Bài test rối loạn lưỡng cực chính xác
Những người nghi ngờ mình bị rối loạn lưỡng cực có thể tự làm các bài test ở nhà. Tuy nhiên, chỉ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý mới có thể đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp với từng cá nhân.
Rối loạn lưỡng cực (rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn hưng - trầm cảm) là rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con người. Biểu hiện đặc trưng của rối loạn này là các giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm (cảm xúc vui vẻ, hưng phấn quá mức) có hoặc không kèm theo trầm cảm (buồn chán, bi quan).
Rối loạn lưỡng cực gây khó khăn lớn cho người bệnh trong việc duy trì các chức năng sống tương ứng với năng lực bản thân cũng như khiến người bệnh đối mặt với nhiều thách thức trong kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ, hành động. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách (thuốc, liệu pháp tâm lý) và nhận sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Mọi người có thể xác định các dấu hiệu liên quan đến rối loạn lưỡng cực bằng bài quiz tự đánh giá sớm gồm 12 câu hỏi của Tiến sĩ Ivan K Goldberg. Bài test Goldberg được thiết kế để sàng lọc khả năng mắc chứng rối loạn lưỡng cực ở những người từ 18 tuổi trở lên, bài kiểm tra này giả định rằng họ từng bị ít nhất một đợt trầm cảm.
Kết quả chỉ được sử dụng như một thước đo, không thay thế được việc gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Các mức độ đánh giá bao gồm:
Không bao giờ: 0 điểm
Chỉ một chút: 1 điểm
Đôi khi: 2 điểm
Vừa phải: 3 điểm
Khá nhiều: 4 điểm
Rất nhiều: 5 điểm.
Bộ câu hỏi
1. Tôi nói nhiều và nhanh hơn bình thường.
2. Tôi năng động và làm việc nhiều hơn bình thường.
3. Tôi cảm thấy rất nhanh cáu kỉnh.
4. Tôi thấy phấn chấn và chán nản cùng lúc.
5. Tôi hứng thú với chuyện chăn gối rất nhiều.
6. Sự tự tin của tôi bắt đầu từ thiếu tự tin đến tự tin thái quá.
7. Đã có những thay đổi tuyệt vời về số lượng hoặc chất lượng công việc của tôi.
8. Đôi khi tôi tức giận không có lý do gì.
9. Tôi có những giai đoạn vô cùng lạc quan và cũng có giai đoạn bi quan.
10. Tôi có giai đoạn buồn tẻ và giai đoạn suy nghĩ sáng tạo.
11. Có lúc tôi rất muốn ở nơi đông người, có lúc lại chỉ muốn yên tĩnh với suy nghĩ của bản thân.
12. Tôi từng khóc và từng cười đùa quá mức.
Khi thực hiện xong bài test, bạn tiến hành cộng tổng số điểm của các câu hỏi và đối chiếu với kết quả dưới đây:
Từ 0-15 điểm: Có thể bạn đang trải qua trầm cảm nặng hoặc đơn cực
Từ 15-24 điểm: Bạn có biểu hiện trầm cảm nặng hoặc rối loạn trong phổ lưỡng cực
Từ 25 điểm trở lên: Bạn có biểu hiện rối loạn phổ lưỡng cực.
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đưa ra các dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị của bác sĩ như sau:
Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực
Giai đoạn hưng cảm
- Năng lượng tăng cao, hoạt động quá mức
- Cảm giác vui vẻ, hưng phấn, hoặc dễ bị kích động
- Giảm nhu cầu ngủ
- Nói nhiều, suy nghĩ nhanh
- Dễ mất tập trung
- Hành vi bốc đồng, liều lĩnh.
Giai đoạn trầm cảm
- Cảm giác buồn bã, chán nản
- Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày
- Thay đổi khẩu vị và giấc ngủ
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực
- Có ý tưởng tự sát.
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần chẩn đoán rối loạn lưỡng cực dựa trên các tiêu chí sau:
- Bệnh sử các triệu chứng của hưng cảm, trầm cảm
- Ảnh hưởng của diễn biến bệnh đến các chức năng làm việc, học tập hoặc các mối quan hệ
- Loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự
- Chẩn đoán các vấn đề bệnh lý kèm theo..
Điều trị rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực có xu hướng tiến triển mạn tính, nhưng có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.