Bài tham dự cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Tự hào vùng đất 'phượng hoàng đỏ'Bài cuối: Không ngừng vươn tới

'Giàu có' về lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, Đan Phượng đã vinh dự hai lần được đón danh hiệu Anh hùng và đang dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của Hà Nội.

Hiện tại, Đan Phượng đang tập trung các nguồn lực để xây dựng huyện trở thành quận văn minh, văn hiến, xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc xứ Đoài.

Trái ngọt từ nông thôn mới

Trên đất thành cổ Ô Diên thuở xưa, xã Hạ Mỗ hôm nay đã có nhiều đổi thay. Diện mạo làng quê ngày nào còn nghèo khó, dân cư thưa thớt, nay nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường được mở rộng thênh thang, trải nhựa phẳng lì. Khúc sông Nhuệ cổ nay được khôi phục, trở thành dòng chảy trong xanh uốn lượn, được kè bờ, dựng lan can tô đẹp bức tranh làng quê.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, đồng thời được công nhận là điểm du lịch của thành phố, hằng năm đón nhiều du khách tham quan...

Xã Hạ Mỗ nhìn từ trên cao. Ảnh: Khắc Hiển

Xã Hạ Mỗ nhìn từ trên cao. Ảnh: Khắc Hiển

Trong niềm vui đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng Nguyễn Đức Toàn chia sẻ, Liên Hồng đã huy động hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ. Trạm Y tế xã rộng khoảng 3.000m2, có 16 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia về y tế cơ sở với thiết bị hiện đại như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, máy khí dung, châm cứu… Toàn bộ các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được đổ bê tông hoặc trải nhựa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Các thôn đều có nhà văn hóa và khu vui chơi. Đặc biệt, xã có nghề mộc phát triển với 89 doanh nghiệp, 83 cơ sở sản xuất hiệu quả. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 75,6 triệu đồng/người/năm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng được đánh giá là “lá cờ đầu” của thành phố. Từ năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận nông thôn mới. Đến năm 2020, 15/15 xã của Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023 trở thành huyện đầu tiên của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã.

Chia sẻ cách làm, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho rằng, Đan Phượng có nhiều tài nguyên nhưng huyện xác định con người là nguồn tài nguyên vô giá, quan trọng nhất. Chính vì vậy, khi xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, huyện luôn chú trọng đầu tư cho giáo dục. Hiện tại, cả 55/55 trường của huyện đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường đạt chuẩn mức độ 2 chiếm hơn 70%.

Mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống người dân Đan Phượng đổi thay mỗi ngày. Ảnh: Mai Nguyễn

Mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống người dân Đan Phượng đổi thay mỗi ngày. Ảnh: Mai Nguyễn

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đan Phượng chú trọng đến cải tạo cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Thị Hiền, nhiều năm nay, huyện tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Cuộc thi được phát động đến cơ sở và 100% các thôn, tổ dân phố tham gia, tạo sự thi đua sôi nổi giữa các thôn, làng trong làm đẹp quê hương.

Ngoài ra, Đan Phượng có hơn 35km đê được cải tạo cảnh quan, trồng hoa, xây dựng tuyến đê kiểu mẫu theo hình thức xã hội hóa. Cảnh quan sạch đẹp, đó là yếu tố để thu hút người dân, du khách đến với địa phương. Năm 2023, Đan Phượng cũng “đi trước một bước” trong xây dựng “nông thôn số” bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số tới cơ sở, đến nay, 100% các thôn trên địa bàn huyện đã xây dựng được mô hình thôn thông minh, hướng đến xây dựng xã thông minh.

Bảo tồn, tôn vinh lịch sử, văn hóa xứ Đoài

Xây dựng nông thôn mới rồi tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu thành công. Đan Phượng đang hướng tới mục tiêu phát triển trở thành đô thị, xã thành phường, huyện thành quận. Tuy vậy, những giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc của vùng xứ Đoài vẫn được mỗi người dân, mỗi xóm làng trân trọng, lưu giữ.

Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Tân Hội, Tân Lập, Hồng Hà, Liên Hà... chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km và đang đô thị hóa nhanh. Song, không vì thế mà mất đi vẻ cổ kính, nếp làng bồi đắp từ hàng nghìn năm lịch sử. Ở Hạ Mỗ, xóm nào cũng có miếu thờ thổ thần, cả xã có 28 miếu thờ. Khi xưa, đây là nơi để các tuần phu nghỉ khi canh gác, trông coi việc làng. Ngày nay, miếu xóm vừa là nơi thờ thổ thần, vừa là nơi nhân dân hội họp và diễn ra tục “ăn xóm” hằng năm.

Nằm ven sông Đáy, làng Thọ Vực, xã Đồng Tháp thờ hai vị Thành hoàng làng Mộc Lạc Long Vương và Hà Bá Thủy quan. Hằng năm, làng có hai ngày lễ hội là ngày 10 tháng Ba âm lịch và ngày Lễ Kỳ Phúc hay còn gọi là "tiệc cơm cá" diễn ra vào các ngày 19, 20 tháng Tám âm lịch. Sở dĩ lễ Kỳ Phúc được gọi là "tiệc cơm cá" là bởi lễ vật chính dâng Thành hoàng làng vào ngày lễ là cá kho, cơm khuôn. Người dân Thọ Vực vốn làm chài lưới nên nghi lễ này là để cầu cho sông nhiều tôm cá, mùa màng tốt tươi, dân làng yên vui khỏe mạnh. Để chuẩn bị, trước lễ khoảng 10 ngày, nhân dân thôn Thọ Vực đi đánh những con cá chép to. “Tiệc cơm cá” ở làng Thọ Vực là nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo. Lễ vật dâng lên Thành hoàng làng là sản vật quý của nông nghiệp và thủy sản. Đây là nét độc đáo được làng Thọ Vực duy trì từ hàng trăm năm nay.

Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà). Ảnh: Mai Nguyễn

Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà). Ảnh: Mai Nguyễn

Thú chơi diều và lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội có từ lâu đời. Đây là lễ hội độc đáo có một không hai của Thủ đô, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, đầu năm 2024, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng của làng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Xã tiếp tục duy trì, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội…

Đan Phượng là vùng đất cổ có nhiều nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa. Hiện tại, huyện đang nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đây là cơ hội để Đan Phượng quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương phục vụ người dân trên địa bàn và du khách tham quan, trải nghiệm...

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến; xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Đoài. Huyện đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực, hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo bước đột phá cho phát triển.

Đan Phượng ngày càng phát triển. Ảnh: Khắc Hiển

Đan Phượng ngày càng phát triển. Ảnh: Khắc Hiển

Hòa chung vào chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Đan Phượng xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động. Đó là cuộc thi video giới thiệu nét đẹp văn hóa, lịch sử trên địa bàn các xã, thị trấn với chủ đề “Vẻ đẹp quê hương”; cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” huyện Đan Phượng năm 2024; cuộc thi Mô hình trang trí thôn cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện năm 2024; “Festival Văn hóa - ẩm thực - du lịch huyện Đan Phượng năm 2024”…

Với sự nỗ lực của toàn huyện trên nền tảng những giá trị lịch sử, văn hóa từ nghìn năm hội tụ, Đan Phượng đang cất cao đôi cánh góp phần rạng danh Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố Vì hòa bình!

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-tu-hao-vung-dat-phuong-hoang-do-bai-cuoi-khong-ngung-vuon-toi-671338.html
Zalo