Bài cuối - Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới

Phát huy những giá trị ngoại giao Hồ Chí Minh không chỉ là sự kế thừa truyền thống, mà còn là đòi hỏi chiến lược để xây dựng hình ảnh một Việt Nam vững vàng, uy tín và giàu bản sắc trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954). (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954). (Ảnh tư liệu)

Trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của dân tộc mà còn là nhà ngoại giao tài ba, nhà chiến lược ngoại giao lỗi lạc. Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh vừa đóng vai trò then chốt trong thành công của cách mạng Việt Nam và để lại những bài học sâu sắc, giá trị cho công tác đối ngoại hiện nay. Trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng với những thách thức và cơ hội đan xen, việc lan tỏa tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết và ý nghĩa.

Tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh là sự kết tinh hài hòa giữa truyền thống ngoại giao dân tộc với tinh thần quốc tế, giữa kiên định nguyên tắc và linh hoạt sách lược. Người luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, nhưng cũng hết sức mềm dẻo trong ứng xử, tôn trọng sự khác biệt và đề cao đối thoại, hợp tác vì hòa bình, phát triển.

“Tấm hộ chiếu văn hóa”

Văn hóa chính là sức mạnh mềm cốt lõi trong hoạt động đối ngoại, một sức mạnh bền bỉ, không mang tính đối đầu nhưng lại có sức lan tỏa sâu rộng, giúp Việt Nam định hình hình ảnh của mình trong lòng bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng và khẳng định vai trò, vị thế trong khu vực cũng như trên toàn cầu, văn hóa không chỉ là nội dung của ngoại giao, mà còn là phương tiện, là ngôn ngữ để đối thoại và đồng hành với thế giới.

Thực tế đã chứng minh, không chỉ các hiệp định, tuyên bố chính trị hay hợp tác kinh tế tạo nên uy tín quốc gia, mà chính những giá trị văn hóa như lòng nhân ái, tinh thần hòa hiếu, bản sắc dân tộc, sự hiếu khách và truyền thống nhân văn mới là điều khiến bạn bè quốc tế thực sự cảm mến, kính trọng Việt Nam. Những hình ảnh giản dị mà đầy ý nghĩa, như tà áo dài trong các sự kiện quốc tế, lễ hội văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, hay những bản nhạc dân tộc vang lên tại trụ sở Liên hợp quốc đã góp phần tạo nên một Việt Nam vừa gần gũi, vừa đặc sắc, vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc.

Trong chiến lược phát triển ngoại giao toàn diện, hiện đại và vì nhân dân mà Đảng ta đang theo đuổi, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh chính là nền móng tinh thần và kim chỉ nam cho mọi hành động. Bởi ở Người, văn hóa không phải trang trí cho ngoại giao, mà là linh hồn thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, phong thái và quan điểm ứng xử với bạn bè quốc tế. Người dạy chúng ta rằng: Muốn được người khác tôn trọng, trước hết phải tôn trọng mình và tôn trọng người. Muốn thế giới hiểu mình, phải mở lòng ra, kiên nhẫn, chân thành và có bản lĩnh đạo lý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan năm 1957. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan năm 1957. (Ảnh tư liệu)

Chính nhờ tư tưởng đó mà ngày nay, Việt Nam có thể tham gia một cách tự tin vào các diễn đàn quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi trong các vấn đề chiến lược như biển đảo, an ninh khu vực, phát triển bền vững… Đồng thời, ta cũng xây dựng được hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và giàu giá trị nhân văn đúng với tinh thần và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa ngoại giao văn hóa, không chỉ trong hoạt động đối ngoại Nhà nước mà cả trong giao lưu nhân dân, du lịch, giáo dục, nghệ thuật, thể thao… để mỗi người Việt Nam khi ra thế giới đều mang theo mình một “tấm hộ chiếu văn hóa”. Và trên tất cả, đó chính là cách chúng ta làm cho di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục sống động, lan tỏa và góp phần nâng tầm Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập mạnh mẽ hôm nay.

Không chỉ là một di sản

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình nhanh chóng với nhiều biến động địa chính trị, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột đa chiều, việc tiếp tục phát huy những giá trị ngoại giao Hồ Chí Minh không chỉ là sự kế thừa truyền thống, mà còn là đòi hỏi chiến lược để xây dựng hình ảnh Việt Nam vững vàng, uy tín và giàu bản sắc trong giai đoạn mới.

Việt Nam cần một nền ngoại giao khôn khéo, bản lĩnh, nhưng cũng rất nhân văn và linh hoạt đúng như tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Tư tưởng ngoại giao của Người là kim chỉ nam để đất nước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả. Đồng thời, giữ vững bản sắc dân tộc, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc trong mọi tình huống.

Trước hết, cần khẳng định rằng ngoại giao Hồ Chí Minh là một trường phái độc đáo, kết hợp giữa trí tuệ phương Đông và tầm nhìn hiện đại, giữa bản lĩnh chính trị và chiều sâu văn hóa. Đó là ngoại giao của lòng nhân ái, của đạo lý làm người, của sự mềm dẻo nhưng không nhân nhượng trước lợi ích quốc gia, dân tộc. Phát huy giá trị ấy hôm nay là tiếp tục khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, nhân văn, vì hòa bình, vì sự phát triển bền vững của nhân loại.

Trong bài viết "Bác vẫn cùng các cháu hành quân", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Về đối ngoại, đường lối ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng và Nhà nước vận dụng sáng tạo, giúp Việt Nam vươn lên một tầm vóc mới trên trường quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đề ra nguyên tắc ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ – mà cốt lõi là giữ vững lợi ích dân tộc và hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Từ năm 1947, Người đã khẳng định Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, thể hiện tầm nhìn xa về một nền ngoại giao hòa bình, hợp tác. Ngày nay, tư tưởng đó đã trở thành phương châm hành động: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu đối ngoại mà chúng ta đạt được đến nay đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ở mức cao nhất từ trước đến nay. Có thể khẳng định, các thành quả đối ngoại rực rỡ ấy bắt nguồn từ việc quán triệt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, tiến bộ của khu vực và thế giới và nền văn minh nhân loại".

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn khẳng định, trong chiến lược phát triển ngoại giao toàn diện, hiện đại và vì nhân dân mà Đảng ta đang theo đuổi, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh chính là nền móng tinh thần và kim chỉ nam hành động. (Nguồn: Quốc hội)

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn khẳng định, trong chiến lược phát triển ngoại giao toàn diện, hiện đại và vì nhân dân mà Đảng ta đang theo đuổi, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh chính là nền móng tinh thần và kim chỉ nam hành động. (Nguồn: Quốc hội)

Vì vậy, để lan tỏa mạnh mẽ tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, chúng ta cần thực hiện một số định hướng lớn: Thứ nhất, xây dựng hình ảnh đất nước không chỉ bằng sức mạnh kinh tế, mà bằng sức mạnh văn hóa và đạo lý. Mỗi chính sách đối ngoại, mỗi tuyên bố quốc tế, mỗi sự kiện giao lưu nhân dân đều cần thấm đẫm tinh thần vì con người, vì hòa bình như chính cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chạm đến trái tim bạn bè năm châu.

Thứ hai, đầu tư hơn nữa cho ngoại giao văn hóa, một trụ cột ngày càng quan trọng trong tổng thể ngoại giao Việt Nam. Hãy để áo dài, nón lá, chèo, quan họ, phở, văn học và cả trí tuệ Việt Nam đồng hành trong các diễn đàn quốc tế. Những “sứ giả văn hóa” thầm lặng ấy sẽ nói thay chúng ta những điều không cần diễn ngôn ngoại giao.

Thứ ba, đào tạo một thế hệ nhà ngoại giao toàn diện, không chỉ giỏi về chuyên môn, mà cần có chiều sâu văn hóa, có trái tim nhân ái, có phong cách lịch lãm đúng với tinh thần “thuyết phục bằng tấm gương và hành vi văn hóa” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thể hiện.

"Tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh không chỉ là di sản quý báu mà còn là ngọn đuốc soi đường cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc và những biến động khó lường, việc lan tỏa và vận dụng hiệu quả tư tưởng, phong cách ngoại giao của Người chính là cách để Việt Nam giữ vững độc lập, tự chủ; phát huy sức mạnh mềm của dân tộc; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế trên trường thế giới".

Thứ tư, chủ động tham gia và dẫn dắt các sáng kiến đa phương, nhất là trong những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hòa bình, an ninh, phát triển bền vững. Đó là cách để Việt Nam thể hiện trách nhiệm quốc tế, đúng như Người từng dạy: "Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai".

Thứ năm, ứng dụng công nghệ và truyền thông hiện đại để lan tỏa những giá trị tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế, tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn và tiến bộ.

Cuối cùng, chính mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần ý thức rằng mình là gương mặt đại diện cho đất nước khi bước ra thế giới. Cách chúng ta nói, sống, sáng tạo và chia sẻ chính là cách đất nước được nhìn nhận. Khi mỗi người mang theo mình tinh thần Hồ Chí Minh giản dị, nhân hậu, kiên cường và trí tuệ thì Việt Nam sẽ tỏa sáng không chỉ vì sức mạnh vật chất, mà vì chiều sâu giá trị.

Nói như thế để thấy, ngoại giao Hồ Chí Minh không chỉ là một di sản để gìn giữ, mà là một động lực sống động, để chúng ta tiếp tục xây dựng một Việt Nam hội nhập nhưng không hòa tan, kiên định nhưng không bảo thủ, thân thiện mà vẫn đầy uy tín. Trong kỷ nguyên mới, đó chính là con đường khẳng định bản lĩnh và tầm vóc dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-cuoi-lan-toa-manh-me-tinh-than-ngoai-giao-ho-chi-minh-trong-boi-canh-moi-314843.html
Zalo