Bài học đắt giá trong vụ kiện thảm họa hàng hải ở Sri Lanka

Chính phủ mới của Sri Lanka do Tổng thống Anura Kumara Dissanayake đứng đầu, sẽ mở một cuộc điều tra về việc xử lý thảm họa tàu chở hàng MV X-Press Pearl khiến sinh vật biển dọc theo dải bờ biển của quốc đảo này 3 năm về trước bị tàn phá. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh có các cáo buộc về sai phạm liên quan đến sự việc này.

Khói bốc lên từ đám cháy trên tàu MV X-Press Pearl khi được kéo vào vùng biển thuộc cảng Colombo ở Sri Lanka hôm 2-6-2021

Khói bốc lên từ đám cháy trên tàu MV X-Press Pearl khi được kéo vào vùng biển thuộc cảng Colombo ở Sri Lanka hôm 2-6-2021

Vào tháng 5-2021, tàu hàng có đăng ký tại Singapore đã bốc cháy gần Negombo - một điểm du lịch nổi tiếng ngoài khơi bờ biển phía Tây Sri Lanka - làm tràn hàng tấn chất độc hại, trong đó có axit nitric và hạt vi nhựa, vào Ấn Độ Dương. Con tàu đang trên đường từ bang Gujarat của Ấn Độ đến thành phố Colombo của Sri Lanka. Axit nitric rò rỉ đã giết chết một số lượng lớn cá, rùa, các loài động vật có vú quanh vùng biển này, đồng thời tàn phá sinh kế của hơn 20.000 ngư dân. Ba năm sau vụ việc, người dân vẫn đang chờ đợi công lý, ít nhất là được giải trình và bồi thường. Chính phủ của tân Tổng thống Dissanayake hiện có kế hoạch điều tra vụ việc sau khi cuộc bầu cử Quốc hội kết thúc vào ngày 14-11. Đảng Quyền lực nhân dân (NPP) của ông dự kiến sẽ giành chiến thắng. “Có rất nhiều cáo buộc về thảm họa X-Press Pearl. Cá nhân tôi cam kết tìm ra sự thật. Chúng tôi sẽ không bỏ sót bất kỳ điều gì” - ông Vijitha Herath, Bộ trưởng An ninh công cộng của Sri Lanka chia sẻ với phóng viên Al Jazeera và Watershed Investigations (một tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh).

Tàu X-Press Pearl chở gần 1.680 tấn hạt nhựa và đến 3 năm sau, nhiều người dân Sri Lanka vẫn tiếp tục thu gom được các hạt nhựa trên biển

Tàu X-Press Pearl chở gần 1.680 tấn hạt nhựa và đến 3 năm sau, nhiều người dân Sri Lanka vẫn tiếp tục thu gom được các hạt nhựa trên biển

Dấu hiệu đáng ngờ quanh việc đòi bồi thường

Dựa trên ước tính của một ủy ban gồm 40 thành viên gồm các chuyên gia do Cơ quan Bảo vệ môi trường biển Sri Lanka (MEPA) được thành lập ngay sau thảm họa, nước này yêu cầu London P&I Club (công ty bảo hiểm cho tàu X-Press Pearl, có trụ sở tại Vương quốc Anh) bồi thường cho thiệt hại về thảm họa môi trường số tiền 6,4 tỷ USD. Vụ kiện đã được đệ trình tại Singapore vào tháng 4-2023.

Vào tháng 9 năm nay, báo cáo của một Ủy ban Quốc hội được thành lập để điều tra việc xử lý thảm họa cho biết, cho đến nay Sri Lanka đã nhận được gần 12,5 triệu USD từ London P&I Club. Ngoài ra, trong 3 năm qua, MEPA đã nhận được 3,5 triệu rupee (11.945 USD), trong khi Bộ Thủy sản và Tài nguyên nước đã nhận khoảng 3 tỷ rupee (10,5 triệu USD) từ London P&I Club. Tuy nhiên, tất cả đều bằng tiền tệ địa phương, làm dấy lên nghi ngờ về tham nhũng khiến chính phủ mới quyết định vào cuộc điều tra.

Bà Darshani Lahandapura - cựu Giám đốc MEPA cho biết, cơ quan của bà đã chịu áp lực của chính phủ để chấp nhận các khoản bồi thường bằng đồng nội tệ vào thời điểm đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất khi lạm phát tăng vọt và đồng rupee Sri Lanka mất giá. Khi đề nghị trả tiền bồi thường bằng đồng nội tệ, phía chủ tàu và công ty bảo hiểm có vẻ như cố gắng lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế và sự ủng hộ của quan chức chính phủ để tán thành việc đó. Đáng nói, giá trị của đồng rupee Sri Lanka đã giảm gần 50% so với đồng USD vào năm 2022 khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu. Bà Lahandapura nói thêm, bà đã “kiên quyết phản đối” việc chấp nhận thanh toán bằng đồng rupee vì có thể gây ra rủi ro rửa tiền, nhưng công ty bảo hiểm vẫn thực hiện thanh toán.

