Bài học về phát huy vai trò của lãnh đạo của Đảng, sự chung sức, đồng lòng cả dân tộc đoàn kết, đồng lòng, khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Ngày 3-9-2024, sau khi vào Biển Đông, bão số 3 (Yagi) tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão). Trước những dự báo về tình hình cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta và sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Bắc, Đảng ta ngay lập tức chỉ đạo toàn diện công tác dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện qua việc huy động toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, sẻ chia để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đồng thời khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Chính trị và Chính phủ
Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm chỉ đạo cụ thể về các giải pháp khắc phục hậu quả. Tinh thần chỉ đạo được xác định là không được chủ quan, cần phải huy động tối đa nguồn lực để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện 5 mục tiêu chính trong công tác cứu hộ, gồm: Tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các nạn nhân, xử lý những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời và ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, thăm hỏi, động viên kịp thời, đưa ra các giải pháp ngay tại hiện trường. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả diễn biến tình hình, nhất là những diễn biến đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra như lũ ống, lũ quét, sập cầu, vỡ đê, vỡ đập…; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão tại Hải Phòng. Huy động nguồn lực toàn diện các cơ quan, lực lượng, đã hướng dẫn hơn 50.000 tàu cá về nơi tránh trú, tổ chức sơ tán khoảng 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, nhà yếu; sơ tán, di dời khoảng 80.000 hộ dân với trên 130.000 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn. Huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... đã tổ chức sơ tán dân kịp thời, đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn người. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ khẩn cấp cho các khu vực bị ngập lụt, sạt lở, đảm bảo người dân có nơi ở tạm thời và tiếp tục được cung cấp nhu yếu phẩm.
Công tác hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở cứu trợ khẩn cấp mà còn tập trung vào việc khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống lâu dài. Các địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà cửa do bão lũ, sạt lở đất. Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc xây dựng lại nhà cửa cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như bản Làng Nủ, Lào Cai. Ngoài ra, EVN đã nhanh chóng khôi phục điện cho hơn 5,98 triệu hộ gia đình, góp phần sớm ổn định đời sống cho người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng. Các lực lượng tiếp tục nỗ lực sửa chữa hệ thống hạ tầng như đường xá, cầu cống, và công trình công cộng để phục hồi giao thông và thông tin liên lạc.
Một vấn đề đáng quan tâm sau bão lũ là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bộ Y tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã kịp thời cấp phát thuốc và tổ chức các chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng. Các cơ sở y tế được chỉ đạo tăng cường lực lượng để đảm bảo sức khỏe cho người dân, đồng thời kiểm soát nguy cơ bệnh truyền nhiễm trong điều kiện môi trường ô nhiễm sau bão. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã nhanh chóng huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả bão lũ, bảo vệ an toàn cho người dân và khôi phục đời sống. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và địa phương, cùng tinh thần đoàn kết toàn dân, đã giúp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình.
Những bài học kinh nghiệm lớn từ bão số 3
Mặc dù bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta, song công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở,...do đó đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại.
Từ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học phát huy vai trò của lãnh đạo của Đảng, sự chung sức, đồng lòng cả dân tộc đoàn kết, đồng lòng, khắc phục hậu quả của bão số 3; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành, đồng thời công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh họa dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tương (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,…) để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Đồng thời đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là yếu tố rất quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Điển hình như Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.
Công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện trong tổ chức chỉ đạo, nhất là tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay, nếu không kịp thời có thể gây thiệt hại về người.
Lũ lớn, đặc biệt lớn làm nhiều tuyến đê bị tràn, sự cố. Tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý đê chuyên trách và sự chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án xử lý trọng điểm được xây dựng trước mùa mưa bão nên đã đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nhất là các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt bảo vệ khu vực đông dân cư, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, các địa phương đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực trong ứng phó; huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Tối 15-9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Chương trình truyền hình đặc biệt “Điểm tựa Việt Nam” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1, hướng đến người dân vùng lũ lụt, sạt lở đất phải gánh chịu hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra nhằm lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của nhân dân do hậu quả của bão lũ, động viên tinh thần kiên cường khắc phục khó khăn, sáng tạo và dũng cảm vì mục tiêu chung. Phát biểu trong chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”. Lời phát biểu ấy đã chạm đến lòng tự hào, tự tôn dân tộc của Nhân dân ta, nhờ có Đảng mà cuộc sống của Nhân dân luôn được đảm bảo trong điều kiện tốt nhất để đương đầu với mọi thử thách.
Từ khi thành lập đến nay, gần 95 năm qua, Đảng luôn khẳng định vai trò lãnh đạo, cầm quyền xuất sắc, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, dẫn dắt dân tộc ta giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng một Việt Nam phát triển, hùng cường. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, một giá trị cốt lõi mà Đảng luôn phát huy mạnh mẽ mọi lúc, mọi nơi đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp Đảng thành thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Nhân dân trao gửi.