Bài cuối: Kiến tạo tương lai

Đắk Lắk không chỉ là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, tài nguyên trù phú và bề dày truyền thống cách mạng hào hùng, mà còn là nơi hội tụ và lan tỏa những khát vọng về một tương lai tươi sáng, thịnh vượng.

Đắk Lắk hội tụ những giá trị độc đáo, tạo nên sức mạnh tổng hợp và lợi thế cạnh tranh bền vững. Thiên nhiên phóng khoáng ban tặng dải đất bazan màu mỡ, cái nôi của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vang danh toàn cầu.

Vị thế địa chiến lược trung tâm Tây Nguyên, là đầu mối giao thông quan trọng với mạng lưới đường bộ tỏa khắp và Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, cùng vị trí trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, mở ra không gian kết nối liên vùng và quốc tế.

Tiềm lực tri thức được khẳng định với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế hàng đầu khu vực, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng. Đặc biệt, chiều sâu văn hóa với sự giao thoa đặc sắc của 49 dân tộc anh em, đỉnh cao là Di sản thế giới Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, tạo nên bản sắc riêng có và tiềm năng vô giá cho phát triển du lịch.

Chính sự cộng hưởng hài hòa giữa thiên thời - địa lợi - nhân hòa này là nền tảng vững chắc để Đắk Lắk tự tin bứt phá trên con đường phát triển và hội nhập.

Từ nền tảng đó, nhiều khát vọng vươn lên đã được ươm mầm và lan tỏa. Một minh chứng sinh động cho tinh thần đổi mới và khát vọng làm giàu là anh Y Pốt Niê với thương hiệu Êđê Café. Sinh ra và lớn lên tại "thủ phủ cà phê Việt Nam", anh Y Pốt Niê luôn trăn trở tìm cách nâng cao giá trị hạt cà phê bản địa phương, góp phần cải thiện đời sống bà con buôn làng. Với quyết tâm bền bỉ, anh đã khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu Êđê Café, không chỉ mang đến sản phẩm cà phê chất lượng cao mà còn khẳng định năng lực, ý chí làm kinh tế của người Êđê, tiếp thêm động lực cho tuổi trẻ Đắk Lắk.

"Tôi thấy bà con mình ở buôn này cứ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với cây cà phê mà sao vẫn cứ thiếu trước hụt sau hoài. Nên tôi cứ trăn trở, nghĩ cách làm sao cho cái hạt cà phê mình làm ra nó phải có giá trị hơn, nó xứng đáng hơn với công sức của bà con mình kìa.

Mong muốn lớn nhất của tôi là tìm được cái đường giúp bà con mình bán được hạt cà phê với cái giá tốt hơn, để cuộc sống bớt lo cái ăn cái mặc. Rồi mình làm ăn được, thì cũng tạo thêm được việc làm ổn định cho mấy anh em thanh niên ở đây, kéo thêm được mấy chục nhà bà con đồng bào mình cùng làm, cùng có thêm thu nhập từ chính cái cây cà phê bao đời nay mình gắn bó. Vậy thôi à!", Y Pốt bộc bạch.

Nhận thức sâu sắc những tiềm năng, lợi thế cũng như những thách thức phải đối mặt trong bối cảnh mới, Đảng bộ, chính quyền Đắk Lắk đã và đang quyết liệt triển khai những định hướng chiến lược mang tính đột phá.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nhằm tăng sức cạnh tranh. Ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các lĩnh vực được xác định là đòn bẩy then chốt, ưu tiên hàng đầu.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, một số lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk có ý kiến như sau:

Ông Nguyễn Thiên Văn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk là tập trung kiến tạo một nền hành chính hiện đại, phục vụ, hiệu quả. Song song đó, tỉnh không ngừng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số toàn diện, đây là động lực cốt lõi cho sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thi đua với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc” nhằm khơi dậy niềm tin, lòng tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những thành tựu đổi mới, phát huy tiềm năng, lợi thế và giá trị lịch sử, truyền thống của Đắk Lắk anh hùng.

