Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ họp Phiên thứ chín
Chiều 15/1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị trực tuyến Phiên họp thứ chín nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình. Dự hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm.
Trong đó, Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 4 quyết định, 1 công điện để chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng lập đề nghị xây dựng, soạn thảo luật, pháp lệnh và khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Nhiều kết quả về cải cách TTHC được ghi nhận. Trong năm đã có 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh; nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020-2025. Các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ có chuyển biến rõ nét. Lũy kế đến nay đã giảm 13 Sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có kết quả.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ những kết quả nổi bật, tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; rà soát, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2025 của các bộ, cơ quan, địa phương.
Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động năm 2025; tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn, là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.