Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào':Điện phố

Trước năm 1954, miền Bắc có các nhà máy điện ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Vinh (Nghệ An), Nam Định… nhưng công suất nhỏ. Lớn nhất là Nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội công suất đạt 22.500kW. Đây là nguồn chính cung cấp điện sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Hà Nội và một số vùng lân cận.

Phía sau Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh tư liệu

Phía sau Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh tư liệu

Thua trận Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva rút quân khỏi Việt Nam, nhưng đất nước tạm chia làm hai miền. Thấu hiểu điện và nước sạch vô cùng cần thiết với Hà Nội nên Bác Hồ căn dặn các đơn vị về tiếp quản Thủ đô.

Cảnh giác trước âm mưu của giới chủ có thể phá hủy các cơ sở sản xuất, công nhân nhiều nhà máy ở Hà Nội, trong đó có Nhà máy điện Yên Phụ đã đoàn kết đấu tranh với giới chủ, không cho tháo gỡ thiết bị, máy móc. Ngày 17-10-1954, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã họp để đánh giá, tổng kết công tác tiếp quản và đề ra những công việc trước mắt, trong đó nhiệm vụ cung cấp điện và nước được đặt lên hàng đầu.

Thời điểm đó, Hà Nội vẫn có điện song người dân không hề biết rằng, chủ nhà máy đã mang hết tài liệu kỹ thuật, quy trình vận hành cùng một số quản đốc, công nhân lành nghề di cư vào Nam, vì thế, việc vận hành phát điện trông chờ vào 3 kỹ sư Pháp. Nếu kéo dài thời gian phụ thuộc vào họ, nhà máy có thể sẽ mất an toàn nên các cán bộ tiếp quản cùng với công nhân ở lại khẩn trương tìm hiểu quy trình vận hành.

Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã nắm vững các khâu để tách 3 kỹ sư Pháp khỏi bộ phận trực tiếp điều khiển phát điện.

Hai tháng sau ngày tiếp quản, ngày 21-12-1954, Bác Hồ về thăm Nhà máy điện Yên Phụ. Động viên cán bộ, công nhân nhà máy, Người căn dặn phải tăng sản lượng điện, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện.

Nhà máy điện Yên Phụ kỷ niệm 30 năm ngày Bác Hồ về thăm và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1984). Ảnh tư liệu

Nhà máy điện Yên Phụ kỷ niệm 30 năm ngày Bác Hồ về thăm và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1984). Ảnh tư liệu

Nhận thức rõ điện vô cùng quan trọng để phát triển công nghiệp ở miền Bắc, từ năm 1956 đến 1960, miền Bắc đã xây dựng 5 nhà máy nhiệt điện mới có công suất 6-24MW. Ở Hà Nội, công việc cấp thiết lúc này là cải tạo lưới điện cũ nát, bổ sung thêm các trạm phân phối.

Một đêm năm 1962, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đứng trên sân thượng khu tập thể số 96 phố Huế, ông thấy thành phố lung linh ánh sáng điện. Ở phía Nam, công trường xây dựng khu tập thể Kim Liên lóe lên những ánh lửa hàn đã khiến ông bật cảm hứng sáng tác ca khúc “Những ánh sao đêm”. Thời kỳ này, văn học nghệ thuật được sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, câu "Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời/Bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng" xuất phát từ hiện thực cuộc sống. Giai đoạn này, đồ sử dụng điện chỉ có quạt máy và không phải nhà nào cũng có, dân số nội đô chỉ khoảng 490.000 người.

Miền Bắc được sống trong hòa bình 10 năm thì ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ đánh bom, bắt đầu thời kỳ cả nước có chiến tranh. Hà Nội vắng vẻ vì người dân sơ tán về các vùng quê, chỉ những người có nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu mới được ở lại. Những năm 1966 - 1967 và đầu năm 1968, khi còi báo động đêm ở Nhà hát Lớn hú lên và loa truyền thanh thông báo máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội là đèn điện phố vụt tắt. Bom nổ, cột đèn sắt có cần câu mắc bóng đèn tròn đổ xuống, song chỉ ít phút sau máy bay Mỹ bay xa, nhiều con phố thân yêu lại sáng đèn trở lại.

Từ năm 1964 đến tháng 4-1968, khi Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, các nhà máy điện ở miền Bắc đã hứng chịu 1.410 trận bom. Riêng Nhà máy điện Yên Phụ trong năm 1967 bị 5 trận bom, gây hư hỏng máy móc, nhưng mệnh lệnh “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” nên nhà máy nhanh chóng khắc phục để điện phố bừng sáng.

