Bài cuối: Đẩy mạnh đầu tư phát triển làng nghề gắn liền với du lịch nông thôn
Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn là một hướng đi mới để phát triển du lịch, thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm. Trong giai đoạn hội nhập, nếu làng nghề không dựa vào văn hóa, không kết hợp được với du lịch thì sẽ rất khó phát triển và đứng trước nguy cơ mai một. Song hiện nay, du lịch kết hợp đã mở ra hướng đi mới cho các làng nghề. Du lịch làng nghề đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. TPHCM xác định chiến lược đầu tư cho làng nghề không chỉ giúp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân mà còn tạo thêm sức hút cho ngành du lịch.
Du lịch làng nghề với sự kết hợp giữa tham quan, trải nghiệm và mua sắm, đang trở thành xu hướng thu hút du khách trong và ngoài nước. Không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương, mô hình này còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Khai thác hiệu quả làng nghề sẽ mang lại giá trị lớn cả về kinh tế lẫn văn hóa cho TPHCM. Nhằm phát huy tiềm năng này, TPHCM đang đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề, đồng thời lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng du lịch nông thôn, tạo động lực phát triển bền vững.
Hướng đi mới cho kinh tế nông thôn
Bảo tồn và phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn; gìn giữ cảnh quan, không gian làng nghề; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch, khai thác tiềm năng và lợi thế địa phương, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, tôn vinh nghệ nhân và thợ lành nghề. Trong quá trình này, các làng nghề không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập mà còn tạo động lực đa dạng hóa ngành du lịch.

Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TPHCM)
Cuối năm 2024, Chương trình "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành được duy trì thường niên. Theo đó, TPHCM tái hiện sinh động các làng nghề truyền thống như: đan lát Thái Mỹ (Củ Chi), bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi), se nhang Lê Minh Xuân (Bình Chánh), trồng mai vàng Bình Lợi (Bình Chánh), làm muối Lý Nhơn (Cần Giờ)... Khách tham quan có cơ hội tìm hiểu lịch sử, khám phá những câu chuyện thú vị về sản phẩm làng nghề. Qua đó, chương trình cụ thể hóa hợp tác kinh tế, tôn vinh giá trị truyền thống, bảo tồn và phát huy các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, cùng các giá trị văn hóa nghệ thuật của các địa phương hội tụ tại TPHCM.
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng, cần giải quyết vấn đề môi trường và nghiên cứu thị hiếu du khách để phát triển du lịch làng nghề hiệu quả. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhấn mạnh: "Để du lịch làng nghề phát triển bền vững, cần tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống". Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp, đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng. Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, đây là tiền đề, cơ hội tốt để các làng nghề đi lên cùng sự phát triển của ngành du lịch.
Mỗi làng nghề của TPHCM mang bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, đậm nét văn hóa dân tộc. Sản phẩm làng nghề đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh trong và ngoài nước. Có thể thấy đa số du khách quốc tế khi đến Việt Nam đều muốn mang về một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những gì tinh tế nhất của một nền văn hóa. Cũng vậy, món ăn là đặc sản của các vùng miền cũng được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan. Chia sẻ của Chủ cơ sở bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông: "Kết hợp sản xuất với du lịch giúp cải thiện kinh tế gia đình và quảng bá làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông ra thế giới. Dịp lễ, Tết, các cơ sở sản xuất nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Củ Chi".
Thực tế cho thấy, du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép: vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Nếu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi ích thu được là rất lớn. Để phát triển du lịch làng nghề bền vững, cần chú trọng bảo vệ, trùng tu di tích lịch sử - văn hóa, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân gian trong làng nghề, qua đó giữ gìn bản sắc, tạo sức hút với du khách. Du lịch làng nghề muốn khai thác hiệu quả thì phải nghiên cứu thị hiếu của du khách đối với các làng nghề, từ đó có những chiến lược cụ thể về thị trường để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó phải có chính sách để phát triển du lịch làng nghề. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sớm để du khách quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận thông tin du lịch về những làng nghề.

Du khách trải nghiệm làm muối ở Cần Giờ
Chính sách hỗ trợ và xu hướng phát triển bền vững cho làng nghề
TPHCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề. Các hộ dân và doanh nghiệp có thể vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ xã viên hợp tác xã với lãi suất thấp, hưởng chính sách khuyến công theo Quyết định 17/2020/QĐ-UBND của TP và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Năm 2022, TPHCM ban hành Quyết định 1784 về bảo tồn và phát triển làng nghề, giúp gìn giữ giá trị văn hóa, nâng cao sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Tiếp đó, Nghị quyết 09/2023 về hỗ trợ lãi suất tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ kinh tế làng nghề như làng mai vàng Bình Lợi, giúp mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường. UBND TPHCM cũng đã công nhận các làng nghề truyền thống, cấp chứng nhận để được hưởng ưu đãi theo chính sách phát triển ngành nghề nông thôn. Sắp tới, TP sẽ đẩy mạnh khôi phục, tôn tạo di tích văn hóa, cảnh quan làng nghề, tổ chức lễ hội và hoạt động văn hóa dân gian, tạo điểm nhấn du lịch, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương.
Chương trình hỗ trợ khuyến công thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động tại cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, chương trình khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào dây chuyền công nghệ, máy móc tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
TPHCM cũng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị làng nghề, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gắn kết với du lịch nhằm tăng tính bền vững và cạnh tranh. Thành phố chú trọng xây dựng mạng lưới quảng bá, hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm mới, bảo đảm phù hợp thị trường. Các làng nghề truyền thống như: đan lát Thái Mỹ, bánh tráng Phú Hòa Đông, muối Lý Nhơn, mai vàng Bình Lợi được bảo tồn văn hóa nghề, khuyến khích phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách, giúp họ trải nghiệm quy trình sản xuất thủ công độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam.
Như vậy, được sự hỗ trợ từ Nhà nước, các làng nghề TPHCM đang chuyển mình mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn, thu hút du lịch và bảo tồn bản sắc làng nghề Việt Nam. Các làng nghề không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng cơ hội du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân và duy trì giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau. Kỳ vọng mô hình làng nghề kết hợp du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tại TPHCM.
Phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu, phù hợp với chiến lược kinh tế - xã hội bền vững. Thành phố hướng đến mô hình sản xuất tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại. Việc huy động nguồn lực xã hội và Nhà nước để bảo tồn, phát triển làng nghề theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống sẽ giúp nâng cao giá trị sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ không gian sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Mục tiêu của hoạt động khuyến công
Huy động nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, phân bổ lao động hợp lý và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Khuyến khích sản xuất sạch hơn, tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người.
Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.