Bài cuối: Những đồng vốn gieo niềm hy vọng

Được biết, trong những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn các giải pháp khắc phục hậu quả do bão, theo từng ngành nghề cụ thể.

Đồng hành, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp

Từ hôm bão Yagi đổ bộ đến nay, ngày nào ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn cũng ra biển. “Đây là lúc cần động viên kịp thời, tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; bảo vệ phần tài sản còn lại của người dân, giúp người dân khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân” - ông Hùng nói.

Người dân khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 để tái sản xuất.

Người dân khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 để tái sản xuất.

Được biết, trong những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn các giải pháp khắc phục hậu quả do bão, theo từng ngành nghề cụ thể. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, tỉnh đã lập các tổ công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình, động viên bà con ngư dân từng bước phục hồi hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Ninh bố trí lực lượng bảo vệ tài sản còn lại của bà con, phòng ngừa tình trạng hôi của, trục lợi tài sản của người dân.

Đối với thiệt hại về rừng, tại cuộc họp diễn ra vào chiều 19/9, sau khi nghe ý kiến từ các ngành, địa phương trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu tập trung ngay việc hỗ trợ người dân thu gom cây gỗ, giải tỏa giao thông để vận chuyển và vận động các doanh nghiệp liên quan đẩy mạnh thu mua chế biến, tiêu thụ gỗ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Công an tỉnh Quảng Ninh bố trí các giải pháp an toàn các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở để tạo điều kiện cho bà con thu gom gỗ, đồng thời phòng ngừa cháy rừng khi cây lá đã hư hại khô héo. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, lá lành đùm lá rách; lá rách ít đùm lá rách nhiều; hỗ trợ tối đa cho người dân.

Tương tự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động, tích cực phối hợp cùng với địa phương đánh giá tình hình thiệt hại sau bão. Đồng thời tập trung tối đa nhân lực, vật lực, nguồn lực khôi phục hoạt động ngay tại các vùng thiệt hại có thể khắc phục. Sở NN&PTNT Hải Phòng cũng đã chủ động chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt rau giống, cây giống, con giống để sẵn sàng phục vụ cho sản xuất trở lại. Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân, hiện UBND TP Hải Phòng đang chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương trên địa bàn tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại chi tiết hơn, nhất là đối với hoạt động nuôi thả thủy sản để xây dựng kế hoạch hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện để bà con có thể quay trở lại phát triển sản xuất trong thời gian ngắn nhất. UBND TP Hải Phòng đã đề xuất nghiên cứu ủy thác nguồn vốn đầu tư công ngân sách địa phương cho Ngân hàng chính sách xã hội để các doanh nghiệp, hộ dân vay vốn phục hồi sản xuất, song song với xem xét khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ đối với các đối tượng vay bị thiệt hại nặng. Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, trước mắt thành phố dự kiến kinh phí hơn 1.380 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, trong đó có sản xuất nông nghiệp.

Khối lượng công việc giải quyết hậu quả là rất nhiều, trước mắt là giải tỏa những phế thải do bão để lại như cây cối đổ, nhà cửa, trang thiết bị vật tư, tư liệu sản xuất bị hủy hoại đã thành phế liệu, đi đôi với bảo đảm vệ sinh môi trường. Giải pháp hỗ trợ để đảm bảo xác đáng, công bằng cũng là vấn đề, khi lâu nay trong hoạt động đầu tư, việc kê khai nguồn đầu tư, mua sắm con giống, trang bị, vật tư cũng chưa được bà con thể hiện bằng chứng từ, văn bản để làm cơ sở chứng minh thiệt hại. Được biết, trước thiệt hại do bão gây ra, cả TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đều đã có văn bản gửi các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại. Các biện pháp cụ thể được đề xuất là khoanh nợ, giảm lãi suất, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp... cùng các chính sách về miễn giảm thuế, phí nghĩa vụ tài chính, bảo hiểm... với cơ chế áp dụng tối đa.

Bên cạnh đó, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổng hợp kiến nghị, đề xuất Chính phủ các chính sách cần hỗ trợ như: Mở rộng đối tượng hỗ trợ được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…

Ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, với ngành ngân hàng, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là hơn 100.000 tỷ đồng. Đến nay một số ngân hàng thương mại đã thống nhất chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền đối với khách hàng trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh và các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Cụ thể tính đến ngày 20/9, đã có 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và hàng chục ngân hàng tư nhân vào cuộc triển khai các chính sách hỗ trợ như: điều chỉnh giảm lãi suất; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn…

Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng dao động từ 6,3-7,8%. Với mức giảm 0,5-2% lãi vay một năm từ phía các nhà băng, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão Yagi có nguồn lực phục hồi sản xuất, làm ăn, từ đó có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, lúc này "ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp". Trước đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi… Đây sẽ là động lực mới để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, tiếp cận với các ngân hàng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất, góp phần đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại sau những tổn thất do bão số 3.

Đáng chú ý, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng… Thủ tướng yêu cầu NHNN, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng… hỗ trợ người dân. Theo nhận định của các chuyên gia, việc cung cấp dòng vốn tín dụng đúng thời điểm sẽ góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp thiệt hại nặng nề như hiện nay, bên cạnh việc ngân hàng xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, các ngân hàng nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp với lãi suất 0% sẽ là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh. Bởi, lãi suất 0 đồng là chương trình thiết thực hỗ trợ khách hàng, bà con trong khôi phục, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Phía NHNN đã tổ chức hội nghị tín dụng với các ngân hàng thương mại, yêu cầu các ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi”, phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, góp phần đảm bảo có hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ sớm ban hành chương trình hành động của toàn ngành để hỗ trợ người dân sau bão lũ.

Văn Huy- Lệ Thúy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/bai-cuoi-nhung-dong-von-gieo-niem-hy-vong-i744837/
Zalo