Bài cuối: Khát vọng hòa bình và phát triển Thủ đô

70 năm đã trôi qua, từ Hội nghị Quân sự Trung Giã đến nay, Nhân dân cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng đã luôn thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, tạo dựng được nhiều thành tựu to lớn, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô trong thời kỳ mới.

Một “địa chỉ đỏ” cho muôn đời sau

70 năm đã trôi qua nhưng dấu ấn lịch sử, niềm tự hào, vinh dự của Nhân dân huyện Sóc Sơn nói riêng, TP Hà Nội nói chung, được góp phần tham gia tổ chức Hội nghị Quân sự Trung Giã vẫn còn mãi. Khắc ghi dấu ấn lịch sử đó, Đảng bộ và Nhân dân TP Hà Nội nói chung, huyện Sóc Sơn ngày nay luôn quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Hội nghị Quân sự Trung Giã.

Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn

Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn Trần Thị Thanh Huế cho biết, Hội nghị Quân sự Trung Giã là dấu mốc lịch sử đáng tự hào trong hành trình lịch sử đầy gian khó nhưng hào hùng của dân tộc. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngành GD&ĐT huyện đã tích hợp nội dung Hội nghị Quân sự Trung Giã vào chương trình giáo dục tại địa phương từ năm học 2012 - 2013 đến nay.

Hiện, ngành GD&ĐT huyện đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy nghiên cứu, bổ sung, biên tập, tái bản “Tập bài giảng lịch sử địa phương của huyện”. Những giá trị lịch sử truyền thống, tư liệu quý về sự kiện Hội nghị Quân sự Trung Giã sẽ được bổ sung, làm sáng rõ; từ đó giúp các thế hệ học sinh huyện Sóc Sơn không chỉ được tiếp thu tri thức về lịch sử mà còn được rèn luyện, thấm nhuần tinh thần yêu nước nồng nàn, khí phách bất khuất của dân tộc Việt Nam qua những bài học lịch sử sống động.

Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường, Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Đa Phúc trước đây, huyện Sóc Sơn ngày nay vinh dự là địa phương tổ chức và tự hào được tham gia bảo vệ, phục vụ, góp phần vào thành công của Hội nghị Quân sự Trung Giã.

70 năm qua, Hội nghị Quân sự Trung Giã và hình ảnh những con người đã tham gia và tạo nên thành công của hội nghị như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào và những tên tuổi khác như các đồng chí Lê Quang Đạo, Hồng Hà, Lê Minh Nghĩa, Lưu Văn Lợi… vẫn luôn in đậm trong ký ức, lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân huyện Sóc Sơn, trong bài học về lịch sử của các thế hệ học sinh huyện nhà.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường, Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng từ năm 2002. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cụm di tích hiện nay vẫn được chính quyền và Nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ và bảo tồn.

Nhằm phát huy giá trị của sự kiện Hội nghị Quân sự Trung Giã, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt khoảng 70 tỷ đồng để triển khai dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã. Dự án đang được tích cực triển khai, với kỳ vọng biến địa điểm này trở thành một “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng quan trọng cho muôn đời sau.

Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước

Theo TS Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với các thế lực ngoại xâm và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giữ nước để bảo vệ nền độc lập, tự do. Vì vậy, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do luôn thấm nhuần trong tư tưởng, huyết mạch mỗi người dân Việt Nam, được nuôi dưỡng và trao truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Hội nghị Quân sự Trung Giã được xem là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. Hội nghị là kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trực tiếp là thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Có thể nói, Hội nghị Quân sự Trung Giã đã góp phần hiện thực hóa khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Với truyền thống đấu tranh quật cường chống quân xâm lược nhưng cũng thiết tha mong muốn hòa bình, Việt Nam luôn coi chiến tranh là sự lựa chọn cuối cùng để tự vệ. Khi có cơ hội thương lượng, đàm phán, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tranh thủ từng cơ hội dù là nhỏ nhất…” - TS Nguyễn Văn Phong nhìn nhận.

Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, với Hội nghị Geneve và Hội nghị Quân sự Trung Giã, mục đích chính trị của kháng chiến bước đầu đã đạt được, đó là giành lại độc lập, tự do và kiến tạo hòa bình. Đây là cơ sở, tiền đề để Đảng ta tiếp tục đề ra đường lối, chủ trương nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta giành những thắng lợi mới trong những giai đoạn tiếp sau.

70 năm đã trôi qua, từ Hội nghị Quân sự Trung Giã đến nay, Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Thủ đô nói riêng đã luôn thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong những năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng… Hình ảnh, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao đối với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Thủ đô Hà Nội được thế giới tôn vinh “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999; Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, ba lần nhận Huân chương Sao vàng vào các năm 1984, 2004 và năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014 và Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2018.

Thủ đô Hà Nội đã và đang ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống lịch sử, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân cả nước, với truyền thống Thủ đô ngàn năm Văn hiến - Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình” - TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Cùng với thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve, Hội nghị Quân sự Trung Giã đã góp phần chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, buộc đối phương phải ngừng bắn, rút quân về nước. Kết quả của Hội nghị Quân sự Trung Giã thể hiện tính chính nghĩa, tinh thần nhân đạo của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đó là những cơ sở quan trọng để quân và dân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975). Nhiều kinh nghiệm quý giá đúc rút từ Hội nghị Quân sự Trung Giã cách đây 7 thập niên vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…”.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự

70 năm đã trôi qua, Hội nghị Quân sự Trung Giã mãi là dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam. Những bài học được đúc kết từ hội nghị này, đặc biệt là bài học về công tác bảo vệ địa bàn an toàn vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được chắt lọc, vận dụng, phát huy trong giai đoạn hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nhân - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-khat-vong-hoa-binh-va-phat-trien-thu-do.html
Zalo