Bám sát cơ sở, triển khai hiệu quả chính sách dân tộc
Cách đây 20 năm, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004 về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân các cấp. Ngày 13/8/2004, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 95/2004/QĐ-UB về việc thành lập Ban Dân tộc tỉnh và quyết định quy định về bộ máy làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã được hình thành với chức năng tham mưu tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Thời điểm thành lập, cơ quan Ban Dân tộc được UBND tỉnh bố trí 8 biên chế, với 3 đồng chí lãnh đạo và 5 cán bộ. Những ngày đầu thành lập, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; cùng sự cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công tác dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh được tổ chức, triển khai hiệu quả.
Ban Dân tộc được giao 21 biên chế, với 3 phòng chuyên môn. Hệ thống cơ quan dân tộc 12 huyện, thành phố hiện có trên 40 cán bộ, công chức. Ban luôn bám sát các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch được giao, chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn. Tích cực hướng về cơ sở, gần gũi đồng bào, tìm hiểu đời sống, sản xuất, đặc điểm, lịch sử, nguồn gốc của một số dân tộc thiểu số trong tỉnh để tham mưu, vận dụng linh hoạt triển khai, thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vào điều kiện thực tiễn của địa phương.
20 năm qua, tỉnh Sơn La được Chính phủ cấp trên 10.000 tỷ đồng, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, đầu tư, hỗ trợ phát triển đời sống, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc miền núi khó khăn của tỉnh. Hỗ trợ làm nhà ở cho 30.000 lượt hộ nghèo; đầu tư xây dựng trên 1.500 công trình nước sinh hoạt tập trung và nhiều công trình nước phân tán. Hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp cho hơn 40.000 lượt hộ nghèo, triển khai xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế với 35.000 hộ tham gia. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý chương trình chính sách dân tộc, kiến thức nông, lâm nghiệp cho cán bộ xã, bản, người sản xuất giỏi và dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Từ nguồn vốn các chương trình, chính sách và nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 3.000 công trình giao thông, điện, nhà lớp học, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà văn hóa...; xây dựng 25 điểm định canh, định cư tập trung ổn định sản xuất và đời sống cho 1.593 hộ, trên 5.000 nhân khẩu; tạo điều kiện cho 10.570 hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất; cấp miễn phí 19 loại báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã, bản vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới và các đồn, trạm biên phòng theo quy định; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn nghiệp vụ công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc trong toàn tỉnh, cho các trưởng bản vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới trên địa bàn toàn tỉnh...
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh còn theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, tái định cư các công trình thủy điện... cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu thực tiễn địa phương, chủ động đề xuất và xây dựng Đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp giải quyết tình hình di cư tự do của đồng bào Mông tỉnh Sơn La”; xây dựng Đề án “Hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Ha” trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Dự án “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh”; tham mưu cho tỉnh bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 17 xã biên giới. Rà soát xác định huyện, xã trọng điểm vùng dân tộc thiểu số của tỉnh trình Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh; thống kê người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh để phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, vận động đồng bào tiếp tục thực hiện công tác phòng chống ma túy, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Diện mạo nông nghiệp - nông thôn vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh đã và đang có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 57% năm 2005 xuống 14,17% năm 2024; 199/204 xã, phường, thị trấn có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 97,5% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có trụ sở làm việc, trạm y tế xã; 112/204 xã có chợ xã, liên xã; 96,85% bản có nhà văn hóa; 100% các trường học ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh ở các cấp học...
Ghi nhận kết quả đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013. Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen. Nhiều năm liền, Ban Dân tộc tỉnh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc.
Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung nâng cao chất lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc.
Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Thường xuyên bám nắm cơ sở, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.