Bài học để đời

Đã nắm trong tay tấm vé lịch sử lần đầu tiên tham dự World Cup nhưng đội tuyển U.17 Việt Nam lại 'cầm vàng mà để vàng rơi' khi trận đấu chỉ còn 3 phút chính thức cuối cùng. Quá tiếc! Tuy vậy, điều nhận được từ cú hụt chân này cũng nhiều như cái mất.

Bóng đá Việt Nam đang sở hữu một lứa U.17 đầy tiềm năng.

Bóng đá Việt Nam đang sở hữu một lứa U.17 đầy tiềm năng.

Thẳng thắn mà nói, U.17 UAE không có gì đáng kể, ngoài sức mạnh thể chất. Nếu U.17 Việt Nam duy trì lối chơi như 45 phút của hiệp 1, khi chúng ta kiểm soát bóng 59% thời lượng, thực hiện 87% đường chuyền chính xác, tung ra 4 pha dứt điểm, trong đó 2 trúng đích và mang về một bàn thắng? Thay vào đó, huấn luyện viên (HLV) Cristiano Roland lại cho các học trò lùi về phòng ngự phản công quá sớm, nhường thế trận cho đối phương. Hệ quả là một bàn thua đến từ tình huống cố định cũng tưởng như không có gì nguy hiểm và cầu thủ nghĩ bóng đã đi hết biên ngang.

Với việc Australia bất ngờ đánh bại Nhật Bản ở trận đấu cùng giờ, kể từ bàn mở tỷ số của Duy Khang, U.17 Việt Nam thậm chí đã có 64 phút nắm giữ ngôi đầu bảng, nhưng chỉ một tích tắc thiếu tập trung phải rời giải với vị trí cuối cùng, cho dù hoàn toàn bất bại trên đất Saudi Arabia.

“Chúng tôi xứng đáng đi tiếp nhưng thất bại cũng là điều rất quan trọng. Các cầu thủ trẻ đã có kinh nghiệm quý giá trên đường phát triển sự nghiệp. Tôi muốn họ ngẩng cao đầu lên để hướng tới trở thành những cầu thủ lớn. Sau giải này, họ phải khát khao nhiều hơn, vì đây chính là tương lai của bóng đá Việt Nam” - HLV Roland nhắn nhủ các học trò.

Vâng, quyền của người trẻ là được phép mắc sai lầm và học hỏi từ chính những vấp ngã. 3 ngày trước đó, các cầu thủ U.17 Việt Nam nêu gương về tinh thần không buông bỏ, kiên trì đến cùng với bàn gỡ hòa trước Nhật Bản ở phút 90+6, thì cú bước hụt chân trước UAE là bài học để đời ở đầu sự nghiệp để lớn lên, trưởng thành.

Đã 9 năm, kể từ Giải U.19 châu Á 2016 mà thế hệ Quang Hải, Tiến Linh, Hồ Tấn Tài… vào bán kết, hành trình của một đội trẻ Việt Nam ở sân chơi châu lục mới được người hâm mộ quan tâm theo dõi đến thế. Cũng như thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn 9 năm trước, không nhiều kỳ vọng được đặt vào U.17 sau thành tích bết bát tại giải đấu khu vực (không thắng nổi U.16 Campuchia, thua U.16 Thái Lan ở bán kết và thất bại nặng nề 0-5 trước U.16 Indonesia trong trận tranh hạng ba), đến vòng chung kết U.17 châu Á lại vào bảng “tử thần”. Người lạc quan nhất cũng khó có thể nghĩ các cầu thủ trẻ lại chơi ngang ngửa, bất bại đầy cảm xúc trước Nhật Bản, Australia và suýt loại UAE.

Không có những cá nhân xuất sắc, nổi trội như Văn Quyến, Công Phượng, Quang Hải của thế hệ trước, nhưng bóng đá Việt Nam đang sở hữu một lứa U.17 rất đồng đều, chững chạc và đầy duy lý với ý thức tuân thủ chiến thuật kỷ luật. Tính từ năm 2024, lứa cầu thủ này đã thi đấu 18 trận với 50% chiến thắng, còn lại là 6 hòa và chỉ 3 thua, trong đó có 7 trận bất bại liên tiếp gần nhất dưới trướng của HLV người Brasil vô địch U.17 quốc gia (có 8 cầu thủ U.17 Hà Nội FC tại Saudi Arabia).

Dù mất vé dự World Cup nhưng từ vòng chung kết U.17 châu Á 2025, bóng đá Việt Nam đã có thu hoạch lớn. Những Hoa Xuân Tín, Việt Anh, Hồng Quang, Tấn Dũng, Hồng Phong, Việt Long, Văn Bách, Nguyễn Lực, Đức Duy, Văn Khánh, Gia Bảo, Thiên Phú… là tương lai lạc quan. Vấn đề là chúng ta sẽ có lộ trình, phương pháp mài giũa những viên ngọc thô tiềm năng này như thế nào để đến U.23, đội tuyển quốc gia vẫn có thể chơi ngang ngửa với Nhật Bản, Australia, UAE như ở sân chơi U.17 hôm nay. Các em cần được thi đấu, các câu lạc bộ cần tin tưởng cho ra sân nhiều hơn, VFF cần tiếp tục cho đội được tập huấn ở nước ngoài và tạo sự liên thông, bổ sung với đội tuyển U.19, U.20.

Với việc World Cup U.17 được tổ chức hàng năm, cơ hội bước ra vũ đài thế giới còn rất nhiều. Còn ý nghĩa hơn tấm vé đến Qatar, chính từ thất bại hôm nay sẽ hun đúc nên một thế hệ cầu thủ mới trưởng thành để chinh phục những giấc mơ lớn lao hơn.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202504/bai-hoc-de-doi-9f12d14/
Zalo