máy cần phải có hệ thống chống bó cứng phanh để nâng cao an toàn cho người đi. Đồng thời với người điều khiển xe, bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm phải chất lượng. Bên cạnh đó tăng cường xử phạt nghiêm người đi xe máy vi phạm”, bà Vân cho biết.

Đóng góp thêm giải pháp, đại diện của Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) cho biết: Tại thành phố New York- một trong những thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ, đường phố không to, nhưng giao thông khá tốt. Theo như quan sát, họ chỉ dành 1 làn cho ôtô lưu thông. Ngoài ra họ có làn riêng cho xe đạp điện, làn này luôn nằm sát vỉa hè và cạnh làn đỗ ôtô. Điều này cũng khiến người tham gia giao thông an toàn hơn. Đây là một kinh nghiệm rất đáng xem xét. Vị này dẫn chứng thêm, tại Úc, ở những đoạn đường có làn gom giao với cao tốc, người ta luôn có cột đèn báo hiệu ví như khi đèn xanh báo, họ có thêm một đèn phụ báo luôn sẽ có mấy xe chuẩn bị được rẽ qua. Điều này sẽ tránh được xung đột không đáng”.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các tổ chức quốc tế và trong nước, ông Nguyễn Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có kết quả bảo đảm ATGT với người đi xe máy. Đặc biệt, Việt Nam thường được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô xe máy, với tỷ lệ đội mũ lớn hơn 90% thậm chí 95% tại nhiều địa phương.

Các vấn đề kiểm soát với người đi xe máy hiện Việt Nam cũng đang làm rất tốt như nồng độ cồn hay kiểm soát tốc độ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đơn cử như: Thực trạng nhóm tuổi 16-18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50cc nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, số vụ TNGT liên quan trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe hai bánh diễn biến phức tạp; Nhiều vụ TNGT do vi phạm quy tắc giao thông (đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát). Mặt khác, tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy chưa được áp dụng một cách rộng rãi.

Đáng chú ý, vẫn chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên mô tô, xe máy còn thấp; chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên xe máy. Về giải pháp đảm bảo ATGT cho người đi xe máy tại Việt Nam, theo ông Minh cần thay đổi chương trình đào tạo, sát hạch GPLX cho người đi xe máy sao cho chặt chẽ hơn, nâng cao nhận thức về các nguy cơ (tốc độ, rượu bia, mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại); chú trọng thực hành kỹ năng (tốc độ, phần đường làn đường, các quy tắc khi chuyển hướng, điểm mù, quan sát gương, ATGT khi đi vào ban đêm). Cùng đó, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cho người đi ôtô trong tham gia giao thông hỗn hợp với xe máy. Tiếp đến, có quy định pháp luật về thiết kế kết cấu hạ tầng giao thông xe máy (như: tiêu chuẩn làn đường riêng cho xe máy); chú trọng giáo dục, đào tạo và sát hạch kiến thức lái xe dưới 50cc cho học sinh. Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng, trang bị công nghệ để nâng cao tính an toàn cho mô tô, xe máy; ứng dụng công nghệ trong xử phạt nguội mô tô, xe máy.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, Ủy ban ATGT Quốc gia phát động chiến dịch truyền thông, đề nghị người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ quy định “Đã uống rượu bia không lái xe” và “Không giao xe cho người không đủ điều kiện”. Chiến dịch nhằm tuyên truyền đến các bậc phụ huynh trong quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện của con em, bảo đảm chỉ giao xe khi con em đủ điều kiện theo quy định pháp luật, đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện một cách an toàn.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/ban-giai-phap-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-di-xe-may-i758935/
Zalo