Bài toán Syria không khó, quan trọng ở người giải

Trước mớ rối ren như hiện nay, Syria có thể đi chệch hướng theo nhiều cách và nhân tố có thể 'nắn chỉnh' đúng hướng chính là Mỹ.

Người dân Syria mong muốn một cái kết hòa bình cho mọi xung đột. (Nguồn: Atlantic Council)

Người dân Syria mong muốn một cái kết hòa bình cho mọi xung đột. (Nguồn: Atlantic Council)

Trong một phân tích gần đây trên Atlantic Council, chuyên gia Thomas S. Warrick, thành viên cấp cao không thường trú của Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng tình hình Syria có thể đi chệch hướng theo nhiều cách và nhân tố có thể "nắn chỉnh" đúng hướng chính là Mỹ. TG&VN lược dịch bài phân tích.

Quy luật "có tiền sẽ có quyền"

Với kinh nghiệm tham gia sâu vào nhiều nỗ lực lập kế hoạch hậu chiến trong nhiều thập kỷ, bao gồm các nỗ lực của Mỹ tại Iraq hậu xung đột, tôi cho rằng rất khó đoán định tình hình Syria hiện nay. Tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 16/12 rằng "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm giữ chìa khóa cho Syria" là một trong những nhận định thẳng thắn nhất của bất kỳ lãnh đạo Mỹ nào về Syria cho đến nay.

Với những gì đang diễn ra tại Syria, rất có thể đất nước này một lần nữa sẽ rơi vào hỗn loạn, dẫn đến khủng bố và nhiều cuộc giao tranh hơn và có thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột lớn khác ở Trung Đông trong vòng 15 năm tới. Mỹ cần phải điều hướng các bên can dự vào Syria để xoay chuyển tình thế.

Trong vài tháng tới, sẽ có một cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm chống lại Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad ở Damascus và miền Tây Syria. Trong sự hỗn loạn đó, các thế lực ủng hộ chế độ cũ và những nhân tố bên ngoài như Iran sẽ tìm cách quay trở lại Syria.

Một thực tế phải nhìn nhận ở Syria là bất kỳ nhóm nào có nhiều súng và kiểm soát nhiều tiền nhất sẽ có tiếng nói hàng đầu trong nền chính trị Syria. Do đó, người Syria sẽ không thể tự quyết định tương lai của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Đó là một lời cảnh báo, tuy nhiên, nếu được xử lý một cách sáng suốt và kế hoạch được “thiết kế” một cách bài bản cũng có thể mang đến kết quả tốt hơn cho người dân Syria, khu vực và các nước muốn có một nền hòa bình bền vững ở Trung Đông như Mỹ.

Hiện nay, nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nắm quyền trên thực tế của Syria và Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuận sẽ nỗ lực củng cố quyền lực để tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ Syria.

Ngoài ra, Iran và Hezbollah cũng sẽ cố gắng giành lại quyền lực thông qua chính trị để can dự sâu vào Syria. Lực lượng Quds của Iran - lực lượng bán quân sự và hoạt động bí mật ở nước ngoài có mối liên hệ sâu sắc với giới chính trị Syria. Thêm vào đó, Iran vẫn có các tuyến liên lạc trên bộ qua Iraq vào miền Đông Syria bằng cách sử dụng các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.

Không nên quyết một mình, hợp tác là cần thiết

Mỹ sẽ mất mát rất nhiều nếu các nhà lãnh đạo mới của Syria quay lại với chủ nghĩa khủng bố, nếu ISIS được phục hồi, hoặc nếu Iran và Hezbollah giành lại quyền lực ở Syria. Có một số cách để đảo chiều kịch bản này.

Một là, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các chính phủ Arab khác sẽ hỗ trợ các nhóm bên trong Syria, bất kể Mỹ có muốn hay không. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò chủ đạo.

