Bài học sau vụ ẩu đả
Dư âm vụ ẩu đả trong đường hầm giữa hai cầu thủ Vũ Văn Sơn và Nguyễn Xuân Nam tại Giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025 đã đi qua, nhưng bài học để lại không chỉ dừng lại ở chuyện thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Hành vi phi thể thao
Một tuần trước, sau trận hòa 0-0 giữa Câu lạc bộ (CLB) PVF-CAND và Trẻ TP Hồ Chí Minh tại vòng 4 Giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025, vụ ẩu đả giữa cầu thủ hai đội đã xảy ra trong đường hầm sân Thống Nhất. Đoạn camera ghi lại tiền đạo Nguyễn Xuân Nam của PVF-CAND đã va chạm với Vũ Văn Sơn-trung vệ trẻ hơn mình 10 tuổi phía đối thủ. Xuân Nam là cầu thủ có hành động khiêu khích trước, nhưng chính anh lại chịu đòn “hồi mã thương” từ người đàn em dẫn tới chảy máu miệng.
Nút thắt ở câu chuyện nằm ở chính Xuân Nam và CLB chủ quản PVF-CAND. Cầu thủ 30 tuổi chia sẻ với giới truyền thông thông tin không chính xác. Anh khẳng định mình chờ Văn Sơn trong đường hầm để nói chuyện, sau khi liên tục nghe những lời lẽ thiếu văn hóa từ đối phương ngoài sân bóng. “Văn Sơn đấm tôi. Tôi không kịp phản ứng. Anh ta chạy đi còn vệ sĩ và đồng đội thì can tôi lại”, Xuân Nam nói. CLB PVF-CAND cũng liên tục khẳng định trên mạng xã hội rằng Xuân Nam đã bị Văn Sơn khiêu khích và có hành động không đẹp với đàn anh.
Thế nhưng, camera trích xuất trong đường hầm đã thông tin điều ngược lại. Theo đó, Xuân Nam chủ động đứng chờ Văn Sơn trong đường hầm, khi đội bóng của anh được ban tổ chức trận yêu cầu vào trong phòng thay đồ sớm hơn đội chủ nhà Trẻ TP Hồ Chí Minh, đã bắt đầu nguồn cơn vụ việc không mong muốn. Từ băng hình của camera, Xuân Nam mới là cầu thủ khiêu khích trước. Khi Văn Sơn đẩy anh ra, tiền đạo bên phía PVF-CAND lao vào muốn đánh người. Ngờ đâu, chính Xuân Nam mới là người chịu cú đấm phản đòn của Văn Sơn.
Nhưng ngoài việc chịu “tác động vật lý” không mong muốn, Xuân Nam lại hứng thêm cú phản công từ mạng xã hội. Thông tin ban đầu của anh đưa ra sai sự thật, khi camera trong đường hầm đã chứng minh điều ngược lại. Đoạn video này nhanh chóng được chia sẻ công khai trên mạng xã hội. Hiển nhiên, chia sẻ ban đầu của Xuân Nam vô hình trung lại khiến anh phải đọc những bình luận phản biện gay gắt từ cổ động viên.
Những bài học đắt giá
Câu chuyện kể trên hẳn nhiên là bài học đắt giá với Xuân Nam, khi anh chịu nhiều hậu quả từ những rắc rối mà bản thân là nguồn cơn. Chưa dừng lại ở đó, cầu thủ này cũng chịu án phạt treo giò 4 trận, cộng thêm mức phạt 20 triệu đồng từ Ban Kỷ luật-Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Văn Sơn cũng liên đới, khi anh đóng vai trò tác nhân trực tiếp dẫn tới ẩu đả trong đường hầm. Một mức phạt tương tự là cách mà Ban Kỷ luật của VFF chiếu theo quy định để xử lý những trường hợp trên.
Sau khi vụ việc xảy ra, PVF-CAND thay vì họp đội bóng chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, gửi lời xin lỗi đến công chúng thì lại liên tục khẳng định cầu thủ đội nhà đúng và kháng cáo đến cùng liên quan tới vụ việc. Điều này khiến PVF-CAND mất điểm nghiêm trọng trong mắt cổ động viên. Vụ ẩu đả được ghi lại rõ hình thông qua video. Mọi lời biện minh hay giải thích trước đó của Xuân Nam đều không đúng với những gì mà hình ảnh ghi lại. Sau cùng, PVF-CAND cũng đã phải xóa toàn bộ thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, kèm lời xin lỗi đến công chúng.
Câu chuyện xử lý khủng hoảng truyền thông bị xem là "cồng kềnh" là bài học đắt giá đối với đội bóng này. Thực tế, chuyện cầu thủ ẩu đả trên sân lẫn đường hầm xảy ra không ít trên bóng đá thế giới, ngay cả với những CLB nổi tiếng hay ở một số giải bóng đá hàng đầu châu Âu. Nhưng CLB chủ quản không đưa điều đó lên mạng xã hội. Họ lựa chọn đưa thông điệp dựa trên phát ngôn của huấn luyện viên trưởng hay cầu thủ ở những buổi phỏng vấn chính thức. Có chăng, một án kỷ luật nội bộ, không rùm beng sẽ được CLB đưa ra. Đó là cách ứng xử hợp lý nhất, văn hóa nhất và chuẩn mực nhất mà một đội bóng chuyên nghiệp cần có.