Bài cuối: Liên kết, mở rộng để cùng bứt phá

Hà Nội đã từng bước phát triển kinh tế đêm theo thế mạnh riêng biệt của Thủ đô và theo bản sắc của từng quận, huyện. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác vẫn chưa cao, cũng bởi vì quan niệm, giới hạn lĩnh vực và thời gian hoạt động của kinh tế đêm còn chưa thống nhất.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, TP cần có chiến lược bài bản để kinh tế đêm bứt phá.

Thiếu tổ hợp có quy mô

Hiện nay, Hà Nội đã xuất hiện một vài khu vực hoạt động kinh tế ban đêm như khu Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây.

Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh: nếu chiếu theo các tiêu chí phát triển kinh tế đêm của các nền kinh tế phát triển thì việc triển khai ở Hà Nội vẫn còn sơ khai.

Ví như ở Australia, kinh tế ban đêm là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế - văn hóa diễn ra vào ban đêm, chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm mang tính giải trí.

Tại Mỹ, kinh tế ban đêm gồm 5 lĩnh vực chính gồm: nghệ thuật, quán bar, dịch vụ ẩm thực, thể thao và giải trí. Phần lớn các quốc gia châu Âu đều quan niệm kinh tế ban đêm theo nghĩa hẹp và xác định khung giờ hoạt động kinh tế ban đêm từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Không gian ẩm thực đêm phố Tạ Hiện, Hà Nội, thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Phạm Hùng

Không gian ẩm thực đêm phố Tạ Hiện, Hà Nội, thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Phạm Hùng

Ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, các dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm.

Xét đến những điều kiện của kinh tế ban đêm, hiện chưa có khu vực nào của Hà Nội có thể thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để vận hành kinh tế ban đêm một cách bền vững. Sau khoảng 23 giờ, các dịch vụ tiêu dùng về đêm còn rất nghèo nàn, một vài quán bar tập trung ở các khu phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm như: Xclub, Toktok, The Lighhouse… Loại hình kinh doanh dịch vụ ẩm thực hoạt động về đêm cũng chủ yếu ở khu vực phố Tạ Hiện, Tống Duy Tân… Hà Nội thiếu hoạt động kinh tế đêm có quy mô lớn và liên kết.

Theo KTS Trần Huy Ánh: hiện nay, quỹ đất của Hà Nội còn nhiều, nhất là tại các quận huyện gần trung tâm như Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm. Những quận, huyện này hoàn toàn có thể kêu gọi đầu tư một vài khu đô thị kết hợp các dịch vụ lưu trú, thể thao, văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe 24/24, đảm bảo quy mô để phát triển kinh tế cả ngày và ban đêm.

Nếu thực hiện được những khu tổ hợp vui chơi, giải trí về đêm như vậy, hứa hẹn đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng và tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội. Nếu chậm chân, Hà Nội sẽ mất cơ hội và trao “miếng bánh thị phần” cho địa phương bạn.

“Bắt tay” để cùng thắp sáng

Được coi là loại hình kinh tế đặc thù, nhiều tiềm năng phát triển, song những hạn chế trong phát triển kinh tế đêm của Hà Nội đã được các chuyên gia phân tích rất rõ.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế mang tính chiến lược: chưa được đầu tư đồng bộ, chất lượng còn thấp, sản phẩm chưa đa dạng, công tác tổ chức và quản lý chưa chặt chẽ và thiếu những tổ hợp vui chơi, giải trí có quy mô lớn…

Các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy kinh tế đêm, Hà Nội cần khắc phục những tồn tại trên. Ngoài ra, TP cũng cần có một chiến lược và kế hoạch bài bản, mang tầm TP để tạo động lực cho ngành kinh tế này bật lên.

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã tạo cơ hội cho các địa phương xây dựng mục tiêu nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng

Theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, muốn kinh tế ban đêm phát triển cần phải có bộ máy và cơ chế quản lý phù hợp; quy hoạch cụ thể; có không gian và thời gian thích hợp. Hay nhất và hiệu quả nhất là phải tập trung vào văn hóa ẩm thực, những loại sản phẩm có tính chất địa phương. Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn sẽ là một ưu tiên quan trọng trong các năm tiếp theo, với “cỗ xe tam mã” bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm sẽ tạo thêm động lực cho du lịch, tiêu dùng và cả đầu tư.

Theo ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, muốn thúc đẩy kinh tế đêm phát triển, cần có thông tin và thống kê tốt hơn, như: đón được bao nhiêu khách, họ chi tiêu thế nào, thế hệ trẻ (gen Z) tham gia vào đó ra sao… Việc đánh giá tác động cần lưu ý cả về mặt kinh tế, những mặt “tối” (tình hình an ninh trật tự, tội phạm ma túy…), khảo sát những người sống gần khu vực đó. Trên cơ sở đó sẽ có cách thức tuyên truyền, thiết kế các quy định để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển.

Hơn nữa, mặc dù Hà Nội đã xây dựng các vùng kinh tế đêm theo từng địa phương, song tính kết nối của từng quận, huyện có hoạt động kinh tế đêm còn chưa cao. Chính vì vậy ít có sự dịch chuyển du khách từ các quận trung tâm ra các huyện ngoại thành.

Chưa kể, theo ông Phùng Quang Thắng, Hà Nội không thể đi một mình trong mục tiêu phát triển kinh tế đêm mà còn phát gắn kết với các địa phương lân cận như Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… để tạo ra tính liên kết vùng, thu hút du khách ở các sản phẩm du lịch đa dạng. Sử dụng nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ chất lượng cao.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội cần xem xét lại nội hàm của kinh tế đêm, đó không chỉ bó hẹp ở các chợ hay khu phố đi bộ (cách tiếp cận truyền thống), mà cần có cách tiếp cận theo xu hướng hiện đại là gắn với kinh tế số, các hoạt động giải trí trên mạng, mua thức ăn ban đêm trên các nền tảng số… Từ đó, đưa ra những quy định phù hợp với từng cách tiếp cận.

Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng được Bộ VHTT&DL ban hành hồi tháng 7/2023. Đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-lien-ket-mo-rong-de-cung-but-pha.html
Zalo