Ông Trương Công Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhận định: “Sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông đang tạo ra một bước chuyển mình cho tỉnh. Điển hình là tuyến cao tốc chiến lược Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang dần hình thành, cùng với các trục đường huyết mạch đã và đang được xây dựng, nâng cấp, mở rộng đồng bộ. Những công trình này góp phần kiến tạo động lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương, tạo sức hút với các nhà đầu tư. Từ đó, vị thế trung tâm của tỉnh không chỉ được củng cố mà còn được nâng lên một tầm vóc mới, sẵn sàng hội nhập và phát triển".

Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk đang quyết liệt rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt là những quy trình phức tạp liên quan đến cấp phép đầu tư, đất đai, xây dựng và nghĩa vụ thuế. Các cơ quan quản lý cũng tăng cường công khai, minh bạch, cung cấp thông tin thuận tiện, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư an tâm tìm hiểu và tiếp cận các cơ hội tại địa phương.

Ông Đinh Xuân Diệu, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đánh giá, với mạng lưới các Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp ngày càng được đầu tư mở rộng, như KCN Tân An, KCN Hòa Phú và mới nhất là KCN Phú Xuân quy mô hơn 300 ha vừa động thổ, đây chính là đòn bẩy then chốt, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định quyết tâm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.

Trong dòng chảy phát triển chung của đất nước, chủ trương nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh thành theo định hướng Đông - Tây, đang mở ra những chân trời mới, hứa hẹn khơi dậy tiềm năng và sức mạnh tổng hợp của các vùng miền. Đề xuất nghiên cứu hợp nhất Đắk Lắk với Phú Yên, đang thu hút sự quan tâm của mọi người dân.

Ông Y Luyện Niê Kdăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc tái hợp Đắk Lắk và Phú Yên, hai địa phương từng có quá khứ gắn bó, nếu trở thành sự thật sẽ khai mở những lợi thế vô cùng to lớn.

Ông phân tích thêm: "Trước hết, cái được lớn nhất là tạo ra một không gian phát triển mới, quy mô lớn hơn hẳn, đủ tầm vóc và tiềm lực mạnh mẽ hơn để hấp dẫn những nhà đầu tư lớn, triển khai những dự án mang tầm quốc gia và quốc tế, điều mà có thể từng tỉnh riêng lẻ sẽ khó khăn hơn khi theo đuổi. Nhưng điều tôi tâm đắc hơn nữa chính là sự cộng hưởng giữa rừng và biển. Thử hình dung, nông sản của Đắk Lắk mình làm ra, có công nghệ chế biến sâu rồi thông ra cảng biển gần ngay trong nhà mình để xuất khẩu đi khắp nơi, thì giá trị sẽ khác biết bao! Hay như du lịch, ta có thể tạo ra những chuỗi sản phẩm độc đáo không nơi nào có, mời gọi du khách trải nghiệm trọn vẹn từ hùng vĩ đại ngàn xuống tới biển xanh”.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, dự kiến sau sáp nhập với Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 18.096 km2, dân số hơn 3,3 triệu người và 102 đơn vị hành chính cấp xã (68 đơn vị tại tỉnh Đắk Lắk và 34 đơn vị tại tỉnh Phú Yên). Điều này mở ra không gian, bổ sung và cộng hưởng giữa các thế mạnh của Đắk Lắk và Phú Yên tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đứng trước những cơ hội và vận hội mới, với nền tảng vững chắc của tiềm năng thiên nhiên, giá trị lịch sử - văn hóa và ý chí con người, cùng những định hướng phát triển rõ ràng, Đắk Lắk đang tự tin khai thác tối đa lợi thế, viết tiếp những trang sử mới đầy hứa hẹn, sẵn sàng cất cánh trên hành trình kiến tạo một tương lai phồn vinh, bền vững và đậm đà bản sắc…

Lê Hiếu

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bai-cuoi-kien-tao-tuong-lai-478169.html
Zalo