Bạn đọc ủng hộ 'chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm'

Nhiều bạn đọc cho rằng phòng, chống lãng phí nếu được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước và người dân.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải đột phá về chống lãng phí”, về nội dung đổi tên, thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Về nội dung trên, nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo.

 Được khởi công xây dựng từ năm 2014, BV Bạch Mai Cơ sở 2 và BV Việt Đức Cơ sở 2 là dự án bệnh viện trọng điểm nhưng sau nhiều năm, hai bệnh viện này vẫn trong trạng thái dang dở, chưa thể đưa vào hoạt động. (Ảnh chụp chiều 1-11-2024). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Được khởi công xây dựng từ năm 2014, BV Bạch Mai Cơ sở 2 và BV Việt Đức Cơ sở 2 là dự án bệnh viện trọng điểm nhưng sau nhiều năm, hai bệnh viện này vẫn trong trạng thái dang dở, chưa thể đưa vào hoạt động. (Ảnh chụp chiều 1-11-2024). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Không lãng phí giúp cải thiện đời sống

Bạn đọc Quốc Minh nêu ý kiến: “Tôi rất ủng hộ ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặt trọng tâm vào việc chống lãng phí cho thấy sự quan tâm thực sự đến việc sử dụng hiệu quả ngân sách quốc gia. Điều này giúp củng cố niềm tin của người dân vào Chính phủ, bởi sự minh bạch và quản lý hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho mọi người”.

Bạn đọc Minh Nguyên bày tỏ: “Lãng phí còn nguy gấp bội phần nhận hối lộ, tiêu cực bởi không chỉ ra được con người cụ thể. Bên cạnh đó, tham nhũng dễ nhận diện nhưng lãng phí thì ẩn dật trong cơ chế, chính sách, trong công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, lãng phí vật tư, lãng phí điện, nước, kinh phí đầu tư...”.

Bạn đọc Tuấn Anh bình luận: “Nếu ngân sách được sử dụng một cách hợp lý, không lãng phí thì các chương trình an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế, giáo dục… sẽ được cải thiện. Điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt giúp đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa được phát triển hơn. Không những thế, việc giảm lãng phí và sử dụng hiệu quả nguồn lực công có thể giúp tăng cường đầu tư cho các dự án kinh tế, tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động”.

Cần chỉ rõ hành vi cụ thể của việc lãng phí

Bạn đọc Trí Thiện bình luận: “Theo tôi, trước mắt cần phải chỉ ra rõ hành vi cụ thể của việc lãng phí là như thế nào. Sau đó, cần sự quyết liệt từ các cấp, chỉ ra những hành vi lãng phí, đem chúng vào chuẩn mực trong quản lý, dần hình thành một văn hóa, một nếp sống, một nội quy. Điều này sẽ giúp cải thiện cách sử dụng ngân sách mà còn lan tỏa những giá trị tích cực trong doanh nghiệp, công ty, cơ quan thậm chí toàn xã hội”.

Bạn đọc Thanh Tuấn bình luận: “Từ lâu cơ quan tôi đã đưa việc chống lãng phí vào quy định chung, việc này giúp cán bộ, người lao động ý thức hơn trong việc tiết kiệm nguồn ngân sách chung. Việc chống lãng phí thực sự quan trọng nếu tập thể cùng nhau thực hiện sẽ thúc đẩy sự phát triển của tập thể đó. Nhiều tập thể cũng thực hiện như vậy sẽ giúp xã hội phát triển”.

Bạn đọc Ngọc Mai bình luận: “Dù việc chống lãng phí có lẽ sẽ khó thực hiện hơn chống tham nhũng vì nó không có thực thể nhất định. Tuy nhiên, không phải khó thì không làm, việc gì cũng sẽ có cách giải quyết. Tôi tin dưới sự chỉ đạo triển khai của Ban Chỉ đạo Trung ương việc phòng, chống lãng phí sẽ được thực hiện một cách hiệu quả”.

Bạn đọc Nguyễn Thái nêu quan điểm: “Việc phòng, chống lãng phí đều xuất phát tự giác, tự nguyện từ chính bản thân của mỗi con người. Trên làm thì dưới cũng làm theo, theo tôi, các cấp chính quyền phải đi đầu trong công tác này, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì người dân sẽ lấy đó làm quy chuẩn mà thực hiện theo. Nên đem một vài trường hợp lãng phí lớn dư luận quan tâm xử lý, lấy làm gương. Có thể kể đến các công trình gây lãng phí lớn trên cả nước như BV Bạch Mai Cơ sở 2, dự án chống ngập TP.HCM…”.

Kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua

Từ sau giữa tháng 8 đến nay, các địa phương đã khởi tố mới 656 vụ án/1.367 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 169 vụ án/347 bị can về các tội tham nhũng, nâng tổng số vụ án tham nhũng khởi tố mới ở các địa phương từ đầu năm đến nay là 613 vụ án/1.350 bị can. Con số này tăng hơn 70 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 14 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Gồm 2 phó thủ tướng, nguyên phó thủ tướng; 3 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 18 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; 2 chủ tịch HĐND tỉnh; 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy; thi hành kỷ luật 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

HUỲNH THƠ - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc-ung-ho-chong-lang-phi-la-nhiem-vu-trong-tam-post817909.html
Zalo