Bài học từ việc vận động người dân tự nguyện trả lại đất rừng lấn chiếm

Sau một thời gian kiên trì vận động, đến nay đã có 129 hộ dân tự nguyện trả lại hơn 600ha đất rừng bị lấn chiếm ở Tiểu khu 267, 268 thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt đã hoàn thành công tác thu hồi đất mà không phải tổ chức cưỡng chế.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, vào tháng 12/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Công ty CP Địa ốc Thái Bình Phát thuê 714,37ha đất tại Tiểu khu 267, 268 thuộc địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp để thực hiện dự án đầu tư cải tạo rừng, khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, do thực hiện dự án không hiệu quả và doanh nghiệp để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi toàn bộ diện tích cho doanh nghiệp này thuê. Đồng thời, tỉnh giao UBND huyện Ea Súp quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận độngnên nhiều hộ dân ở Đắk Lắk đãtự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép để trả lại đất cho Nhà nước.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận độngnên nhiều hộ dân ở Đắk Lắk đãtự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép để trả lại đất cho Nhà nước.

Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, thống kê vào năm 2022 của Công an tỉnh Đắk Lắk cho thấy, có hơn 100 hộ dân đã lấn, chiếm, sử dụng trái phép hơn 500ha đất rừng tại hai Tiểu khu 267, 268 để trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày.

Ngoài ra, người dân còn xây dựng trái phép 59 công trình là những chòi rẫy, lán trại, nhà ở… trên các diện tích lấn chiếm. Các hộ này đa số từ nơi khác đến lập gia đình rồi ở tại địa phương. Đây cũng chính là các hộ đã lấn chiếm đất rừng để trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND huyện Ea Súp đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm ra các giải pháp tốt nhất, nhằm xử lý một cách hiệu quả tình trạng này. Bởi bà con cho rằng việc lấn chiếm đất rừng phần lớn là do không có đất sản xuất hoặc họ đã vay mượn tiền để đầu tư vào việc phá rừng lấy đất trồng cà phê, bây giờ không có tiền để trả nợ…

Mặt khác, cũng không thể loại trừ một số đối tượng cố tình lấn chiếm đất rừng để mua bán, sang tay đã lợi dụng vấn đề này để kích động, thậm chí khống chế một số bà con không trả lại đất rừng đã lấn chiếm, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Cùng thời gian này, trên địa bàn xuất hiện một số đơn thư lấy danh nghĩa các "già làng", tố cáo lãnh đạo chính quyền cơ sở không dân chủ, không công khai tài chính, bắt bà con đồng bào đóng nhiều loại thuế, phí… Đáng chú ý hơn đã xuất hiện hiện tượng chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc bản địa nơi đây, gây nên tình hình căng thẳng về an ninh trật tự tại địa phương.

Trước tình hình đó, Công an huyện Ea Súp đã báo cáo và xin chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo UBND huyện, xây dựng phương án vận động, tuyên truyền, thuyết phục bà con đồng bào dân tộc lấn chiếm đất rừng trả lại phần đất đã lấn chiếm cho Nhà nước, đồng thời ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Phương án được Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp phê duyệt với nội dung chủ yếu là vận động thuyết phục, động viên bà con một cách hợp lý, hợp tình. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước, kiên quyết không để những phần tử xấu lợi dụng kích động đồng bào gây rối trật tự.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc nhằm tạo niềm tin đồng thuận cao trong bà con, không để kẻ xấu kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết, biến nơi đây thành "điểm nóng" về trật tự, an ninh của tỉnh.

"Với phương châm tuyên truyền, thuyết phục là chính, Công an tỉnh đã huy động một số đội nghiệp vụ, đồng thời cử những trinh sát nhiều kinh nghiệm thành lập tổ công tác thường trực 24/24 giờ, trực tiếp bám địa bàn "cùng ăn, cùng ở" với bà con để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của mỗi người dân. Mặt khác, rà soát, phân loại đối tượng các hộ nghèo, các hộ thực sự không có đất để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ. Cũng qua việc làm này tiến hành phân loại những đối tượng có biểu hiện kích động bà con chống lại quyết định thu hồi đất rừng của Nhà nước để có biện pháp xử lý", Thiếu tướng Lê Vinh Quy chia sẻ.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, thời gian đầu khi triển khai nhiệm vụ, tổ công tác đã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ không tiếp, không cho anh em trong tổ công tác vào nhà, thậm chí có hộ còn có thái độ phản ứng tiêu cực. Nhưng các anh em vẫn kiên trì đến từng hộ, đeo bám từng người để vận động, thuyết phục bà con hiểu được chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên rừng là bảo vệ nguồn sống lâu dài cho con cháu của đồng bào.

Nhiều anh em trong tổ công tác đã không quản khó khăn, vất vả giúp đỡ con em đồng bào từ việc mua sách, đồ dùng học tập, mua quần áo mới để con em đồng bào dân tộc đến trường, đồng thời vận động, quyên góp được khá nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm các loại để giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất về an ninh, trật tự của địa phương, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã nhiều lần trực tiếp xuống địa bàn để nắm tâm tư, khó khăn của bà con và tháo gỡ những vướng mắc cụ thể để tham mưu cho lãnh đạo địa phương có biện pháp giải quyết kịp thời.

"Ðiểm nổi bật và cũng là kinh nghiệm cần phát huy trong việc vận động bà con dân tộc thiểu số ở xã Ea Bung trả lại đất rừng mà họ đã lấn chiếm cho Nhà nước đó là, anh em Công an đã biết tranh thủ sự giúp đỡ của các vị chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đồng thời biết phát huy hệ thống chính trị của xã.

Nhờ vậy, đến nay đã có 129 hộ dân, trong đó có nhiều hộ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với các hộ lấn chiếm đất rừng đã dần hiểu ra chủ trương, chính sách của Nhà nước đã tự nguyện giao trả hơn 600ha đất lấn chiếm trái phép mà không cần phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế", Thiếu tướng Quy nói.

Nói thêm về vấn đề trên, Bí thư Huyện ủy Ea Súp Bùi Hồng Quý chia sẻ, việc thu hồi hơn 600ha đất lấn chiếm tại Tiểu khu 267, 268, xã Ea Bung là phức tạp và khó khăn. "Với cuộc vận động, tuyên truyền kéo dài hơn 1 năm, hơn 600ha đất rừng bị lấn chiếm đã được bà con giao trả lại cho Nhà nước. Thành công này càng khẳng định sự lãnh đạo của chính quyền địa phương các cấp tỉnh Đắk Lắk cũng như sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của lãnh đạo Công an tỉnh rất đúng đắn, có hiệu quả, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Đây cũng sẽ là bài học thiết thực để các địa phương khác trong tỉnh cùng rút kinh nghiệm khi gặp các vụ việc tương tự", Bí thư Huyện ủy Ea Súp nói.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Ea Súp, hiện địa phương đang tiếp tục rà soát những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số không còn đất sản xuất nào khác để kiến nghị, đề xuất có cơ chế chính sách phù hợp, trong đó có tính đến chuyện cấp đất sản xuất. "Khi nào người dân có tư liệu sản xuất này họ sẽ không còn tư duy lấn chiếm đất trái phép", Bí thư Huyện ủy Ea Súp khẳng định.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bai-hoc-tu-viec-van-dong-nguoi-dan-tu-nguyen-tra-lai-dat-rung-lan-chiem-i756793/
Zalo