Bám sát chỉ đạo và diễn tập thường xuyên để ứng phó với thiên tai

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT năm 2024 thiên tai đã làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.900 tỷ đồng.

Các đại biểu trong hội nghị quán triệt sâu sắc vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác chỉ đạo giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Các đại biểu trong hội nghị quán triệt sâu sắc vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác chỉ đạo giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (22/11), Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2024 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; từ đó tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những sáng kiến hay phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trước mắt cũng như lâu dài, hướng tới mục tiêu giữ vững an toàn đê điều trong mùa lũ, bão hàng năm.

Thiên tai ngày càng khốc liệt

Năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển. Thiên tai đã làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.900 tỷ đồng (năm 2023, thiên tai làm 169 chết và mất tích, thiệt hại 9.324 tỷ đồng).

Đặc biệt, bão số 3 (bão Yagi, từ 03-08/9/2024) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là cơn bão có cường độ rất mạnh (khi đổ bộ gió cấp 13-14, giật cấp 16-17), sức tàn phá rất lớn, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rất rộng; hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa (lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 9/2024 cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ 400-600mm, có nơi mưa trên 700mm,...).

Do mưa lớn đã xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn (từ ngày 8-15/9/2024) trên diện rộng (hầu hết các sông vượt mức báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên nhiều tuyến sông (sông Thao, sông Cầu, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý, sông Bùi); mực nước sông Hồng tại Hà Nội xấp xỉ mức báo động 3, cao nhất trong 20 năm gần đây, các trạm hạ nguồn trên mức báo động 3.

Các hồ chứa đã phải vận hành xả lũ, đặc biệt là hồ chứa Thác Bà có thời điểm lưu lượng lũ đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ, nguy cơ mất an toàn hồ chứa và đã phải tính đến phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Mưa lớn kéo dài cũng đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…

Thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở Bắc Bộ, là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết và mất tích, gây thiệt hại rất lớn về nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực, thông tin liên lạc, giao thông, y tế, giáo dục; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.700 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Vai trò then chốt của lãnh đạo địa phương trong ứng phó thiên tai

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác chỉ đạo giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thệt hại do bão số 3 vừa qua.

Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đối với hệ thống đê điều, chúng ta đã phải tập trung ứng phó, thực hiện công tác hộ đê với nhiều nỗ lực, cố gắng; đã phát hiện, xử lý kịp thời hơn 800 sự cố đê điều, giữ vững an toàn cho hệ thống đê, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Để đạt được kết quả này, trong chỉ đạo, điều hành ứng phó, hộ đê, các đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng, từ chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều đến huy động lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức xử lý các sự cố đê điều.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhìn nhận đợt mưa lũ vừa qua cũng bộc lộ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác hộ đê, xử lý sự cố, như: công tác đánh giá hiện trạng, xác định trọng điểm đê điều xung yếu có nơi còn chưa sát với thực tế; công tác tuần tra canh gác ở một số địa phương còn lơ là; kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sự cố, hộ đê của lực lượng tham gia ứng phó còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; tình trạng vi phạm lấn chiếm bãi sông làm giải khả năng thoát lũ của sông xảy ra ở nhiều địa phương,… Đây đều là những nội dung liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đê điều, chỉ đạo ứng phó, hộ đê trên địa bàn của các đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện.

Theo đó, sau cơn bão số 3 vừa qua thấy rằng những nơi thực hiện tốt chỉ đạo, cảnh báo về phòng, chống thiên tai của cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu thiệt hại rất tốt. Qua đợt mưa lũ vừa rồi bộc lộ nhiều vấn đề, vì vậy, cần tính toán lại mực nước báo động của các tuyến sông có đê; tính toán việc xử lý sự cố đê điều mang tính hệ thống và cần quan tâm đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống đê điều.

Từ những bài học rút ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung chính sau:

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Tập trung huy động các nguồn lực để sớm sửa chữa, khắc phục các sự cố, hư hỏng của đê điều do đợt lũ vừa qua (hoàn thành trước mùa lũ năm 2025).

Tổng kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn, rà soát, cập nhật, bổ khuyết các vị trí xung yếu và phương án bảo vệ sát với thực tế; trong đó lưu phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức/cá nhân.

Bảo vệ không gian thoát lũ, quản lý hành lang bảo vệ đê, bãi sông, lòng sông đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều và quy hoạch được duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Tổ chức diễn tập, đào tạo, nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó hộ đê, xử lý sự cố đê điều.

Chỉ đạo các xã ven đê định kỳ tổ chức phát quang đảm bảo yêu cầu công tác tuần tra canh gác, phát hiện sự cố và thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định.

Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo yêu cầu chống lũ theo tần suất thiết kế, nâng cao khả năng chống chịu với lũ lớn, dài ngày.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống đê điều.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bam-sat-chi-dao-va-dien-tap-thuong-xuyen-de-ung-pho-voi-thien-tai-102241122124231352.htm
Zalo