Bản danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Kỳ tích của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Năm 1992, Thượng tướng Đàm Quang Trung thay mặt Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân (VNGPQ) viết thư đề nghị Bộ Quốc phòng giúp đỡ, tạo điều kiện việc tìm hiểu, sưu tầm, xác minh lập danh sách Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) và khắc tên các đội viên vào bia kỷ niệm, sẽ đặt tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - nơi Đội VNTTGPQ tổ chức thành lập. Các đồng chí lãnh đạo cho biết sẽ tạo điều kiện để sớm xúc tiến công việc cho kịp dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) (22/12/1944 - 22/12/1994).

Trong cuộc họp của Ban liên lạc VNGPQ tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Bây giờ làm là chậm nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm”. Tuy nhiên, do thời gian trôi qua đã nửa thế kỷ, nhiều người “trong cuộc” đã mất hoặc già yếu, nên việc lập danh sách rất khó khăn. Vì thế, việc đầu tiên phải làm là dựa vào các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng và các đội viên Đội VNTTGPQ còn sống để tìm hiểu, xác minh. Trong đó có cụ Nông Văn Lạc - người được coi là cánh tay phải của đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong việc tổ chức thành lập Đội, nhà cụ chính là nơi địch chiếm dụng để làm đồn Phai Khắt; cụ Nông Văn Quang - nguyên Bí thư Chi bộ của Đội xung phong Nam tiến và nhiều người khác.

Đại tá Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn) - nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ tổng Tham mưu), nguyên là đội viên của VNGPQ cho biết: Ban liên lạc VNGPQ đề nghị một số đồng chí có liên quan trực tiếp và một số cơ quan lập danh sách của Đội VNTTGPQ. Kết quả, nhận được 8 bản danh sách của các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Dương Mạc Thạch (tức Xích Thắng - nguyên Chính trị viên của Đội), Nông Văn Lạc, Nông Văn Quang, Doanh Thắng Hỷ (tức Doanh Hằng - lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái...), đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Viện Bảo tàng Quân đội và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (LSQSVN).

Sau khi đối chiếu danh sách lên tới 74 người, nên từ cuối năm 1992 đến giữa năm 1994, Ban liên lạc VNGPQ tổ chức 3 cuộc họp - hội thảo tại Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội để rà soát, thống nhất danh sách. Việc xác định người trong danh sách 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ rất khó, bởi ngày thành lập, số người được triệu tập từ các cơ quan, đoàn thể và nhân dân các địa phương (chủ yếu ở Cao Bằng) về dự khá đông. Nhưng chỉ đứng xung quanh, còn 34 đội viên đứng thành 3 hàng ở giữa. Khi làm lễ khoảng 17 giờ, ở trong rừng, mùa đông nên trời tối, không nhìn rõ mặt tất cả mọi người, chưa kể nhiều người chỉ mang bí danh hoạt động là chủ yếu.

Trên cơ sở bước đầu thống nhất danh sách, ngày 4/7/1994, đồng chí Đàm Quang Trung báo cáo các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt. Sau khi có bản danh sách đã được thẩm định nhiều lần, đoàn cán bộ Tỉnh ủy Cao Bằng do đồng chí Nông Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nông Hải Pín, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng được ủy nhiệm về Hà Nội làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 2/11/1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký xác nhận bản danh sách 34 cán bộ, chiến sĩ Đội VNTTGPQ để kịp khắc tên vào bia.

Cùng với quá trình lập danh sách của Đội VNTTGPQ, được sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng, khu di tích ghi dấu nơi ra đời của QĐNDVN tại khu rừng Trần Hưng Đạo được khẩn trương xây dựng.

Cựu chiến binh tham quan Nhà bia ghi tên danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh Thế Vĩnh

Cựu chiến binh tham quan Nhà bia ghi tên danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh Thế Vĩnh

Sau một thời gian thi công, lễ khánh thành khu di tích, nhà bia được tổ chức đúng dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập QĐNDVN, với sự tham dự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng nhiều đại biểu của Trung ương, Quân đội, tỉnh Cao Bằng và đông đảo nhân dân địa phương.

