Bài thơ bí hiểm trong chiếc mâm 2 đáy

Với tài năng hơn người, Đào Duy Từ (1572 - 1634) - quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày nay - có nhiều cống hiến cho chính quyền Đàng Trong,

Đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: ITN.

Đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: ITN.

Đào Duy Từ được xem là “Khổng Minh” của triều Nguyễn. Bố ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều Lê - Trịnh.

Đổi họ đi thi

Một hôm, nhân lúc nổi hứng, Đào Tá Hán sáng tác bài thơ ca ngợi chúa Trịnh: “Trang quốc sử ai bằng Trịnh Kiểm/Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu/Thẳng đường rong ruổi vó câu/Phù Lê, diệt Mạc trước sau một lời...”.

Đó là một bài thơ hay, ca ngợi công lao của Trịnh Kiểm, người mở đầu cho cơ đồ của nhà Trịnh, nhưng bài thơ bị phạm “húy”. Theo luật lệ thời bấy giờ, không ai được nhắc đến “tên húy - tên cúng cơm” của vua – chúa, trong bất cứ lời nói hay văn bản nào. Nếu phạm húy sẽ bị xử phạt rất nặng.

Do đưa tên của Trịnh Kiểm vào bài thơ, Đào Tá Hán bị quy “phạm thượng”, bị phạt đánh 20 roi, đuổi về nhà làm thường dân.

Trở về quê, Đào Tá Hán đã đi theo một gánh hát để kiếm sống. Không lâu sau, ông trở thành kép hát tài giỏi, nổi tiếng khắp vùng.

Có lần, gánh hát đến diễn ở làng Ngọc Lâm, Đào Tá Hán trọ trong nhà vị Tiên chỉ của làng là Vũ Đàm. Ông Tiên chỉ có cô cháu gái là Vũ Thị Kim Chi đem lòng yêu Tá Hán. Hai người làm lễ thành hôn rồi dựng nhà ở Hoa Trai, sau hơn một năm thì sinh ra Đào Duy Từ.

Khi Duy Từ lên 5 tuổi, chẳng may Đào Tá Hán bị bệnh mất. Người mẹ chịu ở góa, một mình ngược xuôi tần tảo nuôi con ăn học.

Đào Duy Từ tỏ ra rất sáng dạ, ham mê đèn sách. Oái oăm là, theo luật lệ của triều đình bấy giờ, con cái những người làm nghề ca xướng đều không được thi cử.

Tiếc tài học của con, mẹ ông đã thu gom vay mượn tiền bạc đến đút lót cho viên xã trưởng họ Lưu, nhờ đổi họ Đào của con thành họ Vũ của mẹ để Từ được đi thi. Viên xã trưởng thấy người vợ góa của Đào Tá Hán còn nhan sắc nên nhận lời, nhưng ra điều kiện nếu xong việc phải lấy hắn làm vợ lẽ. Thương con, mẹ Đào Duy Từ đành phải chấp nhận.

Tại khoa thi Hương năm 1593, Đào Duy Từ đã đỗ Á nguyên (thứ hai), khi mới 21 tuổi. Tới kỳ thi Hội, bài thi Đào Duy Từ làm rất hay, nhưng có một điểm lập luận chưa vừa ý chúa, nên quan chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang còn cân nhắc.

Ở quê nhà, thấy việc đổi họ cho Từ đi thi đã trót lọt, viên xã trưởng đòi mẹ ông thực hiện giao ước tái giá về làm vợ mình. Do không muốn, bà cứ lần chần, chối khéo, với lý do con mới thi đỗ, mẹ làm thế sẽ khó coi... Viên xã trưởng tức giận, đem chuyện của Từ trình bày với tri huyện Ngọc Sơn.

Biết tin, triều đình truyền xuống chiếu xóa ngay tên Vũ Duy Từ, hủy bỏ bài thi, lột hết mũ áo được ban, bắt để tra xét. Đồng thời gửi trát về cho tri huyện trừng trị những kẻ liên đới.

Ở quê, mẹ Từ cũng không tránh khỏi sự truy xét. Bà vừa lo cho tính mạng của con, vừa oán giận sự khắc nghiệt, bất công nên đã tự tử. Đào Duy Từ biết tin mẹ mất, nhưng không được về chịu tang, thương cảm quá mà đổ bệnh phải nằm chữa trị hết mấy tháng.

 Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Thư viện Lịch sử.

Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Thư viện Lịch sử.

Bài thơ bí hiểm

Năm 1625, biết tin chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) ở Đàng Trong chiêu hiền, Đào Duy Từ khăn gói lên đường. Thời gian đầu, chưa có cơ hội yết kiến chúa, ông xin ở lại chăn trâu cho quan Khám lý Trần Đức Hòa ở Bình Định.

Sau khi được đọc tập “Ngọa Long Cương Vãn” của Đào Duy Từ, thấy được tầm nhìn và ý chí của ông, Trần Đức Hòa nhận Đào Duy Từ làm con nuôi. Được Trần Đức Hòa giới thiệu với chúa Sãi, chỉ qua một lần đối đáp, Đào Duy Từ nhận được sự tin tưởng và trở thành quân sư của chúa Nguyễn.

Từ đó về sau, những khi có việc chính sự quan trọng, chúa đều cho mời Đào Duy Từ để hỏi ý kiến, đàm đạo. Chính Đào Duy Từ là người đã đốc thúc việc rèn binh, cho quân đắp lũy Trường Dục, lũy Đồng Hới… những thành lũy kiên cố này đã giúp quân Nguyễn có thể phòng thủ vững chắc, bảo vệ được thành quả trước các đợt tấn công của quân Trịnh vào năm 1627.

Đào Duy Từ cũng tiến cử nhiều tướng giỏi khác vốn là người thân của ông như Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến (con rể), Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật (học trò), Phúc Kiều, Nguyễn Đình Hùng… Những người này đều được chúa Sãi hết lòng tin yêu và giao cho những chức vụ quan trọng.

Thấy thế lực đã đủ mạnh, chúa Sãi quyết định từ bỏ nộp thuế, tiến cống, tuyệt giao với Bắc Hà. Theo kế của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn cho làm chiếc mâm có 2 đáy để dâng cống, trên mâm ghi một bài thơ 4 câu rất bí hiểm:

Mâu nhi vô dịch

Mịch phi kiến tích

Ái lạc tâm trường

Lực lai tương địch”.

Khi nhận phẩm vật, chúa Trịnh thấy bài thơ khó hiểu, hỏi các quan trong triều không ai giải được nhưng vì không muốn sứ giả đánh giá thấp kiến thức triều đình Bắc Hà, chúa Trịnh vẫn cho khoản đãi và tiễn đoàn ra về như thường lệ, không hỏi gì. Sau khi đoàn sứ giả vừa rời khỏi Thăng Long, chúa Trịnh mới cho tìm người giỏi khắp xứ để giải bài thơ hiểm hóc, mới hiểu được ngụ ý của bài thơ là “Dư bất thụ sắc” nghĩa là “Ta không nhận sắc”.

Ngoài ra, vì thấy cái mâm dày, chúa Trịnh cho chẻ đôi ra. Quả nhiên thấy giữa mâm có đạo sắc phong cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ thành Thuận Quảng, do vua Lê ban trước đây, giờ chúa Nguyễn trả lại. Giận quá, chúa Trịnh sai quân lính đuổi theo sứ giả để bắt chém thị uy, nhưng sứ Trần Văn Khuông theo lời dặn của Đào Duy Từ vừa ra khỏi Thăng Long đã một mạch phi ngựa thẳng vào Nam, quân Trịnh không thể đuổi kịp.

Thấy chúa Nguyễn công khai tỏ ý bất phục, chúa Trịnh cảm thấy mối nguy đã lớn dần, không thể ngồi yên. Năm 1633, đích thân vua Lê chúa Trịnh kéo đại quân vào đánh chúa Sãi. Quân Đàng Trong, với tài năng của quân sư Đào Duy Từ, đã đánh lui quân Lê - Trịnh.

Có công giúp chúa Nguyễn từng bước thiết lập chính quyền vững chắc ở Đàng Trong, Đào Duy Từ được suy tôn là bậc công thần lớn nhất của 9 đời chúa, 13 đời vua Nguyễn. Năm 1634, ông qua đời ở tuổi 63, chúa Sãi vô cùng đau đớn, thương xót như mất đi cánh tay phải của mình.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-tho-bi-hiem-trong-chiec-mam-2-day-post695254.html
Zalo