Bên cạnh đó là sự chậm trễ trong việc yêu cầu bồi thường. Báo cáo của Ủy ban Quốc hội Sri Lanka kết luận rằng, thảm họa “đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong khả năng ngăn ngừa và quản lý các sự cố ô nhiễm hàng hải của quốc gia”. Hơn nữa, vụ kiện đòi bồi thường từ London P&I Club đã được chính quyền Sri Lanka xử lý trong 23 tháng sau khi xảy ra thảm họa và được đưa ra chỉ vài ngày trước khi hết thời hạn theo luật quốc tế (là yêu cầu bồi thường đối với tai nạn hàng hải phải được thực hiện trong vòng 2 năm kể từ ngày xảy ra sự cố). Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông Wijeyadasa Rajapakshe đã đổ lỗi cho MEPA về sự chậm trễ trong việc đệ trình đơn kiện, nói rằng cơ quan hàng hải đã nộp báo cáo tác động môi trường muộn.

Sự cố xảy ra cách bờ biển khoảng 17,6km, con tàu cháy như quả cầu lửa dẫn đến lệnh cấm đánh bắt cá trong nhiều ngày

Sự cố xảy ra cách bờ biển khoảng 17,6km, con tàu cháy như quả cầu lửa dẫn đến lệnh cấm đánh bắt cá trong nhiều ngày

“Giá đắt” khi lựa chọn khởi kiện ở Singapore?

Một vấn đề gây tranh cãi khác có khả năng được điều tra là vụ kiện bồi thường sẽ được xét xử tại Singapore (nơi con tàu được đăng ký) thay vì Sri Lanka (nơi xảy ra tai nạn). Đã có nhiều khuyến nghị là nên giải quyết vụ kiện pháp lý tại Sri Lanka. “Những gì chúng tôi đề xuất là khởi kiện tại Sri Lanka. Tuy nhiên, quyết định nộp đơn kiện tại Singapore của Bộ trưởng Tư pháp đặt ra những câu hỏi nghiêm túc rằng, quyết định đó đã cân nhắc đến tất cả các tình huống xung quanh, đặc biệt là liên quan đến hậu quả hay chưa?” - ông Dan Malika Gunasekara, một chuyên gia pháp lý do MEPA chỉ định, nói.

Được biết, London P&I Club đã bày tỏ lo ngại về việc đến Sri Lanka xử kiện do vấn đề an ninh và muốn tham gia các cuộc đàm phán về khoản bồi thường tại Singapore. Ông Wijeyadasa Rajapakshe - Bộ trưởng Tư pháp Sri Lanka khi đó, cũng bảo vệ việc lựa chọn Singapore để giải quyết vấn đề này. “Singapore là nơi có hàng nghìn công ty vận chuyển và không công ty nào muốn mạo hiểm gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của mình bằng cách phớt lờ phán quyết của tòa án Singapore” - ông nói với Al Jazeera, đồng thời cho biết thêm, quyết định này được đưa ra sau khi có lời khuyên từ một công ty luật của Australia. Trong mọi trường hợp, có thể sẽ rất khó để tòa án Sri Lanka thực thi phán quyết đối với một công ty của Anh.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích quyết định chuyển vụ kiện sang Singapore đã khiến Chính phủ Sri Lanka phải trả giá đắt. Ông Asela Rekawa - Giám đốc MEPA (người kế nhiệm bà Lahandapura) cho biết, ban đầu nội các ước tính chi phí pháp lý tại Singapore là 4,2 triệu USD, nhưng sau đó đã được sửa đổi và hiện đã phân bổ 10 triệu USD cho Bộ Tư pháp. Hơn nữa, Singapore là bên ký kết Công ước về giới hạn trách nhiệm đối với các khiếu nại hàng hải (Công ước LLMC), nên khoản bồi thường có thể bị giới hạn ở mức khoảng 24,7 triệu USD. Vì Chính phủ Sri Lanka đã ước tính chi phí pháp lý có thể lên tới 10 triệu USD nên nếu thắng kiện, họ chỉ còn lại khoảng 14 triệu USD cho việc dọn dẹp và bồi thường.

Thực tế, ngay như cơ quan chuyên về nghiên cứu khoa học như MEPA về sau đã được thông báo là Nhà nước đã hết dự trữ ngoại tệ nên quỹ hỗ trợ dành cho công việc của họ rất hạn chế. Còn theo Bộ Thủy sản Sri Lanka, gần 20.000 ngư dân đã được bồi thường tổng cộng gần 10 triệu USD, nhưng một lãnh đạo của công đoàn đánh cá cho biết, số tiền đó là không đủ. “Các ngư dân nhận được số tiền khác nhau tùy theo khu vực, từ 10.000 rupee (tương đương 66 USD) đến 270.000 rupee (900 USD), nhưng một số người đã phải nộp đơn kháng cáo trong khi gần 2.000 ngư dân “gián tiếp” vẫn đang hy vọng nhận được bồi thường” - ông Roger Peiris, lãnh đạo của một công đoàn đánh cá đề cập đến những người cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của thảm họa môi trường (là những người bán cá, chủ thuyền hoặc người làm cá khô). “Tôi thậm chí không coi đây là khoản bồi thường mà chỉ là hỗ trợ thu nhập tức thời. Bồi thường cho ngư dân là vấn đề cần được thảo luận riêng. Ngư dân sẽ chỉ nhận được khoản bồi thường thỏa đáng sau khi các vấn đề pháp lý kết thúc” - ông ông Roger Peiris khẳng định.

Theo Al Jazeera

Yến Chi

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-hoc-dat-gia-trong-vu-kien-tham-hoa-hang-hai-o-sri-lanka-post594343.antd
Zalo