Cuối năm 1999 (sau 5 năm nhà bia trong khu rừng Trần Hưng Đạo được khánh thành), Viện LSQSVN phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm lần thứ 55 Ngày thành lập QĐNDVN tại Cao Bằng. Hội thảo có chủ đề: “55 năm QĐNDVN - Miền đất khai sinh và quá trình phát triển”. Trong dịp hội thảo, một số đại biểu tới thăm nhà bia tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Sau khi xem kỹ danh sách với các yếu tố họ tên, quê quán, năm sinh, thành phần dân tộc..., một số thiếu sót xung quanh danh sách đã được phát hiện.

Cuối tháng 3/2000, ông Doanh Hằng gửi một bức thư cho các cơ quan, đơn vị như: Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Ban liên lạc VNGPQ, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, huyện Nguyên Bình... đề cập đến một số vấn đề liên quan đến danh sách Đội VNTTGPQ. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan “thẩm tra, xem xét, khắc lại cho chính xác, cho đúng với sự thật”.

Ngày 20/4/2000, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN chỉ thị: “Viện LSQSVN nghiên cứu phối hợp với quân khu và các địa phương để xác minh kết luận (gặp trực tiếp đồng chí Doanh Hằng). Nếu có thiếu sót, sai thì sửa”.

Chấp hành chỉ thị của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Thủ trưởng Viện LSQSVN đã cử nhiều đoàn cán bộ đi tìm hiểu, xác minh những nội dung nêu trong thư. Phương hướng đi sưu tầm, khảo sát sau hơn nửa thế kỷ quả là khó khăn. Sau khi họp bàn kỹ, lãnh đạo Viện LSQSVN và đoàn công tác xác định: dựa vào danh sách 34 cán bộ, đội viên đã khắc trong bia sẽ lần lượt đi tìm hiểu từng người theo địa chỉ, quê quán. Dù có mất nhiều thời gian, công sức cũng quyết tiến hành hết khả năng có thể và điều kiện cho phép, bởi đã có chỗ “bấu víu” là quê quán của mỗi người. Một điều khá thuận lợi là theo danh sách có tới 25/34 người quê gốc ở Cao Bằng, 3 người quê ở huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), 2 người quê ở Thái Nguyên, 2 người quê ở Quảng Bình, 1 người ở Thái Bình, 1 người ở Lạng Sơn.

Đến đầu năm 2003, sau gần 3 năm bắt tay vào công việc, nhiều lần đến các tỉnh, thành, đến tận nơi các đội viên từng sống, gặp họ hàng, bạn chiến đấu của các đội viên…, các đoàn công tác của Viện LSQĐVN thu thập được khá nhiều tư liệu liên quan đến quá trình lịch sử của Đội VNTTGPQ và những đội viên của Đội. Mặc dù đã biên soạn cuốn sách lịch sử về Đội, lãnh đạo và cán bộ của Viện LSQĐVN vẫn chưa hài lòng về một số trường hợp vì qua nhiều chuyến đi nhưng chưa thể thu thập được đầy đủ tư liệu.

Với sự trân trọng và tôn trọng lịch sử, với tất cả khả năng có thể để tìm hiểu và bổ sung, đính chính về những thiếu sót trong danh sách 34 cán bộ, chiến sĩ Đội VNTTGPQ khắc vào bia đặt tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Viện LSQĐVN cảm ơn các địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân bằng công sức, tình cảm và cả vật chất, góp phần xây dựng nên danh sách để khắc vào bia tên tuổi, quê quán, thành phần dân tộc, chức vụ... của 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ.

Đinh Ngọc Viện (t.h)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ban-danh-sach-34-chien-si-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-ky-tich-cua-vien-lich-su-quan-su-3174185.html
Zalo