Bài học từ hai vụ kiện bảo hiểm lớn
Năm 2024, thị trường chứng kiến hai vụ tranh chấp bảo hiểm lớn liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp và công ty bảo hiểm.
2 vụ kiện, 4 bị cáo, 15 công ty bảo hiểm, 17 doanh nghiệp có liên quan
Vụ kiện đầu tiên liên quan đến 19 hợp đồng bảo hiểm. Vào cuối tháng 8/2024, tại Hải Phòng, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 4 bị cáo, gồm Vũ Thị Ngọc Hà (sinh năm 1987, tại Hải Phòng), Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987, tại Hải Phòng), Phan Thị Trang (vợ Khánh, sinh năm 1987, tại Hải Phòng) và Lê Đức Phong (sinh năm 1990, tại Bình Lục, Hà Nam, nghề nghiệp là nhân viên kinh doanh bảo hiểm của Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ).
Cụ thể, theo cáo trạng, có 16 công ty bảo hiểm liên quan đến việc các bị cáo Hà, Khánh tạo lập 27 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh. Các bị hại gồm 5 công ty bảo hiểm là Prudential, Dai-ichi Life, Hanwha Life, Bảo Việt Nhân thọ và FWD. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 9 công ty bảo hiểm là MVI Life, Bảo hiểm Bảo Việt, Cathay Life, Generali, Liberty, MB Ageas, Manulife, Bảo hiểm VietinBank và Sun Life.
Số luật sư bào chữa, số người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cũng như đương sự đông đảo hơn so với các vụ án về bảo hiểm trước đây. Trong đó, 7 luật sư bào chữa và 16 người làm chứng trong vụ xét xử này.
Cáo trạng nêu rõ, đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do các bị can vì động cơ vụ lợi cá nhân đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của công ty bảo hiểm, xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cơ quan, tổ chức; gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội, theo cáo trạng, là do các bị can chấp hành không nghiêm, lợi dụng sơ hở trong quá trình kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, dùng thủ đoạn gian dối để gian lận bảo hiểm. Chưa kể, nhân viên công ty bảo hiểm, nhân viên y tế của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… chưa tuân thủ đầy đủ quy trình nghiệp vụ cũng là điều kiện để các bị can phạm tội.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành bảo hiểm có một vụ án liên quan tới hình thức “gian lận bảo hiểm”. Năm 2022, thậm chí còn xảy ra vụ án hình sự giết người, đốt xác để gian lận bảo hiểm. Tuy nhiên, vụ án này nhận được chú ý đặc biệt vì liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, từ khách hàng và người thân, đại lý, nhân viên công ty bảo hiểm, công ty bảo hiểm… tới nhân viên y tế của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Vụ kiện thứ hai là vụ việc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh khởi kiện Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) do Vinafco từ chối bồi thường hàng hóa rơi xuống biển. Công ty Phương Anh yêu cầu bồi thường giá trị tài sản và lãi chậm trả đối với tổn thất 37 container bị rơi xuống biển, dẫn đến 45 xe ô tô bị mất tích và hư hỏng khi vận chuyển trên tàu MORNING VINAFCO ngày 22/12/2023 với số tiền gần 39 tỷ đồng. Bên có liên quan ở đây là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Trong vụ việc này, ngoài Công ty Phương Anh, còn có 15 doanh nghiệp khác bị thiệt hại, bao gồm Honda Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Pantos Việt Nam, Vận tải Trường Nam, Việt Phong, Tín Nghĩa, Diana Unicharm, Baosteel Việt Nam, Vận tải Hải An, Tân Đạt, Giấy An Hòa, Tiếp vận Thăng Long, Vinapaper, Cát Tường và Đạt Linh Hương.
Trên thị trường logistics Việt Nam, Công ty Phương Anh là một doanh nghiệp có thương hiệu, đã 14 năm mua bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt và là đối tác thân thiết của Vinafco từ những ngày đầu.