Do vậy, Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình và chỉ ủng hộ đường hướng lãnh đạo Syria hòa bình với mục tiêu chung sống hòa bình với tất cả các nước láng giềng của Syria, không chỉ Israel và Lebanon mà còn quan trọng hơn là với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhóm không sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí này sẽ bị cắt sự hỗ trợ từ bên ngoài, bất kể họ đã nhận được sự hỗ trợ trước đó.

Hai là, Mỹ nên ưu tiên hàng đầu việc ngăn chặn Iran và Hezbollah trở thành những “người chơi” mới ở Syria hiện nay. Mỹ và các đồng minh cũng nên lưu ý tới việc phân phối viện trợ để viện trợ không bị rơi vào tầm kiểm soát của các phe phái chủ đạo. Gaza là một bài học khi Israel phàn nàn rằng Hamas kiểm soát việc phân phối và các băng nhóm tội phạm chặn các chuyến hàng viện trợ.

Ba là, nhóm nắm quyền trên thực tế hiện nay ở Syria - HTS nên được trao cơ hội để chứng minh rằng họ đã thay đổi và hành động quan trọng hơn lời nói. Mỹ cần có một kênh để truyền đạt cho giới lãnh đạo mới của Syria về những hành động có thể khiến Washington dừng hỗ trợ và nới lỏng lệnh trừng phạt. Đây là điều mà chính quyền lâm thời ở Syria, trong đó có Lãnh đạo HTS Ahmed al-Sharaa rất cần.

Bốn là, các chính phủ bên ngoài nên nỗ lực để cục diện chính trị ở Syria ổn định, tránh rơi vào tầm kiểm soát của các nhóm dân quân hoặc đảng phái riêng lẻ, để không lặp lại “vết xe đổ” từng diễn ra tại Iraq.

Bầu cử và chìa khóa

Năm là, bầu cử tự do ở Syria cũng không thể thành công trong một sớm một chiều. Mỹ không “mát tay” trong việc lựa chọn người thắng cử ở nước ngoài (Iraq và Afghanistan là những trường hợp điển hình) nhưng lại có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa ra các đường hướng lãnh đạo phát triển. Mỹ cần thận trọng trong việc ủng hộ người sẽ đứng đầu chính phủ chuyển tiếp ở Syria, tránh để tình trạng hỗn loạn trong nội bộ Syria hậu bầu cử.

Sáu là, hiện nay, còn quá sớm để dự đoán hệ thống bầu cử nào phù hợp nhất để kiến tạo một Syria hòa bình, ổn định, nhưng đây sẽ là quyết định vô cùng quan trọng, không nên chỉ để các chuyên gia bầu cử của Liên hợp quốc tham vấn.

Quá trình bầu cử ở Syria cần sự phân tích cẩn thận, không chỉ bởi các quan chức bầu cử trung lập mà còn bởi những người hiểu biết nhất về chính trị nội bộ của Syria. Vì vậy, Mỹ cần cân nhắc cùng với các đồng minh và Liên hợp quốc đảm bảo hệ thống bầu cử mang lại cho người dân Syria cơ hội tốt nhất cho một tương lai ổn định, hòa bình.

Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Lebanon có thể có lợi ích lớn hơn ở Syria so với Mỹ, nhưng một Syria hậu xung đột vẫn cực kỳ quan trọng đối với lợi ích của Mỹ. Một Syria ổn định có thể giúp Mỹ tránh được kịch bản phải can dự vào một cuộc xung đột ở Trung Đông trong tương lai. Việc mở rộng Hiệp định Abraham phụ thuộc một phần vào mối quan hệ tốt hơn giữa Israel và Syria.

Chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ quyết định liệu Syria có rơi vào tay thế lực khủng bố, Iran hay vướng vào một mớ hỗn loạn nào đó hay không. Cách phản ứng của Mỹ cũng sẽ góp phần trả lời câu hỏi liệu người dân Syria có thực sự có cơ hội tự quyết định con đường đi đến hòa bình, tái thiết và thịnh vượng hay không.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-toan-syria-khong-kho-quan-trong-o-nguoi-giai-298842.html
Zalo