Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất phương án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 28/4, tại Hội nghị lần thứ 22, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về phương án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP…

Đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ

Theo Tờ trình về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày, Hà Nội hiện có tổng diện tích trên 3.359km2 gồm 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 1 thị xã và 17 huyện), 526 đơn vị hành chính cấp xã (160 phường, 21 thị trấn và 345 xã); dân số 8,587 triệu người.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì Hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì Hội nghị.

Quan điểm sắp xếp của TP Hà Nội là việc sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã phải bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị; việc thực hiện phải thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm ổn định hàng trăm năm; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong giai đoạn mới; làm cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Mục tiêu là xây dựng mô hình tổ chức bộ máy đơn vị hành chính cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho Nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo không gian, động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Sau sắp xếp, đơn vị hành chính cơ sở mới phải là đơn vị hành chính có quy mô phù hợp với khả năng quản lý, quản trị của các cơ quan chức năng thuộc TP và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Nguyên tắc xác định trung tâm hành chính là lựa chọn trụ sở của quận, huyện, thị xã phù hợp với quy mô, mô hình tổ chức bộ máy, số biên chế được giao thì lựa chọn trụ sở của 1 trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện có để làm trụ sở cấp xã mới để bảo đảm chính quyền địa phương cấp cơ sở mới nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày Tờ trình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày Tờ trình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP tại Hội nghị.

Sẽ còn 126 đơn vị hành chính cơ sở mới sau sắp xếp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, cơ sở để quyết định phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội là căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính Trị và được cụ thể hóa tại Luật Thủ đô, Quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045-2065 với những yếu tố đặc thù xác định: Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.

Bên cạnh đó, cơ sở để quyết định phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP là bảo đảm đúng yêu cầu chỉ đạo của T.Ư; phù hợp với thực tiễn của Hà Nội, đáp ứng được yêu cầu, bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, hiện tại cũng như định hướng phát triển trong tương lai.

Với những định hướng phát triển Thủ đô theo chủ trương, Nghị quyết của T.Ư và pháp luật của Nhà nước, Thủ đô Hà Nội nếu thực hiện theo định hướng trên sẽ tác động đến 296 xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội theo định hướng này sẽ hình thành 50 đơn vị hành chính cơ sở.

Như vậy 230 xã, phường, thị trấn còn lại của TP Hà Nội sẽ tổ chức lại theo đúng định hướng chỉ đạo của T.Ư (giảm khoảng 70%); sẽ hình thành 76 đơn vị hành chính cơ sở, cùng với 50 đơn vị hành chính cơ sở theo định hướng phát triển Thủ đô thì TP Hà Nội tổ chức lại 526 xã, phường, thị trấn thành 126 đơn vị hành chính cơ sở mới, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, định hướng chỉ đạo của T.Ư và phù hợp với tình hình thực tiễn của Hà Nội.

Kết quả họp HĐND xã, thị trấn và quận, huyện, thị xã cho thấy, đại biểu HĐND của 30/30 quận, huyện, thị xã biểu quyết đồng ý thông qua đạt tỷ lệ 100% trên tổng số đại biểu dự kỳ họp.

Đại biểu HĐND của 366 xã, thị trấn biểu quyết đồng ý thông qua. Trong đó, HĐND của 364 xã, thị trấn, biểu quyết thông qua đạt tỷ lệ 100%; HĐND xã Phúc Lâm biểu quyết thông qua đạt tỷ lệ 81,25%; HĐND xã Tân Hưng biểu quyết thông qua, đạt tỷ lệ 96%.

Về lộ trình triển khai thực hiện tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, sau khi được Ban Chấp hành Đảng bộ TP xem xét, thống nhất chủ trương về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội, UBND TP hoàn thiện hồ sơ Đề án trình HĐND TP ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; hoàn thiện hồ sơ Đề án báo cáo Chính phủ, hoàn thành trước ngày 1/5/2025.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Nghị định của Chính phủ về mô hình tổ chức bộ máy, TP sẽ triển khai quyết định thành lập, hướng dẫn công tác chuyển giao và tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động theo chỉ đạo của T.Ư...

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính TP.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính TP.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương cấp xã, căn cứ vào chỉ đạo của T.Ư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, TP đề xuất giữ nguyên như hiện nay và theo quy định của Luật Thủ đô năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi cho việc bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý.

Việc không tổ chức cấp hành chính trung gian cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị cấp xã không chỉ làm tinh gọn số lượng đơn vị hành chính mà còn mang lại hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực tài chính, phân bổ ngân sách hợp lý hơn cho an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả các hoạt động thiết yếu phục vụ Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và của Nhân dân địa phương. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp TP thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cụ thể phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội như sau:

Quận Hoàn Kiếm từ 18 đơn vị hành chính cấp xã còn 2 đơn vị là: Phường Hoàn Kiếm và phường Cửa Nam.