Cùng với cầu Long Biên, ánh sáng điện đã trở thành biểu tượng hiên ngang, không chịu khuất phục của Thủ đô Hà Nội trước sức mạnh của không quân Mỹ. Để bảo vệ nơi làm ra nguồn sáng, một trận địa pháo cao xạ được bố trí ở khu vực cuối hồ Trúc Bạch, trận địa tên lửa đặt ở Cổ Loa (huyện Đông Anh)... Trong nhà máy có đội tự vệ “sao vuông đầu mũ” bắn máy bay bằng súng phòng không 14 ly 5. Có giai đoạn quân đội áp dụng cả việc phun sương khiến phi công Mỹ không thấy mục tiêu, bổ nhào, cắt bom...

Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, từ tháng 4 đến cuối tháng 12-1972, Nhà máy điện Yên Phụ tiếp tục là mục tiêu đánh bom trọng yếu của Mỹ. Cuối tháng 12-1972, không quân Mỹ đã huy động tổng lực điên cuồng đánh phá hòng đưa Hà Nội và miền Bắc nói chung "trở về thời kỳ đồ đá". Ngày 21-12-1972, Nhà máy điện Yên Phụ trúng bom, máy móc đổ nát, hai công nhân ngã xuống khi đang vận hành nhưng tinh thần thép của cán bộ, công nhân nhà máy không gục ngã.

Ngày 27-1-1973, Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris rút quân khỏi Việt Nam, miền Bắc tạm thời hòa bình. Cán bộ, công nhân nhà máy bắt tay vào khắc phục, dòng điện từ đây lại truyền đi khắp thành phố. Đèn phố lại sáng, trở thành cảm hứng để nhạc sĩ Thái Cơ sáng tác ca khúc “Khi thành phố lên đèn”. Ca từ không bóng bẩy, là lời kể chân tình: “Khi màn đêm về là phố phường Thủ đô ta rực sáng/Đèn sáng Hồ Gươm soi bóng nước lung linh/Đèn sáng Ba Đình phơi hàng cỏ xanh xanh/Sương ngọc sáng long lanh soi tỏ bước quân hành”.

Tòa nhà Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông ngành Điện lực Việt Nam được xây dựng tại vị trí Nhà máy điện Yên Phụ xưa. Ảnh: EVN

Tòa nhà Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông ngành Điện lực Việt Nam được xây dựng tại vị trí Nhà máy điện Yên Phụ xưa. Ảnh: EVN

Sau ngày đất nước thống nhất, để khôi phục kinh tế sau chiến tranh nên sản lượng điện miền Bắc chủ yếu phục vụ sản xuất. Việc xây dựng lại một nhà máy bị đánh bom, cải tạo và làm mới hệ thống truyền tải cũ kỹ, xây thêm các trạm phân phối cần rất nhiều kinh phí, trong khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tiếp đó lại phải chiến đấu để bảo vệ bờ cõi ở biên giới Tây Nam và phía Bắc nên tình trạng điện sinh hoạt ở Hà Nội bị cắt đột ngột xảy ra thường xuyên. Tàu điện đang leng keng khựng lại giữa ngã tư vì mất điện, đèn tín hiệu giao thông bất chợt không có điện… Học sinh ôn thi chờ đến đêm, đèn đường sáng mang sách ra ngồi dưới học. Không chỉ bị cắt, những hộ gia đình ở cuối nguồn nếu không có máy tăng thế sẽ không thể chạy được quạt "con cóc". Điện không ổn định, tăng giảm thất thường đã khiến không ít gia đình hỏng ti vi - giá mấy chỉ vàng. Điện đường như đom đóm, công nhân đi làm ca ba đạp xe không thấy bóng mình.

Thời kỳ Hà Nội thiếu điện sinh hoạt kéo dài cho đến năm 1988, khi tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện. Cũng trong năm này, Nhà máy điện Yên Phụ dừng phát điện. Năm 1994, cả 8 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành đã chấm dứt tình trạng thiếu điện sinh hoạt.

Đất nước đổi mới, ngành Điện Hà Nội từng bước phát triển, từ thắp khoán đến thu biên lai và ngày nay là chuyển khoản. Nhiều tuyến phố đã hạ ngầm đường dây, nhiều trạm biến thế không cần phải ra tận nơi ngắt cầu dao có thể điều khiển từ xa. Khách hàng mất điện chỉ sau vài phút báo đã xuất hiện công nhân áo vàng đến xử lý sự cố. 70 năm sau ngày tiếp quản, Hà Nội có nhiều đổi thay nhưng với tôi thì ấn tượng nhất là lĩnh vực điện.

Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-dien-pho-673539.html
Zalo