Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54: Hóa thân thành đại dương

VietNamNet xin giới thiệu bài mẫu viết thư UPU với chủ đề: 'Tưởng tượng bạn là đại dương'. Trong bài viết này, độc giả hóa thân thành đại dương - mang những tâm tư, nỗi lo lắng về việc bảo vệ rùa biển.

Năm 2025, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Tiếng Anh là: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”.

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54:

Gửi những người bạn nhỏ trên khắp thế giới!

Tôi là đại dương, nơi những con sóng vỗ về bờ cát trắng và những cơn gió thì thầm kể chuyện từ ngàn xưa. Tôi đã chứng kiến hàng triệu năm lịch sử của loài người và vạn vật trên trái đất. Hôm nay, tôi muốn viết mấy dòng trải lòng với những người bạn nhỏ của mình.

Bạn yêu mến tôi là mái nhà yên bình cho hàng triệu sinh vật biển. Nhưng giờ đây, tôi lo lắng, đau buồn khi chứng kiến rùa biển - loài động vật quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bạn biết đó, tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển phân bố, bao gồm vích, quản đồng, đồi mồi dứa, đồi mồi, rùa da, trong đó, vích là loài có số lượng cá thể nhiều nhất, kể cả quần thể kiếm ăn và sinh sản. Các loài rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái, có giá trị khoa học cao, đem lại nguồn lợi cho cộng đồng từ các hoạt động du lịch. Người ta nói rằng, nơi nào có sự xuất hiện của rùa biển thì nơi đó sẽ có một hệ sinh thái khỏe mạnh.

Hầu hết trong vòng đời của rùa biển từ khi được sinh ra còn trong trứng đến lúc trưởng thành đều gặp rất nhiều mối đe dọa từ thiên nhiên và con người.

Đó là các hành vi xẻ thịt, mổ lấy trứng rùa; các hoạt động khai thác thủy sản bằng phương tiện đánh bắt công suất lớn, sử dụng ngành nghề mang tính hủy diệt như: Cào (lưới kéo), câu kiều, sử dụng kích điện, chất độc…đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của rùa biển.

Bên cạnh đó, rùa bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường do rác thải từ đại dương từ các hoạt động đánh bắt thủy sản. Những chiếc lưới, dụng cụ đánh bắt hỏng bị vứt đi hoặc rơi xuống biển làm rùa biển bị mắc lưới dẫn đến chết, đồng thời cũng làm ô nhiễm bãi đẻ của rùa biển.

Nếu hoạt động đánh bắt diễn ra dày đặc, rùa biển có thể bị dính lưới và chết. Ô nhiễm môi trường cũng là một yếu tố tác động lớn đến rùa biển. Theo các nghiên cứu trên thế giới, 90% rùa con ăn phải rác thải nhựa vì tưởng các mảnh nhựa là phù du hoặc thực vật, dẫn đến bị tắc ruột và chết.

Dù công tác bảo tồn rùa biển hiện đã được quan tâm, nhưng tình trạng săn bắt rùa và trộm trứng ngày càng diễn biến phức tạp.

Các sản phẩm từ rùa, trong đó có trứng rùa là những mặt hàng cấm lưu hành, nhưng vẫn bị săn bắt trái phép do lợi ích kinh tế cao.

Hiện nhiều đơn vị chức năng đã hành động để cứu rùa biển. Cụ thể, lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành nhiệm vụ cứu hộ rùa biển từ nhiều năm nay. Trong mùa cao điểm, ban ngày lực lượng thu dọn bãi cát, làm vệ sinh để rùa lên đẻ trứng. Ban đêm phải canh chờ rùa mẹ đẻ xong để thực hiện di dời trứng, đào hố ấp trứng. Sau đó là quá trình theo dõi để đón các ổ rùa con chào đời, thả rùa con về biển.

Đơn vị cũng triển khai tập huấn công tác quản lý, bảo tồn rùa biển cho lực lượng kiểm lâm và các viên chức liên quan; ra quân thay cát các hồ ấp trứng rùa; vệ sinh san lấp bãi cát, tạo thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng; kiểm tra các hoạt động quản lý liên quan đến bảo tồn rùa biển...

Tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, ban quản lý đã xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên cùng tham gia bảo vệ rùa biển.

Ban Quản lý đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn thì báo ngay cho lực lượng cứu hộ; xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận các cá thể rùa còn sống, đưa tới Khu Bảo tồn sinh vật biển của Vườn Quốc gia Núi Chúa cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi tái thả ra môi trường tự nhiên.

Để cứu rùa biển, bạn cũng có thể tuyên truyền người dân, các cơ sở kinh doanh không bày bán, phục vụ bất kỳ sản phẩm, món ăn nào từ rùa biển, đồng thời nỗ lực tuyên truyền, giúp các chủ cơ sở kinh doanh nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rùa biển hiện nay.

Một hoạt động quan trọng nữa là nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rùa biển. Trước đây, người dân thường bắt rùa và nhặt trứng rùa để làm thực phẩm nhưng nhiều năm trở lại đây hiện tượng này đã không còn. Trên cơ sở được tuyên truyền, hiểu biết, cộng đồng dân cư sẽ trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ loài sinh vật biển quý hiếm này, bạn nhé.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bai-mau-viet-thu-upu-lan-thu-54-hoa-than-thanh-dai-duong-2369375.html
Zalo