Quận Ba Đình từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Phường Ba Đình, phường Ngọc Hà và phường Giảng Võ.

Quận Hai Bà Trưng từ 15 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Phường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Tuy và phường Bạch Mai.

Quận Đống Đa từ 17 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Phường Đống Đa, phường Kim Liên, phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phường Láng và phường Ô Chợ Dừa.

Quận Tây Hồ từ 8 đơn vị hành chính cấp xã còn 02 đơn vị là: Phường Tây Hồ và phường Phú Thượng.

Quận Hoàng Mai từ 14 đơn vị hành chính cấp xã còn 06 đơn vị là: Phường Hoàng Mai, phường Vĩnh Hưng, phường Tương Mai, phường Định Công, phường Hoàng Liệt và phường Yên Sở.

Quận Thanh Xuân từ 9 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Phường Thanh Xuân, phường Khương Đình và phường Phương Liệt.

Quận Cầu Giấy từ 8 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Phường Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô và phường Yên Hòa.

Quận Bắc Từ Liêm từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Phường Tây Tựu, phường Phú Diễn, phường Xuân Đỉnh, phường Đông Ngạc và phường Thượng Cát.

Quận Nam Từ Liêm từ 10 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Phường Từ Liêm, phường Xuân Phương, phường Tây Mỗ và phường Đại Mỗ.

Quận Long Biên từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Phường Long Biên, phường Bồ Đề, phường Việt Hưng và phường Phúc Lợi.

Quận Hà Đông từ 15 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Phường Hà Đông, phường Dương Nội, phường Yên Nghĩa, phường Phú Lương và phường Kiến Hưng.

Từ địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai hình thành 02 phường mới là: Phường Hồng Hà và phường Lĩnh Nam.

Thị xã Sơn Tây từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Phường Sơn Tây, phường Tùng Thiện và xã Đoài Phương.

Huyện Gia Lâm từ 17 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Gia Lâm, xã Thuận An, xã Bát Tràng và xã Phù Đổng.

Huyện Đông Anh từ 24 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Xã Đông Anh, xã Thư Lâm, xã Phúc Thịnh, xã Thiên Lộc và xã Vĩnh Thanh.

Huyện Mê Linh từ 17 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Mê Linh, xã Yên Lãng, xã Tiến Thắng và xã Quang Minh.

Huyện Sóc Sơn từ 26 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Xã Sóc Sơn, xã Nội Bài, xã Trung Giã, xã Kim Anh và xã Đa Phúc.

Huyện Chương Mỹ từ 30 đơn vị hành chính cấp xã còn 06 đơn vị là: Phường Chương Mỹ, xã Phú Nghĩa, xã Xuân Mai, xã Trần Phú, xã Hòa Phú và xã Quảng Bị.

Huyện Ba Vì từ 29 đơn vị hành chính cấp xã còn 08 đơn vị là: Xã Quảng Oai, xã Vật Lại, xã Cổ Đô, xã Bất Bạt, xã Suối Hai, xã Ba Vì, xã Yên Bài và xã Minh Châu.

Huyện Phúc Thọ từ 18 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Xã Phúc Thọ, xã Phúc Lộc và xã Hát Môn.

Huyện Thạch Thất từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Xã Thạch Thất, xã Hạ Bằng, xã Tây Phương, xã Hòa Lạc và xã Yên Xuân.

Huyện Quốc Oai từ 17 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Quốc Oai, xã Hưng Đạo, xã Kiều Phú và xã Phú Cát.

Huyện Đan Phượng từ 16 đơn vị hành chính cấp xã còn 03 đơn vị là: Xã Đan Phượng, xã Ô Diên và xã Liên Minh.

Huyện Hoài Đức từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Hoài Đức, xã Dương Hòa, xã Sơn Đồng và xã An Khánh.

Huyện Thanh Trì từ 16 đơn vị hành chính cấp xã còn 05 đơn vị là: Xã Thanh Trì, xã Thanh Liệt, xã Đại Thanh, xã Nam Phù và xã Ngọc Hồi.

Huyện Thường Tín từ 27 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Thường Tín, xã Thượng Phúc, xã Chương Dương và xã Hồng Vân.

Huyện Phú Xuyên từ 23 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Phú Xuyên, xã Phượng Dực, xã Chuyên Mỹ và xã Đại Xuyên.

Huyện Thanh Oai từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Thanh Oai, xã Bình Minh, xã Tam Hưng và xã Dân Hòa.

Huyện Ứng Hòa từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Vân Đình, xã Ứng Thiên, xã Hòa Xá và xã Ứng Hòa.

Huyện Mỹ Đức từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 04 đơn vị là: Xã Mỹ Đức, xã Hồng Sơn, xã Phúc Sơn và xã Hương Sơn.

Trần Long - Thịnh An - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ban-chap-hanh-dang-bo-tp-ha-noi-thong-nhat-phuong-an-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa.688802.html
Zalo