Bài văn tả bố chỉ đạt 3 điểm, dân tình đọc xong liền phản đối giáo viên
Tả bố trong bài văn theo những gì mình quan sát thấy hằng ngày, em học sinh được cô giáo chấm chỉ 3 điểm.
Những bài văn tả bố mẹ, tả người thân hay con vật, đồ dùng yêu thích là những chủ đề thường thấy trong các bài văn của học sinh tiểu học. Vì các em còn nhỏ tuổi, suy nghĩ non nớt và ngây thơ, chính vì vậy, nhiều bài văn khiến giáo viên và phụ huynh phải cười ngất sau khi đọc nội dung.
Trước đó, một giáo viên từng bị ấn tượng bởi một bài văn tả về bố của một em học sinh nên đã chia sẻ lên mạng xã hội. Ngay sau khi xuất hiện, bài văn này cũng khiến dân tình bàn luận rôm rả bởi những chi tiết "bóc phốt" bố thẳng thừng.
Nguyên văn bài văn như sau:
"Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đ.S.T. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc, còn bố là người duy nhất không làm việc.
Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên, còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố chả dọn rồi lấy điện thoại chơi.
Em bé thế còn phải đút xoài cho bố. Từ nay em không làm ô-sin nữa.
Em rất yêu bố vừa vừa chứ không yêu lắm".
Qua bài văn này có thể thấy, em học sinh sau khi giới thiệu tên bố đã kể xấu bố liên tục. Những lời văn khá chân thật và có lẽ em đã chứng kiến những điều này bấy lâu nên mới nhớ kỹ như thế. Chính vì bố có nhiều tật xấu, thế nên cậu bé chỉ "yêu bố vừa vừa chứ không yêu lắm".
Cô giáo sau khi đọc bài văn này chỉ chấm 3 điểm, không những vậy, cô giáo còn viết lời phê: "Xem lại cách dùng từ cho phù hợp".
Còn cư dân mạng sau khi đọc bài văn này lại tỏ ra thích thú bởi em học sinh viết văn khá chân thật theo những gì mình quan sát được, viết theo mạch cảm xúc cá nhân nên khi đọc bài không bị khô cứng như văn mẫu. Đây là điều mà các giáo viên luôn khuyến khích các bạn nhỏ khi học môn Tập làm văn.
Do đó, việc cô giáo chấm 3 điểm khiến nhiều người không hài lòng và cho rằng cô chấm quá khắt khe với bạn nhỏ tiểu học này. Nhiều ý kiến gợi ý rằng, cô giáo nên chấm điểm cao hơn hoặc không chấm điểm bài văn này, thay vào đó, cô giáo sẽ lựa lời để hướng dẫn em học sinh viết lại bài văn cho hay hơn rồi chấm điểm sau cũng chưa muộn. Như vậy vừa giúp học trò đỡ tự ti vì điểm thấp, vừa giúp em thêm thích thú với môn học này.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, đằng sau tiếng cười, không chỉ ông bố của em học sinh này mà các phụ huynh khác cũng phải nhìn nhận lại bản thân. Các con luôn quan sát, ghi nhớ và sẽ bị ảnh hưởng bởi chính những lời nói, hành động thường ngày của mình. Do đó, để con học tập những điều hay lẽ phải, mỗi bố mẹ phải cố gắng điều chỉnh bản thân từ những điều nhỏ nhất và tạo cho con một môi trường sống văn minh, hạnh phúc.