Xây lắp Trường Sơn (TSA): 'Dày' việc nhưng mỏng vốn!

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn (Xây lắp Trường Sơn, mã chứng khoán TSA) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp công trình điện vốn đang khá 'nhiều việc', nhưng quy mô và tiềm lực tài chính hạn chế là thách thức khi Công ty tham gia các dự án lớn hơn.

Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện đang ở mức cao

Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện đang ở mức cao

Triển vọng ngành sáng trong dài hạn

Xây lắp Trường Sơn được thành lập ngày 29/8/2002 với vốn điều lệ ban đầu là 1,2 tỷ đồng, đến nay Công ty đã có 7 lần tăng vốn, hiện đạt 350 tỷ đồng. Trong đó, 5 lần tăng vốn đầu tiên từ 1,2 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng do cổ đông góp vốn; lần tăng vốn thứ sáu từ 250 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng ghi nhận có cổ đông mới góp vào; lần tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trải qua nhiều lần tăng vốn, đồng thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Trường bán ra 75% vốn cổ phần trước thềm niêm yết, Xây lắp Trường Sơn chỉ còn lại 3 cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Trưởng, bà Hoàng Kim Huế, bà Nguyễn Diệu Linh, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20%, 10%, 5% vốn điều lệ.

Hoạt động chính của Xây lắp Trường Sơn là xây lắp các công trình điện và sản xuất các sản phẩm từ bê tông (sản phẩm bổ trợ cho việc triển khai xây lắp các công trình điện). Trong đó, cơ cấu doanh thu lĩnh vực xây lắp và bán hàng (sản phẩm từ bê tông) năm 2023 lần lượt là 53,5% và 46,5% tổng doanh thu; tỷ lệ này trong quý I/2024 lần lượt là 32,25% và 67,75%.

Công ty đang triển khai gói thầu dự án Đường dây 110kV Bá Thiện - Khai Quang; gói thầu dự án Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa; gói thầu dự án cấp điện lưới quốc gia cho Đảo Rều (Quảng Ninh); gói thầu 03-XL YP3 và gói thầu xây lắp xuất tuyến 35, 22kV sau TBA Yên Phong 3.

Cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn trúng thầu thêm gói xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT141 đến VT151 thuộc dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối.

Khách hàng lớn của doanh nghiệp là các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như Công ty Điện lực Bắc Ninh, Công ty Điện lực Điện Biên, Công ty Điện lực Bắc Giang, Công ty Điện lực Hà Nam, Ban quản lý dự án Lưới điện Hà Nội, Công ty Điện lực Quảng Ninh, Công ty Điện lực Thanh Hóa, Công ty Điện lực Phú Thọ.

Thực tế, Xây lắp Trường Sơn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp công trình điện, liên quan tới các dự án phát triển hạ tầng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các thành viên.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 3.592 km đường dây 500 kV, 4.076 km đường dây 220 kV, 26.400 MVA trạm 500 kV và 33.888 MVA trạm 220 kV; giai đoạn 2026 - 2030 phát triển thêm 3.714 km đường dây 500 kV, 3.435 km đường dây 220 kV, 23.550 MVA trạm 500 kV và 32.750 MVA trạm 220 kV.

Báo cáo của VIRAC Research dự báo, trong 5 năm tới, ngành điện có triển vọng tăng trưởng khoảng 8,5%/năm. Mặc dù vậy, EVN ước tính, năm 2025, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh.

Bên cạnh việc phát triển nguồn điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thì việc phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện đang là yêu cầu cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời truyền tải điện từ các dự án đầu tư mới như Nhiệt điện Thái Bình 2, Cụm khí điện Lô B - Ô Môn, Cụm khí Cá Voi Xanh, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1… Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp xây lắp điện trong việc đảm bảo tiến độ và vốn đối ứng.

Với Xây lắp Trường Sơn, tính đến 31/3/2024, quy mô tài sản và lượng tiền mặt nhỏ hơn khá nhiều so với một số doanh nghiệp trong ngành như TV2 và PC1 (cuối năm 2023, quy mô tài sản của TV2 và PC1 gấp 4,2 lần và 34,6 lần). Công ty sở hữu 52,2 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 8,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 207,7 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng tài sản.

Một điểm đáng lưu ý, giống như các doanh nghiệp xây dựng, phần lớn tài sản của Xây lắp Trường Sơn nằm ở bên thứ ba khi các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 34,7% tổng tài sản (tỷ lệ này của PC1 là 14,95%). Trong đó, 169,9 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn của khách hàng, 28,1 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn… Việc phần lớn tài sản nằm ở bên thứ ba trong bối cảnh lượng tiền mặt hạn chế gây lo ngại về năng lực tài chính nếu như khách hàng chậm thanh toán, ảnh hưởng tới dòng tiền tại Xây lắp Trường Sơn, đặc biệt trong thời gian gần đây khi EVN có dấu hiệu gặp khó khăn dòng tiền.

Về hiệu quả sử dụng vốn, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Xây lắp Trường Sơn thấp hơn so với TV2 và PC1, năm 2022 là 0,86% so với 3,87% và 9,37%; năm 2023, lợi nhuận của Công ty tăng từ 3,1 tỷ đồng lên hơn 10 tỷ đồng nên ROE đạt 2,72%, bằng với PC1, nhưng thấp hơn TV2 (3,95%).

Tiếp tục tăng vốn

Bổ trợ cho việc triển khai xây lắp các công trình điện của doanh nghiệp là hoạt động sản xuất các sản phẩm từ bê tông.

Lĩnh vực xây lắp điện giàu tiềm năng theo lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng điện của Chính phủ, nhưng do quy mô tài sản, nguồn vốn còn khiêm tốn, Xây lắp Trường Sơn có thể gặp khó khăn khi tham gia các dự án lớn hơn.

Trong khi đó, giống các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt khi triển khai các dự án liên quan tới EVN, phải thu khách hàng tính đến cuối quý I/2024 của Xây lắp Trường Sơn lên tới 207,7 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng tài sản (tỷ lệ này tại PC1 là 15%). Việc bị chiếm dụng vốn trong bối cảnh nguồn vốn không quá dồi dào sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu xếp vốn đối ứng để triển khai các dự án mới.

Ngoài ra, trong lĩnh vực bất động sản, Xây lắp Trường Sơn hiện là chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thương mại tổng hợp Trường Sơn tại Hà Nam, với vốn đầu tư 71,4 tỷ đồng. Dự án đang ở giai đoạn 2 thực hiện xây dựng đóng cọc bê tông móng, đạt 10% so với kế hoạch và công trình được đề xuất gia hạn đưa vào sử dụng 24 tháng kể từ ngày 20/10/2023.

Để tăng cường nguồn lực tài chính, Xây lắp Trường Sơn đã lên kế hoạch huy động vốn trong quý III/2024, dự kiến chào bán 3,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động 35 tỷ đồng sẽ được chia hai, một nửa dùng để trả nợ vay ngân hàng, một nửa bổ sung vốn lưu động.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xay-lap-truong-son-tsa-day-viec-nhung-mong-von-post348487.html
Zalo