Bàn cách liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử
Nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp ngồi cùng nhau bàn cách thúc đẩy liên kết vùng và làm sao để bền vững trong phát triển thương mại điện tử.
Sáng 25-9, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Bình Định, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Hội nghị này nằm trong chuỗi chương trình mở rộng các nền tảng thương mại điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số giữa UBND tỉnh Bình Định và Bộ Công Thương.
Làm gì để sàn thương mại điện tử bền vững?
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện nay thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh này có bước phát triển khả quan, tạo lập hạ tầng phổ biến rộng rãi và đang từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm 2024, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc so với năm 2023, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Đến cuối năm 2023, Bình Định có 4.187 website có tên miền quốc gia “.vn”, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng đạt tỷ lệ cao
Việc người dân dần thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến; doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm đến thương mại điện tử, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán, xây dựng website riêng đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức, như đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử còn thiếu; khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn thương mại điện tử, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu tại doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng...
Từ thực trạng trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành sẽ có thêm nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa.
Qua đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp thúc đẩy thương mại điện tử tại địa phương và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng chương trình, định hướng phát triển thương mại điện tử cụ thể cho từng địa phương trong đó có Bình Định.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách thức tạo ra bước đột phá trong hoạt động thương mại điện tử.
Nhiều giải pháp
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương, cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh, năng động nhất trên thế giới.
"Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nhưng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, như khoảng cách phát triển giữa các địa phương không đồng đều, sản phẩm TMĐT của các địa phương nhiều khi trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau"- bà Oanh nói.
Cũng theo bà Oanh, trong số các vùng trong cả nước, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng. Các tỉnh trong khu vực này có chung bờ biển chiếm hơn 55% bờ biển cả nước, chung sự đa dạng về tài nguyên biển và tài nguyên rừng và được định hướng tập trung phát triển kinh tế biển.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế- Bộ Tài Chính, cũng cho rằng sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã mang lại những cơ hội kinh doanh mới. Đồng thời, đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý thuế.
Theo bà Anh, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống hay thương mại điện tử. Cả hai loại hình kinh doanh đều áp dụng mức thuế suất và nguyên tắc kê khai, nộp thuế giống nhau. Và, việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các Luật Thuế hiện hành.
Cũng theo bà Anh, hiện chuyển đổi số đã giúp cho việc khai thuế của người dân và doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Phấn đấu doanh thu qua thương mại điện tử 10,5 - 11%
Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030 trên 40% - 45% các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử.
Từ đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thương mại điện tử, như phối hợp các đơn vị có chuyên môn trên cả nước tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử...