Bài học từ cô học trò đặc biệt

Ngay từ bài kiểm tra đầu tiên, tôi đã ấn tượng với bài viết của em.

Hà My (giữa) cùng bạn và em nhỏ vùng cao.

Hà My (giữa) cùng bạn và em nhỏ vùng cao.

Bài viết giàu cảm xúc, đặc biệt, tôi ngạc nhiên trước những cảm nhận rất chín chắn, trưởng thành của một học trò vừa bước vào tuổi 16 như em.

Ấn tượng đặc biệt

Sau bài văn ấy, tôi chủ động gặp em để trao đổi và có nhã ý mời em vào đội tuyển học sinh giỏi. Tôi không bất ngờ khi em lưỡng lự: “Em viết văn bình thường mà! Lớp ta có nhiều bạn học giỏi hơn em sao thầy không chọn?”. Tôi cố thuyết phục em rằng, tôi đã đọc bài văn của em, nó rất ổn nhưng em vẫn không đồng ý.

Sau lần ấy, thêm vài lần nữa, tôi cố gắng thuyết phục nhưng đều bất thành. Tôi cảm thấy tiếc nuối khi những bài văn tiếp theo của em đều viết tốt. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, lập luận thuyết phục. Bài viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học, cảm thụ các vấn đề xã hội rất tốt. Một giọng văn nữ đầy cá tính là những gì em đã thể hiện trong các trang văn của mình.

Một hôm, khi gọi tên vào điểm, tôi mới phát hiện ra rằng có hai bạn tên My. Một bạn điểm cao, một bạn điểm thấp. Thì ra... tôi đã nhầm, người mà mình mấy lần thuyết phục vào đội tuyển là Trà My chứ không phải… Hà My. Nhưng cũng vì thế, tôi lại hy vọng Hà My sẽ chấp nhận vào đội tuyển nếu nhận được lời đề nghị của tôi.

Ngày 20/11, em đến gặp riêng và tặng tôi một bó hoa tươi thắm. Tôi hạnh phúc đón lấy bó hoa nhưng lại thấy phiền khi phát hiện trong bó hoa có một chiếc phong bì nhỏ. Tôi từ chối và trả lại cái phong bì cho em.

Tôi thấy em một thoáng bối rối nhưng rồi rất nhanh em đã nói: “Đây là tiền em kiếm được nhờ bán hàng online. Em quý thầy nhưng chưa nghĩ mua được gì tặng thầy nên… mong thầy nhận cho em vui!”. Tôi vẫn dứt khoát không nhận. Em lại nhanh nhảu “À, phải rồi, em đang cần mua một quyển sách văn tham khảo, hôm nào em nhờ thầy mua giúp em nhé!”. Nói dứt lời cô bé nở một nụ cười rồi chạy vút đi.

Ngọn lửa vừa nhen nhóm lên đã vụt tắt, tôi cứ nghĩ sẽ có một cô học trò xuất sắc về đội của mình nhưng… “Em không thể nói hết tâm tư tình cảm của em đối với thầy, nhưng từ đáy lòng em biết ơn thầy rất nhiều, thật sự cảm ơn thầy đã tiếp thêm năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho em. Không đồng ý đi ôn Ngữ văn, em rất áy náy, nhưng vì ngành nghề em lựa chọn không có môn học này, em cũng rất tiếc…”. Đó là những dòng thư em đã viết gửi tôi, dù buồn nhưng tôi hiểu và quý em hơn.

Năm ấy, em thi Tiếng Anh và đoạt giải Ba - giải thưởng mà học sinh nơi này nhiều năm qua đã không thể đạt được. Đó quả thật là thành tích đáng tự hào cho một ngôi trường mà môn Tiếng Anh vốn không phải là thế mạnh.

Dù không theo đội tuyển nhưng em vẫn giúp đỡ hai bạn tôi lựa chọn rất nhiều. Trong những giờ Văn tôi dạy, em vẫn say sưa nghe giảng, thi thoảng em tìm gặp tôi mượn một số quyển sách. Có lần biết tôi đau dạ dày, em mang biếu tôi một cân tinh bột nghệ, rồi còn dặn tôi chịu khó ăn cho nhanh hết bệnh.

Ngày chia tay lớp, em gửi tôi một bức thư, vẫn là những tình cảm chân thành, biết ơn, em viết: “Gửi thầy em quý mến và kính trọng! …Bình thường em hay nói vu vơ có khi làm thầy buồn lòng, mong thầy bỏ qua cho em. Những lúc như thế này, em không biết giãi bày như thế nào cho thầy hiểu cả… Em chỉ muốn nói, em biết ơn thầy rất nhiều. Thầy là một trong những giáo viên tâm huyết nhất em cảm nhận được.

Dù từ chối tham gia đội tuyển nhưng thầy vẫn nhiệt tình giúp đỡ em. Em thật sự cảm kích vì điều ấy… Nhiều điều muốn nói lắm nhưng em hơi ngại, chờ ngày em thành đạt về sẽ báo đáp thầy… Mong thầy ở lại mạnh khỏe (thầy dạo này nhìn hơi gầy), tiếp tục là người truyền lửa, truyền năng lượng cho các lứa học trò tiếp theo…”.

Năm đó, em đã thi đậu đúng ngôi trường em mong muốn “mục tiêu của em là vào lớp tiên tiến Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sư phạm là mong muốn của gia đình nhưng một phần em chọn cũng từ nguồn năng lượng tích cực từ thầy…”.

 Hà My (thứ 5 từ phải sang) cùng đồng nghiệp.

Hà My (thứ 5 từ phải sang) cùng đồng nghiệp.

Bài học về ứng xử

Vào đại học, ngoài học trên lớp, em làm gia sư, rồi Tết đến còn mua hoa từ Hà Nội về Nghệ An bán. Cô giáo Tuyết Vinh - một khách hàng của em nhận xét “Hà My buôn bán rất giữ chữ tín, giao hàng đúng hẹn và có cách giao tiếp rất nhẹ nhàng, tinh tế, nhiệt tình với khách. Ngoài ra, em ấy là người rất vui tính, cởi mở và dễ gần”. Chẳng biết lời lãi bao nhiêu nhưng tôi biết em đã trưởng thành hơn sau những lần “kinh doanh” tất tả như thế.

Vào đại học, ngoài học giỏi chuyên ngành, em còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa: Thành lập nhóm thiện nguyện đi dạy học, giúp đỡ các trẻ em khuyết tật, các bạn nhỏ ở vùng núi xa xôi. Nói về ý tưởng thành lập nhóm thiện nguyện, Hà My cho biết “Ý tưởng tham gia hoạt động tình nguyện của nhóm bắt nguồn từ mong muốn chung, đó là không chỉ muốn giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian học tập tại trường. Và rồi, chúng em quyết định tham gia tour du lịch tình nguyện của VEO tại Mai Châu”.

Ngoài hoạt động thiện nguyện, Hà My còn cùng với các bạn trong lớp tham gia một số dự án như tổ chức các sự kiện cũng như tham gia câu lạc bộ leo núi để thỏa ước mơ thăm thú thiên nhiên nơi núi rừng hoang sơ.

Giờ mỗi khi nhắc đến những học trò cũ với các em khóa sau, tôi vẫn thường tự hào nhắc tới tên em như là một biểu tượng cho lòng đam mê theo đuổi ước mơ cũng như những ứng xử rất chín chắn của em trong cuộc sống. Phải thành thực rằng, tôi là một thầy giáo hạnh phúc khi nhận được những bài học từ chính cô cậu học trò như em.

Ngọc Minh - thành viên của nhóm thiện nguyện cho biết “My không chỉ dạy các em nhỏ học tiếng Anh mà còn tổ chức những trò chơi thú vị. Bạn đã sáng tạo ra trò chơi “Học từ vựng qua bài hát” giúp các em được hát những bài hát tiếng Anh đơn giản và học từ mới một cách tự nhiên. Điều đặc biệt là My luôn dành thời gian lắng nghe những câu chuyện và tâm sự của các bé, tạo ra một không gian gần gũi và ấm áp, giúp các bé cảm thấy được quan tâm, yêu thương”.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc - Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-hoc-tu-co-hoc-tro-dac-biet-post713996.html
Zalo