Bài thơ 'Lời chào' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

Bài thơ 'Lời chào' của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được dùng làm ngữ liệu cho câu nghị luận văn học đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội

Giải thích: Thiên nhiên biến mất có phải là một cách "trả thù con người" là một câu hỏi nhức nhối, đặt ra một vấn đề khẩn thiết, đáng suy nghĩ về những hệ lụy mà con người sẽ phải gánh chịu khi thiên nhiên bị hủy hoại.

Sự biến mất của thế giới tự nhiên chính là cách thiên nhiên đáp trả những hành động hủy diệt của con người đối với nó.

Phân tích, chứng minh: Thiên nhiên lại biến mất vì con người, với sự thiếu hiểu biết, tham lam lợi ích vật chất đã hủy hoại, hủy diệt thiên nhiên.

Vì ở nhiều nơi, con người đã không bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên, coi thiên nhiên như kẻ thù, thiên nhiên phải phục vụ mình.

Vì thực tế cho thấy nhiều cảnh quan thiên nhiên đã biến mất, nhiều sinh vật đã tuyệt chủng, nhiều hình thái tự nhiên đã bị biến dạng.

Thiên nhiên biến mất có thể coi là một cách "trả thù con người" vì đó là một biểu hiện cho thấy phản ứng của thiên nhiên trước cách đối xử của con người với nó, là thông điệp đáng báo động về việc con người đã hủy diệt tự nhiên.

Thiên nhiên là yếu tố quan trọng tạo nên sự sống, cung cấp dưỡng chất, nguồn thức ăn, không gian sống… cho con người.

Thiên nhiên biến mất, con người sẽ không có môi trường để tồn tại, có thể dẫn đến nguy cơ diệt vong. Cho nên thiên nhiên biến mất là sự đáp trả nặng nề dành cho con người.

Bình luận: Với những hành động tàn phá, hủy diệt thiên nhiên, con người đúng là "kẻ thù" của tự nhiên. Vì thế, đến một lúc nào đó, việc thiên nhiên "trả thù" là tất yếu.

Thiên nhiên không phải là sinh thể sống như con người để chủ động thực hiện các kế hoạch "trả thù" với các công cụ, phương tiện vũ khí nhưng sự biến mất của thiên nhiên cũng có thể xem là cách thiên nhiên "trả thù" con người một chất gián tiếp.

Con người cần xem lại sự đối xử của mình với thế giới tự nhiên, cần quan tâm, bảo vệ gìn giữ thiên nhiên như chính cuộc sống của mình.

Nghị luận văn học

Giải thích: "Nhân vật trữ tình là người thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc trong bài thơ… Nhân vật trữ tình được thể hiện qua giọng điệu, cảm xúc, cách cảm,cách nghĩ".

Ý kiến trên đề cập đến một trong những đặc trưng nghệ thuật căn bản của thơ trữ tình, đó là nhân vật trữ tình.

Nhân vật trữ tình là chủ thể bộc lộ tình cảm, cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ trong bài thơ, khác với nhân vật trong thơ trữ tình – đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm, là nguồn cảm hứng của thi nhân.

Nhân vật trữ tình trong thơ không giống với nhân vật ở các thể loại văn học khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch (thường có diện mạo, tiểu sử, hành động, lời nói cụ thể). Trong thơ, nhân vật trữ tình hiện lên qua giọng điệu, cảm xúc, tình cảm, cách nghĩ,…

Phân tích, chứng minh: Trong bài "Lời chào", nhân vật trữ tình đã bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc về tuổi thơ, về cuộc sống con người.

Ví dụ khổ 1 là những nghĩ suy về sự chảy trôi của thời gian, sự trôi đi của một thời tuổi trẻ hồn nhiên, vô tư để rồi giờ nhìn lại mà ngỡ ngàng, bâng khuâng. Ngoảnh lại những năm tháng "không ngờ" của tuổi trẻ, trong nhân vật trữ tình dấy lên cảm xúc "xao xuyến" khó tả.

Nhân vật trữ tình được biểu hiện qua giọng điệu, cách cảm, cách nghĩ.

Giọng điệu: tự bạch, tâm tình (ta đi qua, ta lớn lên, ta nhận ra mình). Trữ tình, thiết tha, tình nghĩa (Biết ơn những cánh sẻ nâu, biết ơn mẹ, biết ơn trò chơi tuổi nhỏ).

Cách cảm, cách nghĩ: cảm nghĩ về quá khứ, về tuổi thơ qua những hình ảnh rất đỗi bình dị, thân thương, truyền thống (Bèo lục bình, nét chữ thiếu thời, phượng, cánh sẻ nâu, cọng rơm vàng,cánh diều tuổi thơ, mẹ,…)

Đan xen hai chiều cảm xúc, suy nghĩ, vừa hồi tưởng quá khứ, sống dậy tuổi thơ (Bèo lục bình mênh mang màu lục tím. Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông) vừa suy tư, chiêm nghiệm trong hiện tại (Nhưng chiều nay, một buổi chiều dữ dội. Ta nhận ra mình đang lớn khôn) để vừa trân trọng, nâng niu, nuối tiếc, vừa hiểu rõ hơn về những giá trị của hiện tại.

Bàn luận mở rộng: Nhân vật trữ tình thường là hiện thân của tác giả. Qua bài thơ, người đọc có thể thấy tâm hồn nhà thơ: giàu tình cảm, suy tư, sâu sắc, tình nghĩa.

Tuy nhân vật trữ tình thể hiện những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ mang màu sắc chủ quan, cá nhân nhưng vẫn phản ánh được thực tế khách quan của đời sống, tức gương mặt tinh thần của thời đại hoặc một tầng lớp, giai cấp trong xã hội.

Điều này làm nên ý nghĩa, tính chất điển hình của nhân vật trữ tình, cũng là điểm kết nối tạo nên sự đồng cảm, đồng điệu giữa tâm hồn nhà thơ và một bộ phận hoặc đông đảo độc giả.

Tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình xưng "ta" trong bài cho thấy đặc điểm chung trong tâm hồn của mỗi chúng ta khi bước qua thời niên thiếu, khi đã lớn khôn, trưởng thành, khi có những khoảnh khắc yên tĩnh giữa những bộn bề của cuộc sống, chợt nhớ về tuổi thơ.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bai-tho-loi-chao-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-179241013165239725.htm
Zalo