Bài văn tả bố 'là người rất giỏi' nhưng ai đọc xong cũng khuyên phụ huynh nên thay đổi
Bằng sự quan sát và ghi nhớ về bố của mình, bạn học sinh đã viết ra bài văn dài hơn 2 trang giấy. Câu nào câu nấy đều tả thật khiến ông bố đọc được phải cảm thấy ngượng ngùng.
Với các bạn nhỏ tiểu học, mỗi lần đến tiết tập làm văn, các bạn nhỏ đều háo hức vì không biết cô giáo sẽ ra đề bài gì, liệu có "trúng tủ" hay không? Có em thích viết về cảnh vật xung quanh, có em lại thích viết về các thành viên trong gia đình... Nhưng dù là bài văn nào, dù giọng văn ra sao, sự đáng yêu trong từng câu chữ của các em nhỏ luôn là điều khiến giáo viên và phụ huynh thích thú.
Trước đó, một bạn nhỏ từng gây ấn tượng với bài văn mở bài bằng cụm "nhà em có nuôi một chú bố". Tiếp đó, em học sinh tả ngoại hình, tính cách và những điều đặc biệt của "chú bố".
Nguyên văn bài văn này như sau:
"Ngày xửa ngày xưa nhà em có nuôi một chú bố. Chú bố em tên là Mạnh, nhưng mọi người không gọi bố Mạnh mà gọi là nghiện.
Bố Mạnh có hai cánh tay và hai cái mắt. Bố Mạnh cao hơn bằng một nửa cái giường hoặc hơn. Vì bố không biết nên thường nằm trên cái giường để xem mình dài mấy mét. Mẹ Mai hay quát bố suốt ngày nằm đo giường.
Bố Mạnh thích xem chương trình quay xổ số ở trên tivi, mỗi lần bố xem là hai mắt bố lồi ra. Hôm nào bố trúng đề bố lại cười to ơi là to.
Bố Mạnh là một người rất giỏi, xung quanh nhà em ai mất cái gì cũng đến hỏi bố. Nhà cô Linh mất xe đạp cũng sang hỏi bố em. Nhà bà Bích mất cái chậu cũng sang hỏi bố em.
Ai đến hỏi cũng tìm thấy đồ bị mất. Nhưng mẹ em mất tiền hỏi bố thì bố lại không tìm thấy, sau đó mẹ em lại đánh bố.
Bố Mạnh rất yêu thương các con. Bố Mạnh hứa với em là khi nào có tiền sẽ đưa em đi gặp chị T.N và anh T.B.B. thúi. Em cũng yêu bố nhiều”.


Bài văn "nhà em có nuôi một chú bố" gây chú ý trên mạng xã hội.
Có thể thấy, em học sinh đã miêu tả khá đầy đủ về bố Mạnh của mình. Thế nhưng, trong bài cũng không ít chi tiết "bóc phốt" các tật xấu của bố, chính vì thế, không ít cư dân mạng đã bày tỏ thắc mắc rằng, không biết ông bố này sẽ có cảm giác ra sao khi đọc được bài văn của con mình.
Bên cạnh đó, một bộ phận dân mạng khác cũng cho rằng, bài văn này không đơn thuần để phụ huynh và giáo viên đọc để giải trí nữa, bởi lẽ, bài văn phần nào phản ánh được môi trường không lành mạnh mà em học sinh đang sống. Điều này được thể hiện qua các chi tiết như: bố chơi lô đề, bố mẹ hay quát mắng nhau, ai mất đồ cũng sang tìm bố...
Rõ ràng, người bố trong bài văn này cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân nếu không muốn con cái bị ảnh hưởng xấu.
Trên thực tế, trẻ con như tờ giấy trắng và bố mẹ chính là người "vẽ" lên tờ giấy những nét mực ngay ngắn hay nguệch ngoạc. Trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lời ăn tiếng nói hằng ngày của phụ huynh, chính vì thế, bố mẹ muốn con phát triển toàn diện thì phải tạo cho con môi trường sống văn minh. Ngược lại, nếu bố mẹ chủ quan nghĩ rằng "trẻ con không biết gì" và cứ vô tư hành xử thiếu văn minh với nhau, về lâu về dài đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cách hành xử ấy.