Tháng 9/2024, Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) đã yêu cầu Công ty Vinafco cung cấp bổ sung một số tài liệu liên quan tới hợp đồng bảo hiểm giữa công ty này và Bảo hiểm Bảo Việt; báo cáo giám định của Công ty cổ phần Giám định và Tư vấn Việt (Vietcontrol) là đơn vị giám định tổn thất. Cùng với đó, Tòa án đưa Bảo hiểm Bảo Việt tham gia vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bài học rút ra
Với vụ kiện 19 hợp đồng bảo hiểm, Tòa đã xét xử các bị cáo chịu phạt tù và phải bồi thường thiệt hại, trả tiền lại cho các công ty bị hại. Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, bài học đối với khách hàng trong vụ này là lời cảnh tỉnh cho người có định gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Không phải cứ làm hồ sơ bồi thường ẩu, sau này không được bồi thường, hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực là xong, là hết trách nhiệm, mà mọi hành vi gian dối, lừa đảo đều sẽ phải đối diện với việc chịu trách nhiệm hình sự.
Tại tòa, các luật sư xác định, ngoài các hành vi gian dối của các bị cáo, để xảy ra vụ việc còn do sự tắc trách của các công ty bảo hiểm vì đã bỏ qua một số khâu cần thiết, dẫn đến các hành vi phạm tội (Viện Kiểm soát đã đề cập rõ trong phần luận tội). Từ những câu chuyện gian lận bảo hiểm, các công ty bảo hiểm ngoài việc nâng cao ý thức và quy trình kiểm soát bán hàng, cũng cần hạn chế chạy theo doanh thu, thị phần, khiến rủi ro hoạt động tăng tương ứng. Ở vụ án này, mức độ và phạm vi vụ việc có thể coi là “án điểm” trong ngành và kết quả xét xử cần thiết gióng thêm một hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác bán hàng.
Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần giám sát, hướng dẫn đại lý bảo hiểm thực hiện đúng quy trình giao kết hợp đồng, không được bỏ sót khâu gặp khách hàng và giải thích các điều kiện, điều khoản. Đặc biệt là việc đại điện của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đưa khách hàng đi khám ban đầu không được tự ý giữ lại kết quả khám (hoặc cho khám lại).
Đối với vụ tổn thất 37 container bị rơi xuống biển, theo các chuyên gia trong ngành, cần triển khai các công việc đánh giá rủi ro “sau khi cấp đơn” đối với đối tượng bảo hiểm để đưa ra những đề xuất hạn chế tối đa rủi ro với khách hàng.
Liên quan tới cấp đơn bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I), tổng giám đốc một doanh nghiệp logistics cho biết, lâu nay, khâu đánh giá rủi ro, kiểm tra các trang thiết bị của tàu trước khi cấp đơn bảo hiểm còn sơ sài, nhất là với các hợp đồng bảo hiểm tái tục được ký nhiều năm, do đó dễ rơi vào tình cảnh cấp đơn bảo hiểm gấp, trong khi bên mua không am tường về bảo hiểm, chủ quan nên có thể gặp những lỗi dẫn đến sau này bị từ chối bảo hiểm. Bởi vậy, bên bán bảo hiểm cần kiểm tra các trang thiết bị của tàu, nếu đảm bảo theo yêu cầu thì mới cấp đơn bảo hiểm.
Còn theo luật sư Phạm Thị Giang, Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt, vụ 36 container hiện chưa có phán quyết của tòa nên chưa rõ trách nhiệm của các bên. Còn tại thời điểm này, bài học có thể rút ra là, ngay từ đầu, bên mua bảo hiểm cần thuê đơn vị tư vấn uy tín, có chuyên môn về bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, cũng như đưa ra ý kiến về các điểm loại trừ bảo hiểm để rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, tránh những sai sót, tranh chấp không đáng có.
Trong bối cảnh hiểu biết về bảo hiểm của người mua còn hạn chế, các chuyên gia cho rằng, việc đảm bảo đã được công ty bảo hiểm giải thích rõ về hậu quả của việc mua - bán bảo hiểm sai hay chưa là rất quan trọng để sớm ngăn ngừa sai phạm, tránh dẫn đến khi xảy ra rủi ro, chỉ có đại lý và khách hàng hứng chịu.
Đồng thời, cần xem xét các quy định hiện hành, cơ chế hoạt động, cơ sở hạ tầng tại các công ty bảo hiểm cũng như của ngành tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm đã đủ công cụ để giám sát, bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm (đại diện của công ty bảo hiểm) hay chưa; vai trò của lãnh đạo công ty bảo hiểm ở đâu khi có sai sót, tranh chấp xảy ra. Quan trọng nhất, mỗi khách hàng khi tham gia bảo hiểm cần có ý thức tự bảo vệ mình bằng việc chủ động tìm hiểu kỹ hoặc thuê đơn vị tư vấn viên chuyên nghiệp trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào.